Trẻ lại trong ngày hội ngộ tháng Tư

28/04/2017 - 09:43

PNO - Buổi họp mặt cán bộ phụ vận thời kỳ kháng chiến diễn ra trong không khí đầm ấm với những trao đổi chân thành giữa thế hệ đi trước và các cán bộ của Hội LHPN TP.HCM hôm nay.

Đúng như lời hẹn “sau ngày giải phóng, nếu còn sống, mỗi năm sẽ họp mặt một lần”, sáng 26/4, gần 100 cán bộ phụ vận thời kỳ kháng chiến (tức cán bộ Ban chấp hành Phụ nữ Sài Gòn - Gia Định, tiền thân của Hội LHPN TP.HCM) đã có buổi gặp mặt đầy xúc động tại trụ sở Hội LHPN TP.HCM nhân kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2017).

Tre lai trong ngay hoi ngo thang Tu
Quang cảnh buổi gặp mặt cán bộ phụ vận - Ảnh: Mỹ Duyên

Cuộc hội ngộ xúc động

Biết buổi họp mặt sẽ diễn ra lúc 8 giờ sáng, nhưng dì Trần Thị Hai (bí danh Tư Chói, sinh năm 1955, ngụ tại huyện Củ Chi) đã có mặt ngay từ sáng sớm để tranh thủ gặp các đồng đội cũ, ôn lại những kỷ niệm xưa. Dì Tư Chói chia sẻ: “Cả đêm qua tôi nôn nao không ngủ được, mong trời mau sáng để lên đây gặp lại mấy anh, chị đồng đội ngày xưa. 5 giờ sáng, tôi đã ra bến xe Củ Chi bắt xe lên đây. Giờ mình tuổi già, sức yếu, đi lại khó khăn, có dịp gặp nhau như vầy là mừng lắm”.

Vừa thấy dì Tư Chói, dì Nguyễn Thị Cơ (ngụ tại P.25, Q.Bình Thạnh) chạy ào đến ôm chầm người đồng đội cũ. Hai nữ cán bộ phụ vận tuổi đôi mươi năm nào giờ đã ngoài 60, mái đầu bạc trắng. “Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, chúng tôi không dám nghĩ sau này mình còn được gặp nhau như thế này. Hôm nay, gặp lại nhau, thấy đồng đội cũ của mình khỏe mạnh, lòng tôi vui mừng khôn xiết” - giọng dì Cơ run run, xúc động.

Tre lai trong ngay hoi ngo thang Tu
Các dì, các chị xúc động khi gặp lại nhau

Đang ngồi trò chuyện với các đồng đội cũ, thấy người đàn ông tuổi ngoài 60 bước vào, dì Lê Thị Thu (bí danh Út Hường, SN 1949, ngụ tại quận 5) quay sang gọi: “Anh Nghĩa, lại đây gặp Út Hạnh nè”. Nghe tiếng gọi, chú Phan Thanh Sơn (bí danh Nghĩa, sinh năm 1954, ngụ tại quận 6) vui mừng đáp: “Út Hạnh ngày xưa làm hậu cần phải không? Sau giải phóng tới giờ, mấy anh em cứ hỏi thăm Út Hạnh hoài mà không có tin tức gì. Sao em không liên lạc lại với mấy anh em đồng đội cũ?”.

Nghe đồng đội trách, dì Võ Như Yến (bí danh Út Hạnh) phân bua: “Hồi sau giải phóng, em phải sang Campuchia sống cho đến bây giờ. Lâu rồi không gặp lại mấy anh chị trong cơ quan, em cũng nhớ lắm. Mới đó mà 42 năm rồi”.

Dì Út Hường kể: “Hồi trước, Út Hạnh nhỏ tuổi nhất nên được cơ quan giao làm hậu cần, chuyên lo cơm nước cho anh em. Do nhỏ tuổi nên Út Hạnh được anh em trong cơ quan thương nhất. Sau ngày giải phóng, mấy anh em tụi tui có đi hỏi thăm về Út Hạnh nhưng không ai gặp. Thật bất ngờ, hôm nay mấy anh em được tề tựu đầy đủ về đây”.

Nói dứt lời, dì Út Hường quay sang ôm chặt lấy dì Út Hạnh, rồi nói: “Vì còn nhớ tên nhau nên trời cho mình gặp nhau”. Trong giây phút hội ngộ, những đồng đội cũ đã kể cho nhau nghe bao kỷ niệm của một thời gian khổ, hào hùng. Những khuôn mặt rạng rỡ nụ cười, họ như trẻ lại trong ngày hội ngộ cuối tháng Tư lịch sử.

Tiếp nối trang sử hào hùng

Buổi họp mặt cán bộ phụ vận thời kỳ kháng chiến diễn ra trong không khí đầm ấm với những trao đổi chân thành giữa thế hệ đi trước và các cán bộ của Hội LHPN TP.HCM hôm nay.

Tại buổi gặp mặt, dì Nguyễn Kim Phụng (bí danh Tám Phụng, SN 1955), đại diện Ban liên lạc Cán bộ phụ vận đã thông tin về tình hình hoạt động của ban trong năm 2016 và bày tỏ mong muốn, thời gian tới, ban  và Hội LHPN TP.HCM sẽ tiếp tục phối hợp nắm bắt đời sống của các cán bộ phụ vận và thông tin kịp thời để mọi người trong ban được biết.

Bà Nguyễn Thị Lập Quốc - nguyên Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - chia sẻ: “Những ngày qua, theo dõi loạt bài Ai đứng sau đường dây “hút máu” người nuôi bệnh thuê? đăng trên báo Phụ Nữ TP.HCM, tôi thấy rất xót xa với các chị em phụ nữ nghèo đang đi nuôi bệnh thuê và bị bóc lột ở bệnh viện. Tôi mong muốn sắp tới, Hội sẽ triển khai tổ chức dạy nghề để chị em phụ nữ nghèo có kỹ năng nuôi bệnh và công đoàn của Hội cũng sẽ là cầu nối với các bệnh viện lớn để giải quyết việc làm cho các chị em, để chị em không bị bóc lột, đàn áp như thế nữa”.

Bà đánh giá rất cao loạt bài viết này, cũng như những bước tiến vượt bậc của báo Phụ Nữ TP.HCM trong những năm gần đây.

Bà Lê Thị Thu (Út Hường) - nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em - cũng bày tỏ sự vui mừng về sự tiến bộ, trưởng thành của Hội LHPN TP.HCM: “Tôi rất hoan nghênh Hội phụ nữ trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý hệ thống tổ chức, quản lý hội viên. Việc các em giỏi công nghệ thông tin, nắm được những cái mới chính là phát huy truyền thống của Hội ta, thời kỳ nào cũng không ngừng sáng tạo và đổi mới”.

Xúc động trước sự quan tâm của thế hệ đi trước với công tác Hội hiện nay, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - đã tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu và hứa sẽ tiếp tục đẩy mạnh, phát huy hơn nữa vai trò của Hội trong mọi mặt của đời sống. Bà Ngọc Bích cho biết, trong suốt nhiều năm qua, Hội LHPN TP.HCM vẫn luôn giữ vững thành tích là lá cờ đầu trong phong trào thi đua của Hội LHPN cả nước.

Dịp này, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích cũng đại diện Hội LHPN TP.HCM báo cáo tóm tắt kết quả Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2017 - 2022 và kết quả triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ TP.HCM lần thứ X nhiệm kỳ 2016 - 2021. 

Quyên Trần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI