Mang nghĩa tình đến huyện biên giới Bù Gia Mập

19/04/2017 - 08:49

PNO - Đây không chỉ là vật chất mà còn thể hiện tình cảm “thắm tình quân dân - đậm nghĩa đồng bào”, sự quan tâm, chăm lo của Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể TP.HCM và các nhà hảo tâm đối với người dân huyện biên giới.

Ngày 14/4, Hội LHPN TP.HCM, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng TP.HCM, Hội Chữ thập đỏ, Tổng công ty Điện lực TP.HCM đã tổ chức chương trình “Nghĩa tình biên giới” tại xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, nơi có đường biên giới Việt Nam - Campuchia. 

Mang nghia tinh den huyen bien gioi Bu Gia Map
Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - thăm hỏi chị Điểu Thị KGrao ở thôn 6, xã Đắk Ơ, thuộc diện nghèo đặc biệt

9 giờ sáng 14/4, hàng trăm người dân đã tụ về Trạm y tế xã Đắk Ơ, nơi có nhiều y bác sĩ đến từ Hội Chữ thập đỏ TP.HCM đang sẵn sàng khám chữa bệnh.

Ngồi một mình ở bậc cầu thang với dáng người tiều tụy, khắc khổ trong chiếc áo lam, bà Phan Thị Mai - 84 tuổi, thuộc diện hộ nghèo, ngụ ở thôn 9, xã Đắk Ơ - thều thào: “Ông vừa mất năm ngoái, con cháu lại không có, tôi giờ ở một mình, đau ốm liên miên. Nghe có đoàn bác sĩ giỏi từ Sài Gòn tới, tôi tranh thủ đi từ sáng sớm để khám bệnh, nhận quà”. 

Trước sân trạm y tế, nơi diễn ra các hoạt động chính của chương trình, không khí chộn rộn hơn khi có hàng trăm học sinh, phụ nữ chờ nhận quà, học bổng, phương tiện mưu sinh.

Đưa bàn tay thô ráp, đen sạm rà một lượt quanh chiếc máy may hiệu Juki, bên cạnh là một dãy các máy ép nước mía, chị Thị Nao - sinh năm 1975, ngụ tại thôn Bù Dốt, xã Bù Gia Mập - rưng rưng kể, nhà chị có sáu anh chị em, đất đai lại ít nên khi chị lấy chồng, nhà không còn đất để chia.

Sau ngày cưới, hai vợ chồng chị cất chòi gần đường lớn để ở, ai kêu gì làm nấy: hái điều, tiêu, dọn vườn cao su với thu nhập không đáng là bao. Thấy cuộc sống bấp bênh, cơ cực, chị lên xã học nghề may, nhưng ngặt nỗi không có tiền để mua máy may.

“Thấy mình khó khăn, xã đăng ký xin cho mình chiếc máy may. Giờ nhìn thấy chiếc máy may từng mơ ước, mình biết ơn chương trình lắm ” - chị Thị Nao xúc động nói. 

Trong chương trình, có 50 học sinh được Hội LHPN TP.HCM tặng học bổng Nguyễn Thị Minh Khai. Cô Nguyễn Thị Minh - Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Trương Định - cho biết, xã Đắk Ơ hiện có ba trường tiểu học, trong đó phần lớn học sinh là con em đồng bào dân tộc S’tiêng, cha mẹ nghèo, làm mướn làm thuê, mưu sinh rất khó khăn.

Mang nghia tinh den huyen bien gioi Bu Gia Map
Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích cùng đại tá Trần Xuân Lịch - Chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng TP.HCM trao phương tiện sinh kế là máy ép nước mía siêu sạch cho phụ nữ nghèo

Riêng Trường tiểu học Trương Định có 414 em thì có đến 60% là con em người S’tiêng. Quàng tay qua một nữ sinh lớp 4 có dáng người gầy gò, cô Minh giới thiệu đó là em Điểu Thị Ngân, nhà thuộc diện hộ nghèo ở thôn Bù Khơn, có tám anh chị em, Ngân là con thứ sáu. 

Cách đây ba năm, trong một lần đi cạo mủ cao su thuê, lúc trở về, cha của Ngân không may bị tai nạn giao thông qua đời, khiến gia đình càng thêm túng quẫn. Nhà trường phải vận động nhiều lần để Ngân không bỏ học. 

Theo ông Phùng Hiệp Quốc - Phó bí thư thường trực Huyện ủy Bù Gia Mập, huyện hiện có tám xã, dân số 75.000 người, trong đó người dân tộc S’tiêng chiếm 36%, hộ nghèo chiếm 20%. Đắk Ơ là xã biên giới, đời sống người dân ở đây vẫn còn nhiều khó khăn.  

Trong chương trình “Nghĩa tình biên giới” này, Hội LHPN TP.HCM và Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng TP.HCM đã trao tặng ba mái ấm tình thương và 12 phương tiện sinh kế (máy ép nước mía, máy may) cho các gia đình chính sách, hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn và các hộ dân nghèo của  hai xã biên giới Đắk Ơ và Bù Gia Mập.

Riêng Hội LHPN TP.HCM còn trao tặng học bổng Nguyễn Thị Minh Khai cho 50 em học sinh nghèo vượt khó, học giỏi (trị giá 1 triệu đồng/suất); các y bác sĩ đến từ Hội Chữ thập đỏ TP.HCM cũng tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí và tặng 500 suất quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn; Tổng công ty điện lực TP.HCM cũng tiến hành sửa chữa, thay thế đường dây điện miễn phí và tặng 50 phần quà cho các hộ nghèo tại hai xã này.

Cùng ngày, đoàn đã đến tận nhà khám bệnh, tặng quà cho bốn hộ gia đình chính sách, bốn già làng người S’tiêng, hai đồn biên phòng đóng tại huyện Bù Gia Mập. Tổng kinh phí thực hiện chương trình này là trên 600 triệu đồng. 

Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - cho biết, “Nghĩa tình biên giới” là chương trình nhằm chào mừng kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2017), là dịp để tưởng nhớ và tri ân các thế hệ đồng bào và chiến sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, là dịp huy động các nguồn lực để chia sẻ với người dân có hoàn cảnh khó khăn ở các vùng biên giới.  

Đây không chỉ là quà, là tiền, là vật chất mà còn thể hiện tình cảm “thắm tình quân dân - đậm nghĩa đồng bào”, khẳng định sự quan tâm, chăm lo của Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể TP.HCM và các nhà hảo tâm đối với người dân tại huyện biên giới của tỉnh Bình Phước. 

Hoài An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI