Người cán bộ Hội tự học không ngừng

08/01/2018 - 10:27

PNO - Hai mươi năm làm công tác Hội, chị Trần Thị Cúc - Phó chủ tịch Hội LHPN xã Tam Thôn Hiệp, H. Cần Giờ, TP.HCM - đã không ngừng vượt khó, học hỏi để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được hội viên tin yêu.

Hai mươi năm làm công tác Hội, chị Trần Thị Cúc - Phó chủ tịch Hội LHPN xã Tam Thôn Hiệp, H. Cần Giờ, TP.HCM - đã không ngừng vượt khó, học hỏi để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được hội viên tin yêu. Cuối năm 2017 vừa qua, chị là một trong hai cá nhân vinh dự được Hội LHPN TP.HCM trao Giải thưởng Nguyễn Thị Định. 

Nguoi can bo Hoi tu hoc khong ngung
Chị Trần Thị Cúc (bìa phải) trong một lần tuyên truyền pháp luật cho chị em

Địa chỉ tin cậy của chị em

Gần nửa đêm, cùng với tiếng trẻ khóc ngằn ngặt trước nhà là tiếng gọi cửa của người mẹ. Chị Cúc vội bật đèn mở cửa. Trước mắt chị Cúc là người mẹ trẻ bồng đứa con nhỏ đứng dưới mưa, quần áo lấm lem bùn đất, chân tay run rẩy, ánh mắt như chờ đợi, khẩn cầu. Gặp người quen, chị Cúc kéo hai mẹ con vào nhà, lấy quần áo khô thay cho.

Đây đã là lần thứ ba, chị B.T.Đ. - ngụ tại tổ 39, ấp Trần Hưng Đạo, xã Tam Thôn Hiệp - bồng con đến cầu cứu sau mỗi bận chồng say xỉn, kiếm cớ đánh vợ, chửi con. Tô mì gói nóng nghi ngút và hộp sữa được bưng lên bàn cho hai mẹ con ấm lòng tá túc chờ sáng.

Lúc này, chị Cúc mới nhớ mình cũng chưa kịp ăn gì, vì hồi chiều, chị đội mưa đi kiểm tra vốn vay giải quyết việc làm, rồi tranh thủ ghé thêm mấy nhà vận động chị em học phổ cập trung học cơ sở. 

Sau khi hỏi cặn kẽ mọi nguyên cớ, sáng hôm sau, chị Cúc dẫn mẹ con Đ. về nhà gặp anh chồng trẻ. Sau hai lần tâm tình, khuyên nhủ không xong, lần này, chị Cúc “làm dữ”. Chị phân tích thiệt hơn và đề nghị trước mặt anh chồng: nếu tái diễn việc mượn rượu đánh vợ, chị Đ. nên ly hôn.

Sau lần đó, chồng chị Đ. dần sửa đổi, chị Đ. cũng biết kiềm chế hơn. Gần hai năm rồi, gia đình chị Đ không còn tiếng cãi vã, chồng chí thú làm ăn. “Nói thì dễ vậy chứ khi va chạm vào thực tế từng gia đình, gian nan vô cùng. Đến giờ, mình vẫn phải theo sát, ít hôm lại tạt vào hỏi han đó” - chị Cúc kể.

Theo thống kê, Tam Thôn Hiệp có rừng phòng hộ chiếm hơn 2/3 diện tích của xã, đất canh tác hạn hẹp nên đời sống của trên 6.000 người dân khá vất vả. Đa số hội viên, phụ nữ có trình độ học vấn thấp, nghề nghiệp không ổn định, chủ yếu đi làm thuê, mò cua bắt ốc, chăn nuôi nhỏ lẻ kiếm sống.

Năm 2012, Tam Thôn Hiệp được Hội LHPN H. Cần Giờ chọn làm điểm thực hiện mô hình tổ tư vấn cộng đồng, chị Cúc được bầu làm tổ trưởng. Từ đó đến nay, chị đã tham gia hàng trăm cuộc tư vấn, hòa giải về hôn nhân gia đình, bạo lực gia đình, mâu thuẫn chòm xóm… Chị nhận ra, vấn đề kinh tế ảnh hưởng lớn đến hạnh phúc gia đình, và công việc thiết thực nhất của Hội phụ nữ là hỗ trợ việc làm cho chị em, hỗ trợ việc học hành cho con trẻ.

Chị đến gặp chị em, vận động thành lập “tổ tương trợ”. Đến nay, tổ đã có 45 thành viên, giúp nhau số vốn nhỏ hằng tuần để buôn bán, trang trải những lúc ngặt nghèo. Chị còn vận động học bổng cho học sinh, quyên góp tiền và tự tay nấu bữa ngon cho các cụ già neo đơn, bệnh tật.

Biết hội viên Th. ở ấp An Lộc vướng vào nạn cờ bạc, đề đóm, chị Cúc tiếp cận, tìm hiểu nguyện vọng rồi đề xuất giải quyết vay vốn ngay cho chị Th., đồng thời đi tìm nguồn hỗ trợ để tặng chị Th. chiếc xe hủ tíu bán điểm tâm. Những lúc rảnh rỗi, chị Cúc lại đến nhà chị Th. dạy chữ, dạy làm toán. Lâu lâu, chị Cúc lại nhắc khéo về án phạt tù nếu bị bắt vì tội đánh bạc. Giờ đây, chị Th. đã chí thú làm ăn, lánh xa cờ bạc, trở thành một trong những hội viên năng nổ với phong trào phụ nữ tại địa phương.

Tự học không ngừng

Ly hôn đã lâu, chị Cúc đơn thân nuôi hai con ăn học. Để làm tốt công tác Hội và làm gương cho con, ở tuổi 50, chị đã ghi danh học đại học.

Nhớ về những ngày đầu đi học ngành xã hội học của Trường đại học Mở TP.HCM, đến giờ, chị Cúc cũng không ngờ mình đủ sức khỏe, đủ tự tin để vượt qua những khó khăn của thời điểm đó: vừa hoàn thành công việc ở cơ quan, vừa phải chạy xe máy gần 50 cây số đến giảng đường mỗi ngày.

“Mẹ đầu con cuối” - chị Cúc kể vui. Thấy tôi tỏ vẻ không hiểu, chị cười lớn: “Lúc đó, con trai lớn học đại học năm cuối, chị mới bắt đầu vô đại học; đứa con gái nhỏ lúc đó cũng đang học cấp III. Cả ba mẹ con đều đi học”. Tôi hỏi chị xoay xở ra sao với khoản học phí, rồi bao chi phí khác cho ba mẹ con, chị cười vang: “Thiếu thì mượn đại, từ từ tính sau, cũng xong hết”.

Trước khi vào đại học, chị cũng đã có nhiều năm học bổ túc văn hóa, trung cấp chính trị. Khi làm công tác tuyên truyền pháp luật, chị tiếp tục mày mò nghiên cứu cách viết kịch bản để lồng ghép các quy định pháp luật vào tiểu phẩm, nhằm làm cho buổi tuyên truyền sinh động, dễ nắm, dễ nhớ hơn. Đến giờ, chị em trong xã rất thích nghe tuyên truyền pháp luật, vì… “khoái coi chị Cúc diễn kịch”.

Vào ngày 20/10/2017 vừa qua, chị Cúc là một trong hai cá nhân được trao Giải thưởng Nguyễn Thị Định của Hội LHPN TP.HCM do có nhiều thành tích trong hoạt động đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng mô hình “Tổ tư vấn cộng đồng” của hệ thống Hội tại TP.HCM.

Quang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI