Miệt mài hỗ trợ việc làm cho phụ nữ

25/04/2017 - 10:19

PNO - Nhiều năm qua, Hội LHPN huyện Cần Giờ, TP.HCM tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, đào tạo cho hội viên (HV), phụ nữ (PN) các kỹ năng căn bản về nghề may, kỹ thuật làm bánh, kinh doanh…

Miet mai ho tro viec lam cho phu nu
Nhóm PN may giày tại xã Tam Thôn Hiệp

KHÁT KHAO NGHỀ NGHIỆP MỚI

Chiều mưa, chúng tôi theo chân chị Trần Thị Cúc, Phó chủ tịch Hội LHPN xã Tam Thôn Hiệp, H.Cần Giờ đi một vòng tham quan những mô hình giải quyết việc làm cho HV, PN của xã. Ngay khi chúng tôi ghé vào nhà chị Trần Thị Cẩm Nhung ở tổ 27, ấp An Phước cũng là lúc sáu-bảy chị em đến giao quai dép. Anh Đồng - chồng chị Nhung - kiểm hàng, còn chị và cô em gái vẫn thoăn thoắt xỏ chữ vào quai dép, mỗi thành phẩm được trả công 2.000đ.

Chị Nguyễn Thị Ánh Hồng kể: “Nhờ có công việc này, hơn một năm nay, mấy mẹ con tôi có thêm mỗi ngày tám chục ngàn đồng, trang trải được nhiều thứ”. Chị Hồng sinh năm 1973, có ba người con, trong đó hai cháu bị chậm phát triển, học ở trường chuyên biệt An Thới Đông. Vì hoàn cảnh, chị không đi rừng mò cua, bắt ốc, đào chem chép được như các chị em trong xóm. Chị mong mỏi có một nghề gì đó ổn định hơn để cải thiện cuộc sống, vì 80.000đ/ngày cho bốn mẹ con là hơi chật vật. 

Miet mai ho tro viec lam cho phu nu
Chị Phạm Thị Ngọc Hiệp đang thu mua cua. Cơ sở thu mua của gia đình chị đã giúp hơn 20 PN ở xã Tam Thôn Hiệp có việc làm

Chị Nguyễn Thị Phượng ngụ cùng ấp An Phước, góp chuyện: “Mỗi ngày, tôi và mấy chị em hàng xóm cùng ngồi dán đế giày, mỗi người được từ sáu chục tới một trăm ngàn đồng. Thật sự, ai cũng mong có việc làm, thu nhập cao hơn, ổn định hơn, nhưng trình độ không có, vô lớp nghề thì ngại quá”.

Giấc mơ của chị Hồng, chị Phượng không xa lạ với nhiều PN ở H.Cần Giờ hiện nay, bởi đô thị hóa khiến đất đai ít dần, cư dân phải chuyển từ nghề nông sang nghề khác mới mong có thu nhập.

Tại xã Tam Thôn Hiệp, hiện đường giao thông liên xã đã hoàn thiện, những chuyến xe buýt đều đặn mỗi ngày từ trung tâm TP.HCM về xã Tam Thôn Hiệp mở đường cho PN được đến các nhà máy, xí nghiệp làm công nhân giày da, các công ty xuất khẩu thủy hải sản… Nhưng phần lớn PN xã này vẫn quẩn quanh với vuông cua, rừng đước. Họ khát khao được đào tạo nghề để dễ bề mưu sinh.

KIÊN TRÌ MANG NGHỀ NGHIỆP, VIỆC LÀM ĐẾN VỚI CHỊ EM

Việc chuyển đổi ngành nghề, đào tạo nghề cho lao động nữ ở xã Tam Thôn Hiệp nói riêng và H.Cần Giờ nói chung luôn là bài toán khó đối với Hội PN, vì HV không chịu đến với các lớp học nghề.

Bà Trần Thị Ngọc Hân - Chủ tịch Hội LHPN H.Cần Giờ  chia sẻ: “Việc vận động chị em học nghề vô cùng gian nan. Cán bộ Hội phải tới từng nhà năn nỉ, thậm chí có chị đăng ký nộp hồ sơ rồi nhưng tới ngày khai giảng lại không chịu ra lớp, có chị học được một ngày thì bỏ. Nhìn chung, nhiều chị em vẫn chưa quen tác phong công nghiệp”.

Chị Đỗ Ngọc Hường - Trưởng ban nhân dân ấp Đồng Tranh, xã Long Hòa, H.Cần Giờ nhận định: “Không phải các chị lười lao động, mà do đã quen với việc đi rừng, mò cua, bắt ốc, buổi làm, buổi nghỉ, mưa gió thì ở nhà. Chị em không thích ngồi may cả ngày, gò bó, thiếu tự do”. 

Tuy khó, nhưng cán bộ Hội PN các cấp của H.Cần Giờ vẫn kiên trì đến từng nhà vận động, kiểu “mưa dầm thấm lâu”, rà soát kỹ đối tượng để bảo đảm sĩ số các lớp. Bên cạnh việc mở lớp nghề, nhiều cán bộ Hội đã chủ động đi tìm nguồn hàng để chị em gia công kết cườm, đan mây tre lá… Hội PN đã thành lập tổ đan lưới ở thị trấn Cần Thạnh, tổ PN làm muối trải bạt ở xã Thạnh An, nhóm chăn nuôi heo ở xã Long Hòa… giúp nhiều PN tăng thu nhập. 

Trong năm 2016, Hội PN các cấp ở H.Cần Giờ đã phối hợp tổ chức tư vấn nghề cho 1.247 PN, giải quyết việc làm cho 3.314 chị, phối hợp với Công ty may 30/4 (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) thành lập cơ sở may gia công tại thị trấn Cần Thạnh, tạo việc làm cho 100 HV, phối hợp với phòng Kinh tế, Trung tâm Dạy nghề huyện tổ chức năm lớp học nghề, cho 328 chị hội viên về kỹ thuật trồng rau mầm, kỹ năng bán hàng, nuôi nghêu, trang điểm, may gia công, may công nghiệp, muối trải bạt tại các xã, thị trấn và đã có 175 chị trong số này có việc làm.

Bà Ngọc Hân cho biết thêm: “Bên cạnh việc lập tổ, nhóm, câu lạc bộ ngành nghề để các chị trợ sức nhau, Hội còn vận động mỗi HV, PN chuẩn bị về kiến thức, nghề nghiệp để dễ dàng hội nhập khi điều kiện sống ở nông thôn ngày một thay đổi. Hiện chúng tôi đang có kế hoạch dài hơi hơn cho những chương trình đào tạo nghề, không mở các lớp nghề sơ cấp mà còn có những lớp nâng cao”.

NGHI ANH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI