Sáu năm chung tay bình ổn thị trường

25/01/2018 - 15:39

PNO - Hơn 19g, chị Ngô Thị Hồng Thắm vẫn còn trực ở cửa hàng gia đình (số 332/104K Dương Quảng Hàm, P.5, Q. Gò Vấp, TP.HCM).

Mỗi ngày, chị mở cửa bán hàng từ 6g30, đến hơn 21g mới nghỉ, tuy mệt nhưng lúc nào chị cũng tươi cười, niềm nở. Chị chia sẻ: “Mình được tập huấn rồi. Cán bộ Hội bán hàng thì phải duyên dáng, văn minh”.

Sau nam chung tay binh on thi truong
Trong cửa hàng của chị Ngô Thị Hồng Thắm

Nhờ cửa hàng, vợ chồng gắn kết nhau hơn 

Sáu năm trước, khi Hội LHPN TP.HCM và Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) bắt đầu khởi động chương trình phối hợp mở các cửa hàng liên kết nhằm đưa hàng hóa có chất lượng, xuất xứ rõ ràng đến với người dân ở các quận ven và huyện ngoại thành, chị Thắm đã được Hội LHPN địa phương vận động đứng ra mở cửa hàng tạp hóa.

Chị kể: “Lúc đó, tôi đang là thợ may gia công tại nhà, ông xã là thợ điện, suốt ngày chạy theo các công trình xây dựng… Tôi có tham gia sinh hoạt Hội, là chi hội trưởng phụ nữ khu phố 12, P.5, Q. Gò Vấp, giao tiếp khá nhưng chưa biết gì về buôn bán, kinh doanh. Nghe mấy chị trên quận nói bùi tai, tôi theo học các khóa kỹ năng bán hàng, rồi vay 400 triệu đồng mở cửa hàng liên kết”. 

Mỗi lần phát biểu tại hội nghị sơ kết mô hình cửa hàng liên kết giữa Hội với Saigon Co.op, chị Thắm lại cười tươi, tự nhận mình là người “tay không bắt giặc”. Chị chia sẻ: “Điều tôi vui nhất là công việc mới đã làm các thành viên trong gia đình tôi gắn kết nhau hơn. Ông xã tôi thấy công việc ở cửa hàng ổn định nên đã nghỉ làm việc ở các công trình, ở nhà phụ bán hàng. Hơn nữa, nhờ có cửa hàng, cuộc sống ổn hơn; đến nay, chúng tôi đã trả gần hết số tiền vay”.

Chị Lê Thị Anh Đào - chủ cửa hàng số 28 đường Cá Lăng, xã Phú Hòa Đông, H. Củ Chi kể, khi định mở cửa hàng, chỉ có cán bộ Hội ủng hộ, còn người thân toàn can ngăn. Trước đó, chị Đào bán băng đĩa nhạc trước nhà, chồng chị làm nghề hàn cửa sắt. Nhà có cái sân rộng, vợ chồng mỗi người một góc làm ăn, trông cũng rất ổn. Khi mở cửa hàng tạp hóa, chị cũng vất vả, lo âu, vì khách đã quen mua hàng ở chợ chồm hổm, chưa quen với cửa hàng có cửa kiếng khang trang, phải gửi xe, tháo nón. Nhưng những cái khó ấy đã không làm chị Đào nản chí, chị bền bỉ với phương châm chung của mô hình cửa hàng liên kết: đảm bảo chất lượng hàng hóa, bình ổn giá cả, đảm bảo nguồn gốc, cung cách phục vụ văn minh, hiện đại. 

Sự kiên trì ấy đã mang lại kết quả khả quan: từ hơn 20m2 ban đầu, nay cửa hàng của chị Đào đã có diện tích hơn 100m2. Để hỗ trợ vợ, từ năm 2016, sau hai năm vận hành cửa hàng, anh Hà Quốc Việt - chồng chị Đào - cũng dẹp luôn tiệm cửa sắt, cùng vợ điều hành cửa hàng.

Tiếp tục tuyên truyền về “tiêu dùng thông minh”

Bên cạnh “sứ mệnh” bình ổn thị trường, đưa hàng hóa chất lượng, an toàn về vùng ven và khu vực ngoại thành, đến các khu lao động nghèo, chương trình liên kết giữa Hội LHPN TP.HCM và Saigon Co.op đã giúp nhiều hội viên, phụ nữ có được cơ nghiệp. Ngoài việc cùng nhau mở được 68 cửa hàng bình ổn giá, hai cơ quan này còn liên kết thực hiện cẩm nang “Thông tin gia đình và đời sống”, đưa xuống tận tổ hội nhằm phổ biến các thông tin về hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ chất lượng, an toàn; phối hợp thực hiện hàng trăm buổi báo cáo chuyên đề liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, hướng dẫn người nội trợ tiêu dùng thông minh. 

Thông qua mô hình cửa hàng liên kết, cũng như chị Đào, chị Thắm, 68 phụ nữ và thành viên trong gia đình họ đã có việc làm và cuộc sống ổn định, đồng thời còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Cho đến nay, hầu như ở khắp các huyện ngoại thành, kể cả ở xã đảo Thạnh An của huyện Cần Giờ, người dân cũng có thể mua được hàng hóa, thực phẩm bảo đảm chất lượng, có xuất xứ và hạn sử dụng rõ ràng. 

Tuy nhiên, để các cửa hàng liên kết phát huy vai trò, hiệu quả, việc thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân cũng là một khâu hết sức quan trọng. Chị Trần Thị Ngọc Hân - Chủ tịch Hội LHPN H. Cần Giờ - nhận định: “Người nội trợ vẫn thích mua rẻ mà không để ý đến hạn dùng hay xuất xứ. Do đó, họ vẫn chọn mua hàng trôi nổi ở tiệm tạp hóa, chợ chồm hổm và sức mua ở cửa hàng liên kết vẫn chưa cao”.

Theo kế hoạch phối hợp hoạt động giữa Hội LHPN TP.HCM và Saigon Co.op, trong năm 2018, bên cạnh việc tiếp tục triển khai mô hình cửa hàng liên kết, hai đơn vị sẽ tiếp tục truyền thông, tập huấn, hướng dẫn phụ nữ về tiêu dùng thông minh, an toàn vệ sinh thực phẩm. 

 HẠNH CHI

Năm 2018, sẽ có nhiều cửa hàng “Co.op Smile liên kết” 

Ngày 17/1, tại hội nghị sơ kết hoạt động phối hợp giữa Hội LHPN TP.HCM và Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) năm 2017, bà Trần Thị Phương Hoa - Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - đánh giá cao hiệu quả của chương trình mở các điểm bán hàng bình ổn thị trường tại các huyện ngoại thành và các quận ven, các khu dân cư, khu nhà trọ. 

Trong năm 2018, hai bên sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi, tổ Hội Phụ nữ với sinh hoạt khách hàng thành viên của Saigon Co.op, đồng thời tổ chức các chuyến tham quan, tìm hiểu nơi nuôi, trồng, sản xuất các loại thực phẩm tươi sống để khách hàng an tâm về nguồn thực phẩm của hệ thống Saigon Co.op. Trong năm 2018, hai bên tiếp tục phối hợp cải tiến mô hình cửa hàng liên kết, vận động xây dựng cửa hàng mới theo mô hình “Co.op Smile liên kết”...

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI