Kiên trì vận động 'dừng ở hai con'

05/07/2017 - 16:30

PNO - Vận động cán bộ, hội viên sinh đủ hai con và không sinh con thứ ba; tuyên truyền về bình đẳng giới nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh là những hoạt động thường xuyên của các cấp Hội Phụ nữ tại TP.HCM

Kien tri van dong 'dung o  hai con'
Gia đình nhỏ của vợ chồng Dương Thị Thanh Nga - Nguyễn Hữu Quý (Q.Gò Vấp) luôn hạnh phúc và tràn ngập tiếng cười với hai cô công chúa nhỏ - Ảnh chụp tại Hội thi nấu ăn “Bữa ăn gia đình trẻ” do Hội LHPN TP.HCM tổ chức nhân dịp 28/6 vừa qua

Không có con trai, chồng vẫn vui vẻ triệt sản

Trưa 4/7, chúng tôi đến thăm vợ chồng chị Lê Hồng Linh và anh Cao Văn Khê ở P.14, Q.Gò Vấp. Phòng khách nhỏ, nhưng các vật dụng được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Anh Khê là tài xế, còn chị Linh làm thợ may; công việc mưu sinh khiến đôi vợ chồng tất bật, nhưng nhờ có hai cô con gái đỡ đần nên cơm nước, nhà cửa đều tươm tất. Ít ai biết rằng, khi kết hôn, anh chị cũng mang nặng áp lực “phải có cháu đích tôn để nối dõi tông đường”. Kết hôn vào năm 2004, thương chồng và vì áp lực từ nhà chồng, chị Linh cũng tính đủ cách để sinh cho được con trai, nhưng lần lượt hai lần sinh, đều ra con gái. 

“Hai vợ chồng từ quê đến TP.HCM, hai con mới hai và ba tuổi, tiền công lại thấp, nếu sinh tiếp thì không làm sao lo xuể. Cũng may, thời điểm đó, chúng tôi ở trọ ngay nhà cô Văn Thị Lành, là tổ trưởng PN tổ 9, KP.1, P.Trung Mỹ Tây, Q.12. Cô hiểu rõ hoàn cảnh khó khăn của hai đứa chúng tôi, nên đã nhiều lần động viên, khuyên can. "Cô Lành hay lắm, ba má tôi phong kiến vô cùng, vậy mà không biết bả thủ thỉ thế nào, chỉ mấy tháng sau, má tôi khuyên “thôi bây đừng đẻ nữa”.

Nghe lời mẹ và cô tổ trưởng PN, anh Khê đi triệt sản, đến nay đã được 12 năm. Do nhu cầu công việc, anh chị chuyển nhà về Q.Gò Vấp sinh sống, hai con gái của anh chị vừa học giỏi, vừa chăm ngoan. “Giờ có đổi hai đứa này lấy 10 thằng con trai, tôi cũng không màng” - anh Khê cười mãn nguyện. 

Tuyên truyền bằng “kênh” rỉ tai

Hơn 30 năm lặn lội dọc bờ kênh Lòng Tàu để vận động hội viên PN sinh đẻ có kế hoạch, xây dựng gia đình hạnh phúc, bà Hoàng Thị Xuyến - nguyên Chủ tịch Hội LHPN xã Tam Thôn Hiệp, H.Cần Giờ - đúc kết: “Kinh nghiệm để thành công trong vận động kế hoạch hóa gia đình của các cán bộ Hội xã chính là nêu gương. Hồi tôi còn công tác, nhiều chị tổ trưởng PN rất ngại ngùng khi phải đi vận động sinh đẻ có kế hoạch mà bản thân mình đã sinh ba, sinh tư. Tôi hỏi các chị em “cuộc sống của chị khi sinh ba sinh tư vầy có khó khăn, khổ sở gì không? Những lúc các con cùng mắc bệnh, các chị khổ sở ra sao”. Đó chính là bài học sống động để chị em soi vào mà tự tránh”.

Cũng nhiều năm làm công tác vận động kế hoạch hóa gia đình, thực hiện chính sách dân số, bà Đỗ Thị Hiền - Chi hội trưởng Chi hội PN khu phố 2, P.Hòa Thạnh, Q.Tân Phú  - nhận định: “Bây giờ, Hội mình có nhiều kênh truyền thông hơn trước, nhưng theo tôi, hiệu quả hơn cả vẫn chính là cách tuyên truyền trực tiếp đến những nhóm có nguy cơ sinh con thứ ba cao. Vì vậy, tôi tâm đắc với cuộc vận động Xây dựng gia đình “5 không 3 sạch”, trong đó có tiêu chí không sinh con thứ ba”. 

Theo bà Đoàn Thị Thanh Thủy, Trưởng ban Gia đình - Xã hội, Hội LHPN TP.HCM, thời gian qua, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Hội LHPN các cấp đã tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, tuyên truyền về bình đẳng giới, chính sách dân số, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, nuôi con khỏe, dạy con ngoan. Riêng trong năm 2017, thực hiện dự án  “Hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững” năm 2017 thuộc đề án “Phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững đến năm 2020”, Hội LHPN TP.HCM lần lượt tổ chức bốn buổi tập huấn “Kiến thức, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình” cho 1.000 người, trong đó nhắm đến đối tượng PN đang mang thai, nam nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn và trong độ tuổi kết hôn. 

Nội dung tập huấn xoay quanh kiến thức và kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình; kiến thức và kỹ năng chăm sóc sức khỏe sinh sản và kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, vận động gia đình sinh đủ hai con, không phân biệt con trai - con gái, không lựa chọn giới tính thai nhi; kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, xung đột gia đình. Đây cũng là những nội dung nằm trong chỉ tiêu “5.000 đôi nam nữ được tham gia học lớp tiền hôn nhân (1.000 đôi/năm)” đã được nêu trong nghị quyết Đại hội đại biểu PN TP.HCM nhiệm kỳ 2016-2021. 

Nghi Anh - Hoài An

Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp thứ 5 HĐND TP.HCM khóa IX sáng 4/7, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã hết sức quan tâm đến nội dung tờ trình về chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình của UBND thành phố giai đoạn 2016-2020.

Theo báo cáo, tổng tỷ suất sinh của thành phố hiện là 1,45 con, khá thấp so với mức sinh thay thế 2,1 con. Căn cứ các số liệu báo cáo chuyên ngành, mức sinh của thành phố sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới, tác động xấu đến cơ cấu dân số của thành phố, làm tăng tốc độ già hóa dân số.

Về vấn đề này, Bí thư Nhân cảnh báo TP.HCM đang có mức sinh gần với Hàn Quốc, Nhật Bản - là những quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động trầm trọng.

“Chúng ta may mắn là một số rất ít các nước trên thế giới mà trong 10 năm liền, bình quân mỗi phụ nữ sinh 2 con. Sau đó chỉ tiêu đã giảm dần, có giai đoạn chúng ta đặt mục tiêu cả nước bình quân là 1,8 trẻ/phụ nữ. Khi đi ra quốc tế mới giật mình… Một phụ nữ mà sinh dưới 2 con, thì chỉ trong khoảng 30 năm, một quốc gia sẽ bị khủng hoảng lớn về lao động. Cho nên, thế giới người ta xem việc duy trì tỷ suất sinh thay thế bình quân 2 con/phụ nữ là điều vô cùng cần thiết cho một đất nước phát triển bền vững”, ông Nhân nói.

TP.HCM là thành phố đẻ ít nhất cả nước, lâu dài sẽ gây thiệt hại cho cả quốc gia, chứ không phải chuyện riêng của thành phố. Vì vậy, Bí thư Nhân tha thiết đề nghị HĐND thành phố quan tâm, lưu ý mục tiêu kéo tỷ suất sinh thay thế lên dần trở lại mức 2 con/phụ nữ. “Đẻ vì mình, vì thành phố, vì đất nước, chứ không phải chỉ là quyền tự do của cá nhân. Bởi tự do mà đẻ ít quá thì đất nước thiệt hại. Do đó, phải nhận thức lại đẻ 2 con/phụ nữ. Vì thế, chúng tôi thấy trong mục tiêu nên làm rõ tỷ suất này. Có thể trong 5 chưa thực hiện ngay được nhưng phải đặt mục tiêu ngay từ bây giờ”, ông Nhân đề nghị.

Ông Nhân cũng nhấn mạnh đến vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh. Ở điểm này TP.HCM làm rất tốt khi duy trì 106 trẻ trai/100 trẻ gái gần bằng mức tự nhiên và rất thấp so với cả nước (112/100). 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI