Nữ tổ trưởng làm ăn giỏi, dạy con hay

14/05/2018 - 08:41

PNO - Là một trong hai cá nhân đoạt Giải thưởng Nguyễn Thị Định năm 2017 của Hội LHPN TP.HCM, khi được đề nghị phỏng vấn, viết bài, chị Nguyễn Thị Lan từ chối ngay vì ngại.

Chỉ khi chúng tôi hỏi thêm chị về hai người con nhận học bổng toàn phần đang du học tại Mỹ, chị Lan mới nhận lời, vì chị muốn chia sẻ về chặng đường nhiều thử thách đã qua.

Tận tâm với gia đình

Khi chúng tôi đến nhà, chị Lan bảo chờ một chút. Chị đi mở cửa mấy căn nhà xưởng của mình để công nhân vào làm việc. Rồi chị tự tay chích thuốc trị tiểu đường cho người chồng đang phải nằm một chỗ vì bị xuất huyết não. “Bao nhiêu năm nay, mỗi đêm, tôi chỉ ngủ vài tiếng đồng hồ. Trước đây, sáng sớm, tôi đi tập thể dục. Từ khi ông xã đổ bệnh, tôi ở nhà chăm sóc ảnh” - chị Lan mở đầu câu chuyện.

Nu to truong lam an gioi, day con hay
Chị Nguyễn Thị Lan trong niềm vui nhận Giải thưởng Nguyễn Thị Định lần thứ V - năm 2017

Trước, chị là giáo viên, sống ở Hà Nội. Năm 27 tuổi, khi chồng chuyển vào Sài Gòn làm việc và đổ bệnh, chị Lan ôm con gái đầu lòng mới đầy năm vào chăm anh. Rồi Lan Chi, con gái chị, cũng mắc bệnh nặng, bệnh viện trả về. Chị phải bỏ nghề để chăm chồng, chăm con. Chồng chị Lan bị mất sức lao động do mắc bệnh gai cột sống. Con gái thường xuyên uống kháng sinh liều cao nên bị hư đường ruột. 

Ba năm ròng, một mình chị bươn chải. Nhà cửa không, việc làm cũng không. Thấy vài cơ sở làm dù, bạt trên phố, xui khiến thế nào, chị dừng chân, xem thử. Rồi chị chứng kiến nhiều người nhập cư buôn bán bằng xe đẩy đã phải đắn đo khi biết giá cây dù quá cao, không mua nổi. Chị liền nảy ra sáng kiến may dù bằng vải dư, vẫn đảm bảo chất lượng mà giá lại mềm. Hơn 20 năm qua, chị gắn bó với công việc này. 

“Hai con là mục đích sống của đời tôi. Cuộc sống càng vất vả bao nhiêu, tôi càng đặt niềm tin vào các con bấy nhiêu” - chị Lan trầm ngâm. Niềm tin ấy giúp chị một tay nuôi dạy hai con, một tay giữ thăng bằng cho gia đình. Nhiều lần, chồng chị nói với Lan Chi “không biết mẹ con ăn vào giờ nào, ngủ khi nào”, vì trong mắt anh và các con, chị Lan lúc nào cũng bận rộn, xoay như chong chóng: chăm sóc gia đình, tự tay nấu cơm cho thợ, kèm con học hành. 

Năm 2004, Lan Chi nhận được học bổng toàn phần du học tại Singapore. Học được vài ngày, cô gọi điện thoại về khóc nức nở, do sở trường là ngoại ngữ nhưng phải học chương trình về khoa học tự nhiên. “Mẹ đã ném con xuống biển rồi, việc của con là bơi. Mẹ không thể cứu con được. Nếu con vẫn than vãn thì đừng gọi điện cho mẹ. Mẹ không có đứa con hèn nhát như vậy”. 

Trả lời con xong, chị cúp máy. Suốt thời gian dài, chị không gọi điện thoại cho Lan Chi. Kết quả là, trong bốn học sinh nhận được học bổng tại Singapore đợt ấy, chỉ có Lan Chi tốt nghiệp loại xuất sắc, nhận tiếp học bổng toàn phần tại Mỹ và tốt nghiệp với thứ hạng cao nhì lớp. Chi ra trường, tìm được việc làm, điều đầu tiên là cô năn nỉ mẹ nghỉ làm việc. Chị Lan giao hẹn: “Nếu con đạt học bổng học thạc sĩ ở Đại học Harvard, mẹ sẽ nghỉ làm”. Vậy là cô con gái hiếu thảo hiện đang học thạc sĩ năm thứ nhất tại Đại học Harvard.

Nu to truong lam an gioi, day con hay
Gia đình chị Nguyễn Thị Lan

Hồng Đức - cậu con trai út, hiện đang là sinh viên năm thứ hai ngành kinh tế tài chính tại New York (Mỹ) - có lẽ vẫn chưa ai quên những ngày được mẹ chở đến Trường phổ thông Năng khiếu TP.HCM từ 5g sáng; chiều, mẹ lại chở đi học thêm ở Q.3 và 23g, mẹ chở về nhà ở Q.6. “Tôi không thuê xe đưa đón con vì muốn tận dụng tối đa thời gian để làm bạn với con. Làm mẹ, phải luôn dõi theo từng bước chân con”. Chị mở Facebook, không giấu vẻ tự hào khi giới thiệu về cậu con trai 20 tuổi đã đặt chân đến 13 nước trên thế giới.

Vẹn tình với xã hội

Chị Lan hiện là Tổ trưởng Tổ Phụ nữ 79, kiêm thành viên Ban điều hành Mặt trận Tổ quốc khu phố 4, P.9, Q.6. Năm 2017, chị nhận Giải thưởng Nguyễn Thị Định nhờ vào hoạt động giúp đỡ, cảm hóa đối tượng hoàn lương. “Tôi ước mơ sẽ xây dựng một trường Anh ngữ tại Q.6, là ngôi trường không thu học phí, để giúp những người có hoàn cảnh khó khăn, hiếu học” - chị Lan chia sẻ.

Cơ sở sản xuất dù bạt của chị là nơi tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người lầm lỡ với mức lương 5 triệu đồng/người/tháng. Duy trì cơ sở để nuôi thợ là tâm niệm của chị Lan, vì chị coi họ như người thân trong gia đình. Chị chỉ bảo họ cách cư xử trong cuộc sống, gỡ rối chuyện tình cảm, hôn nhân, gia đình; chị thành lập đội bóng, đội văn nghệ để họ giải trí sau giờ làm việc vất vả. Bù lại, họ làm việc cho chị như cho bản thân, không cần chị phải nhắc nhở, kiểm soát.

Hiện chị đang tất bật chuẩn bị cho lễ khai trương tiệm rửa xe vào ngày 19/5 tới, làm nơi giải quyết việc làm cho người nghiện hồi gia. Tại địa phương, bên cạnh việc giúp đỡ, cảm hóa đối tượng lầm lỡ, chị Lan còn là Mạnh Thường Quân trong nhiều hoạt động: nhựa hóa mặt hẻm, chăm lo cho người  nghèo. “Tôi làm việc thiện đơn giản vì thấy cần làm. Giúp được người thì tâm mình thanh thản” - chị nở nụ cười hiền hậu. 

Hải Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI