Số vụ xâm hại tình dục trẻ em nhiều, xử lý chẳng được bao nhiêu

07/05/2018 - 06:08

PNO - Trung tá Nguyễn Văn Dũng - Đội trưởng Đội Trọng án, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an TP.HCM - thừa nhận, trong các loại án, XHTDTE là án khó xử lý nhất.

“Người lớn chúng ta phải nhìn thẳng vào vấn đề, đừng chạy theo điểm thi đua nữa. Tôi thấy hằng năm, có đến hơn 90% phường, xã đạt chuẩn phù hợp, an toàn cho trẻ em, vậy mà số vụ xâm hại tình dục trẻ em lại ngày càng nhiều” - đại biểu Phan Thanh Minh đã phát biểu như vậy tại hội thảo Tham vấn hoàn thiện quy trình phối hợp, hỗ trợ, can thiệp và xử lý đối với các trường hợp trẻ bị bạo lực, xâm hại tình dục trên địa bàn TP.HCM do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP.HCM tổ chức sáng 3/5. 

Tại hội thảo, ngoài tập trung góp ý dự thảo (lần 3) Quy trình phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục trên địa bàn TP.HCM của UBND TP.HCM, các đại biểu còn chia sẻ nhiều bất cập trong tiếp nhận, hỗ trợ, điều tra và xử lý những vụ xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE) hiện nay. 

So vu xam hai tinh duc tre em nhieu, xu ly chang duoc bao nhieu
Đại biểu chia sẻ những khó khăn trong tiếp nhận, điều tra, xử lý các vụ xâm hại tình dục trẻ em

Ông Võ Phi Châu - nhân viên chuyên trách bảo vệ chăm sóc trẻ em Phòng LĐ-TB&XH Q.4 - chia sẻ, trong năm 2016 và sáu tháng đầu năm 2017, toàn quận xảy ra 24 vụ XHTDTE, nhưng chỉ có một vụ được đưa ra xét xử. Theo ông Châu, hiện nay, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hướng dẫn kỹ năng phòng, chống XHTDTE chưa đi vào chiều sâu, chưa cập nhật các tình huống mới.

Ông Châu viện dẫn trường hợp trẻ bị xâm hại ngay trong nhà vệ sinh của cửa hàng tiện ích hoặc một bé vừa tan trường bị một người đàn ông bán vé số đưa vô quán cà phê thực hiện hành vi đồi bại chứ không phải diễn ra nơi vắng vẻ, tối trời. Ông Đặng Văn Ẩn - Phó trưởng phòng LĐ-TB&XH H.Bình Chánh - cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, tại huyện này, đã xảy ra ba vụ XHTDTE, nhưng việc tiếp cận, nắm bắt thông tin nạn nhân rất khó khăn, có gia đình đưa con đi nơi khác sinh sống sau khi xảy ra vụ việc. 

Trung tá Nguyễn Văn Dũng - Đội trưởng Đội Trọng án, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an TP.HCM - thừa nhận, trong các loại án, XHTDTE là án khó xử lý nhất. Để khởi tố một vụ hiếp dâm, phải có kết quả giám định xem tinh trùng, tinh dịch và các vết tích của người thực hiện hành vi hiếp dâm có trong âm đạo hay cơ thể nạn nhân không.

Nhiều trường hợp phụ huynh phát hiện trễ, thậm chí nghĩ con mình bị như vậy “dơ dáy” nên cho đi tắm, lo giặt giũ hoặc đốt luôn quần áo bé đang mặc, dẫn đến chứng cứ quan trọng bị tiêu hủy, giám định không có kết quả. Thượng tá Nguyễn Thanh Huyền - Phó trưởng phòng PC45 Công an TP.HCM - lưu ý, lời khai của nạn nhân và cả đối tượng nghi vấn chỉ là một trong các chứng cứ để xem xét chứ không phải chứng cứ buộc tội. Cái khó của cơ quan điều tra là trong nhiều trường hợp, chứng cứ vật chất như lông, tóc, máu, vết cào cấu đã không còn. 

Bà Phan Thanh Minh - nguyên Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em Sở LĐ-TB&XH TP.HCM -  băn khoăn: “Cơ chế nào, trung tâm nào giám định được mức độ tổn hại về tinh thần của nạn nhân? Cái cốt yếu là làm sao để vụ việc đừng xảy ra, chứ không phải xảy ra rồi mới ào vô bảo vệ. Theo thống kê của chúng tôi, có 57 văn bản luật và dưới luật liên quan đến trẻ em, nhưng có bao nhiêu cán bộ làm công tác trẻ em ở phường, xã nắm được hết nội dung những văn bản này để áp dụng?”.

Theo bà, người lớn cần phải nhìn thẳng vào sự thật, đừng để điểm thi đua chi phối nữa. “Tôi thấy hằng năm, có đến hơn 90% phường, xã đạt chuẩn phù hợp, an toàn cho trẻ em, vậy mà số vụ XHTDTE được phát hiện lại ngày càng nhiều” - bà Thanh Minh nói.

Đồng quan điểm, ông Võ Phi Châu cho rằng, khi một vụ XHTDTE xảy ra, nạn nhân không chỉ chịu tổn hại về mặt thể chất mà còn chịu nhiều khủng hoảng khác, có em đã phải bỏ học, đi nơi khác sinh sống vì không chịu nổi áp lực dư luận. Do đó, song song với các quy trình về giám định, điều tra án để đưa kẻ thủ ác ra xét xử, cần đặc biệt quan tâm, giúp đỡ nạn nhân ổn định tinh thần.

Ông Phạm Đình Nghinh - Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội trẻ em TP.HCM - lưu ý, vai trò của truyền thông là rất quan trọng trong việc đưa các vụ XHTDTE ra ánh sáng, nhưng cần cân nhắc về cách đưa tin, cần tuyệt đối bảo mật thông tin nạn nhân. Lúc nạn nhân và gia đình đang hoang mang, việc có quá nhiều người đến tiếp xúc, hỏi đi hỏi lại chuyện đau lòng có thể khiến họ sợ hãi, không hợp tác với cơ quan điều tra nữa hoặc bỏ đi nơi khác để trốn tránh. 

Nhiều năm qua, các cấp Hội Phụ nữ đã có nhiều hoạt động phòng, chống XHTE thông qua việc thực hiện Cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, thực hiện Nghị quyết liên tịch 01 về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội từ trong gia đình. Bình quân mỗi năm, các cấp Hội tập huấn về phòng, chống XHTDTE cho khoảng 2.000 bà mẹ có con nhỏ, bảo mẫu, người nuôi giữ trẻ ở các nhóm trẻ gia đình.

Các cấp Hội đã mở khoảng 2.500 địa chỉ tin cậy cộng đồng làm nơi tiếp nhận thông tin về bạo hành, xâm hại tình dục và là nơi tạm lánh của các nạn nhân. Hiện ở TP.HCM có 2.030 tổ tư vấn cộng đồng do các chi hội phụ nữ ở khu phố đảm trách nhằm tư vấn, hỗ trợ người dân về các vấn đề liên quan pháp luật. Mỗi quý, Hội LHPN TP.HCM đã phát hành từ 25.000 quyển cẩm nang Thông tin Gia đình và Đời sống, trong đó có các chuyên trang phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội.

Tại trụ sở cơ quan Hội LHPN TP.HCM (số 32 Trần Quốc Thảo, Q.3), tổ tư vấn pháp lý miễn phí do Hội thành lập cũng hoạt động vào tất cả các ngày trong tuần, với lực lượng nòng cốt là đội ngũ luật sư thuộc Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM trực. 

Hạnh Chi

Thanh Cường

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI