Hội thi 'Phụ nữ và pháp luật': Đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống

18/07/2018 - 08:00

PNO - Đa dạng hóa các loại hình tập hợp phụ nữ, các hình thức tuyên truyền - đó chính là yêu cầu cấp thiết để đổi mới hoạt động Hội.

Gần 400 tuyên truyền viên, hội viên phụ nữ tại H.Bình Chánh, TP.HCM đã hào hứng tham gia hội thi “Phụ nữ và pháp luật” lần thứ 10 được tổ chức sáng 14/7. Những trải nghiệm và kiến thức bổ ích từ hội thi sẽ được các tuyên truyền viên tiếp tục đưa vào thực tiễn đời sống ở các khu dân cư, xóm ấp. 

Hoi thi 'Phu nu va phap luat': Dua chinh sach phap luat vao cuoc song
Trao thưởng cho các đội thi.

Nội dung thi sát với thực tiễn

“Tại khu vực chị đang sinh sống và được phân công phụ trách có nhiều hộ gia đình vứt rác ra những khu vực đất bỏ trống, người dân đi ngang qua thấy vậy lại tiếp tục vứt rác, tạo thành điểm tập kết rác, gây hôi thối, ô nhiễm. Mặc dù địa phương đã nhắc nhở nhiều lần nhưng những hộ dân sống xung quanh có ý kiến là do người từ nơi khác đến vứt xuống”, đây là một thực trạng diễn ra tại nhiều nơi ở TP.HCM. Với tư cách là tuyên truyền viên pháp luật, thành viên tổ tư vấn cộng đồng, đội thi xã Phong Phú phải nêu ý kiến của mình để giải quyết vấn nạn trên. 

Tình huống tiếp theo: “Tổ phụ nữ tổ 2, ấp 3 tự xây dựng mô hình Tuyến đường không rác góp phần thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và nông thôn mới. Tổ có 25 hộ gia đình sinh sống trên tuyến đường. Hằng tuần, tổ thuê người quét dọn và yêu cầu mỗi gia đình đóng góp 5.000 đồng/tuần, có 5/25 hộ không đồng ý”. Nhận được thông tin này, với vai trò thành viên tổ tư vấn cộng đồng thì sẽ xử lý như thế nào?

Đó là hai trong những tình huống được nêu ra tại hội thi. Bên cạnh việc nắm vững kiến thức pháp luật để xử lý tình huống, các đội thi còn phải xử lý tình huống sao cho “thấu tình đạt lý” mới nhận được điểm của ban giám khảo; đặc biệt, việc giải thích luật, một kỹ năng cần có, cũng phải gần gũi và dễ hiểu mới thuyết phục được các quan sát viên “khó tính” bên dưới khán phòng. 

Nói thì đơn giản vậy nhưng hội thi “Phụ nữ và pháp luật” do Hội LHPN phối hợp Phòng Tư pháp H.Bình Chánh tổ chức có nội dung khá “khủng”, bao gồm các văn bản luật: Luật Trẻ em, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bảo hiểm xã hội, kèm theo nội dung các nghị quyết: Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, Nghị quyết 03-NQ/HU của huyện ủy về tăng cường công tác quản lý đất đai xây dựng và chỉnh trang đô thị, Nghị quyết 05-NQ/HU về tăng cường công tác phối hợp quản lý trật tự đô thị trên địa bàn H.Bình Chánh; cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và chương trình xây dựng nông thôn mới. 

Góp phần đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống

Hoi thi 'Phu nu va phap luat': Dua chinh sach phap luat vao cuoc song

Hào hứng với hội thi.

 

Đội thi của xã Hưng Long có 7 thành viên, thanh niên có, tóc bạc cũng có. Theo chị Bùi Thị Cẩm Vân - Chủ tịch Hội LHPN xã Hưng Long - toàn xã có 9 tuyên truyền viên và 6 tổ tư vấn cộng đồng với 24 thành viên trải đều khắp các ấp. Các "thí sinh" đều là những thành viên tư vấn, tuyên truyền năng nổ tại địa phương. Ở nơi mình phụ trách, các chị đã phát huy hiệu quả, giúp người dân, nhất là hội viên phụ nữ, hiểu về các quy định pháp luật, hướng dẫn nhanh chóng các thủ tục pháp lý liên quan đến vấn đề đất đai, hôn nhân gia đình, bảo hiểm y tế, cư trú, giáo dục… “Đa dạng hóa các loại hình tập hợp phụ nữ, các hình thức tuyên truyền - đó chính là yêu cầu cấp thiết để đổi mới hoạt động Hội. Kiến thức bổ ích từ hội thi được các chị tích lũy và tiếp tục bồi đắp ngay từ thực tế công việc hằng ngày của mình”, chị Cẩm Vân nhấn mạnh. 

Hưng Long là một trong các xã ngoại thành xây dựng nông thôn mới. Xã còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, đời sống của người dân còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Những năm qua, chính quyền, đoàn thể địa phương đã huy động nhiều nguồn lực để chung sức xây dựng nông thôn mới, phong trào ngày càng lan tỏa, sâu rộng trong nhân dân. Nhiều hộ dân tham gia hiến đất làm đường, phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, vượt khó vươn lên làm giàu. Góp phần nhỏ trong công cuộc đó là vai trò của đội ngũ tuyên truyền viên, các tổ tư vấn cộng đồng. 

Hoi thi 'Phu nu va phap luat': Dua chinh sach phap luat vao cuoc song

Cổ động viên nhí của hội thi.

 Cô Phạm Thị Yến, tổ trưởng tổ tư vấn cộng đồng ấp 5, cổ động viên đội thi xã Hưng Long hào hứng cho biết: “Phải luôn khéo léo. Khéo léo trong vận dụng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, khéo trong chọn và đề ra những nội dung, hình thức, phương pháp vận động nhân dân. Hội thi bữa nay thấy ai ai cũng khéo quá trời”. Có hơn 15 năm làm công tác tư vấn cộng đồng, cô Yến nói rằng: “Vui nhiều lắm khi giúp được bà con, hỗ trợ được chị em làm giấy khai sinh, lưu trú...” nhưng lại “buồn mấy ngày” vì “có anh em nhà đó đòi ra tòa để chia đất chia đai”.

“Qua hội thi mới nhận thấy lực lượng tuyên truyền viên là cán bộ Hội, tổ tư vấn cộng đồng ngày càng vững, các chị nắm rõ kiến thức và các kỹ năng mềm. Bên cạnh đó, Hội cũng tổ chức các đợt tập huấn nhằm trang bị thêm kiến thức cho các chị, giúp các chị tự tin thể hiện kỹ năng, đáp ứng nhu cầu người nghe, người được tư vấn pháp luật, hỗ trợ giải quyết tại chỗ, góp phần kéo giảm đơn thư khiếu nại lên cấp trên... Bên cạnh đó, lực lượng này sẽ nắm rõ tình hình cơ sở, gần gũi người dân, tìm hiểu các hoàn cảnh đời sống thực tế để “cánh tay Hội” vươn dài sự hỗ trợ, tiếp sức hội viên”, chị Trần Thị Cẩm Thúy - Chủ tịch Hội LHPN H.Bình Chánh - cho biết. 

Các đội thi "Phụ nữ và pháp luật" đã trải qua ba phần: trắc nghiệm kiến thức, hiểu ý đồng đội và xử lý tình huống. Kết quả: Hội LHPN xã Phong Phú đoạt giải nhất; Hội LHPN xã Bình Hưng, Hội LHPN xã Tân Nhựt đoạt giải nhì; Hội LHPN xã Vĩnh Lộc B, Hội LHPN xã Bình Chánh cùng đoạt giải ba.

Đông Phong

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI