Sẻ chia cùng phụ nữ Chăm trong tháng lễ Ramadan

26/05/2017 - 12:51

PNO - Ngày 22/5, Hội LHPN TP.HCM tổ chức họp mặt 200 cán bộ, hội viên phụ nữ (PN) dân tộc Chăm theo đạo Hồi nhân tháng chay Ramadan.

Se chia cung phu nu Cham  trong thang le Ramadan
Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - tặng quà cho các hội viên, PN người Chăm có hoàn cảnh khó khăn

Trên hành lang trụ sở Thành Hội PN, chị Salymah đang hướng dẫn các chị em vào hội trường. Làm Chi hội phó Chi hội PN khu phố 4, P.17, Q.Bình Thạnh trong nhiều năm, nên trông chị dạn dĩ hơn so với các chị em PN Chăm khác.  Chị tâm sự: “Chị em PN Chăm ở TP.HCM đã nhận được quá nhiều sự hỗ trợ của Hội. Nếu được, tôi mong muốn Hội có những hoạt động hỗ trợ cho PN Chăm ở vùng nông thôn các tỉnh”. Quê ở thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang, lập nghiệp ở Sài Gòn, chị nói, thỉnh thoảng về thăm quê, chị thấy cái khó của mình không là gì, và thấy mình may mắn hơn rất nhiều chị em khác khi ngay cả nước sạch, họ cũng không có để dùng.

Cũng như chị Salymah, cô Mây Sâm (SN 1958) tham dự buổi họp mặt với vẻ hồ hởi. Cô cho biết, cộng đồng người Chăm, đặc biệt là chị em PN đã nhận được rất nhiều hỗ trợ từ Hội LHPN. “Hội chăm lo chúng tôi nhiều lắm. Dịp tết, Trung thu, tháng chay Ramadan, Hội đều tặng quà; khi chúng tôi bệnh tật, Hội luôn cử người đến thăm hỏi”. Cùng chồng đến Sài Gòn định cư từ năm 1974 với nhiều khác biệt về lối sống, văn hóa, nhưng với ý chí quyết tâm, cô mày mò học nghề may, sửa quần áo để mưu sinh. Từ khi tham gia hoạt động Hội PN, cô Mây Sâm còn được hội viên bày cho kỹ thuật làm móng nên thu nhập ngày càng tốt hơn, giúp cô nuôi hai đứa con học hành.

Buổi họp mặt là dịp để chị em người dân tộc Chăm bày tỏ tâm tư, nguyện vọng với lãnh đạo Hội LHPN các cấp. Chị Hamyda (SN 1973, ngụ tại P.Cầu Kho, Q.1) cho biết, những đặc trưng về tôn giáo đã hạn chế phần nào việc PN Chăm hòa nhập với cộng đồng. Công việc của các chị thường chỉ là nội trợ, số ít còn lại buôn bán nhỏ lẻ hoặc gia công tại nhà. Đặc biệt, con em người Chăm trong độ tuổi mẫu giáo, tiểu học cũng gặp không ít khó khăn khi trường học không có khẩu phần ăn riêng cho các em (người Chăm theo đạo Hồi không ăn thịt heo). Cô Salykho (xã Phong Phú, huyện Bình Chánh) cũng nhân dịp này kiến nghị Hội giúp đỡ cho số chị em người Chăm đang buôn bán nhỏ lẻ ở lề đường, vì hiện nay, họ phải trả lại vỉa hè nhưng chưa tìm được hướng mưu sinh mới.

Chia sẻ về công tác chăm lo, hỗ trợ cho PN các dân tộc, bà Nguyễn Thị Ngọc Linh - Chủ tịch Hội LHPN Q.Bình Thạnh - cho biết, tại Q.Bình Thạnh, người Chăm chủ yếu sống tập trung tại khu phố 4, P.17 nên việc chăm lo, vận động khá thuận lợi. Đối với số PN Chăm sống rải rác, cán bộ Hội phải đến từng nhà để triển khai các hoạt động và chính sách của Hội. Công việc của các chị chủ yếu là buôn bán nhỏ lẻ nên Hội đã hỗ trợ bằng cách tặng phương tiện làm ăn,  hỗ trợ vốn, thậm chí cán bộ Hội còn đi tìm mặt bằng để giới thiệu cho các chị.

“Qua buổi họp mặt, chúng tôi đã lắng nghe được nhiều ý kiến hay, sát sườn mà đôi khi chúng tôi chưa kịp thời nắm bắt. Với chức năng chăm lo cho hạnh phúc của PN, chúng tôi mong muốn ngày càng gần hơn nữa với chị em, có thể lắng nghe những vấn đề từ phía các chị để nhanh chóng tìm cách tháo gỡ, hỗ trợ các chị thiết thực hơn nữa” - bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM chia sẻ. 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI