Giúp hội viên mượn đất, thoát nghèo

26/03/2017 - 13:57

PNO - Hàng chục ngàn mét vuông đất đã được hồi sinh với những luống rau xanh trải dài và đầm sen mênh mông.

Gần bốn năm qua, Hội LHPN phường Long Phước, quận 9, TP.HCM triển khai mô hình “Cho mượn đất bỏ hoang làm kinh tế, thoát nghèo bền vững” qua việc kết nối hội viên nghèo với chủ đất. Hàng chục ngàn mét vuông đất đã được hồi sinh với những luống rau xanh trải dài và đầm sen mênh mông. 

Giup hoi vien muon dat, thoat ngheo
Chị Lan khá lên nhờ trồng sen.


CHIA NGỌT SẺ BÙI

Bên đường cao tốc chạy qua khu phố Trường Khánh, phường Long Phước  là những đầm sen, luống rau, ao cá. Trong không gian thanh bình đó, chị Lê Ánh Hồng, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ (PN) khu phố Trường Khánh kể: “Từ dạo có cao tốc, bà con thôi làm lúa, đất bỏ hoang nhiều. Mấy năm nay, mô hình cho mượn đất được triển khai rộng rãi. Trên vùng khô cằn, nhiễm mặn xưa, nay bắt đầu có mầm xanh”. Nói rồi, chị đưa tôi đi qua những con đường rợp mát, khoe nhà này làm được 1.000m2 đầm sen, nhà kia có con vào đại học, chị nọ vừa cất nhà mới… 

Giup hoi vien muon dat, thoat ngheo
Vợ chồng anh Lầu lấy ngó sen chuẩn bị bỏ mối.

Chồng mất sức lao động, chị Trần Thị Gái (ngụ tổ 32, khu phố Trường Khánh) đi làm mướn, quần quật mà vẫn không đủ tiền trang trải cuộc sống. Qua cầu nối là Hội Phụ nữ, chị được cho mượn 10.000m2 đất trồng sen. Người PN ngoài tứ tuần ấy đã bươn bả ngày đêm trên đầm để rồi nhận quả ngọt. Không chỉ nuôi con học đại học, kinh tế gia đình chị cũng dần ổn định. Tương tự, nhờ đất  của “người dưng” mà vợ chồng anh Nguyễn Văn Tý - chị Nguyễn Hồng Huệ (ngụ tổ 34) bớt chật vật. 

Đang lội dưới đầm móc ngó sen, anh Lê Minh Lầu (SN 1987, ngụ tổ 33) nói vọng lên: “Có cái đầm này đỡ dữ lắm. Cách hai ngày tôi móc một lần, được chừng 7-10 ký ngó sen, cũng đủ trang trải bữa chợ”. Trên bờ, chị Vũ Thị Thắm (SN 1989, vợ anh Lầu) kể: “Trước đây, nhà bốn miệng ăn mà chỉ mình anh Lầu đi làm, công việc phụ hồ cũng bấp bênh lắm. Năm 2016, hai vợ chồng mượn khoảng sáu công đất trồng sen, tôi cùng chồng dọn dẹp, trồng, chăm sóc sen, đến tết Đinh Dậu là có 
thu hoạch”. 

Là Trưởng ban điều hành khu phố, kiêm Ủy viên Ban chấp hành Chi hội PN khu phố Trường Khánh, chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn không yên lòng khi thấy chị em khó khăn, không đất, không vốn làm ăn. Chị tìm những mảnh đất bỏ hoang, liên hệ chủ đất, bàn chuyện cho PN mượn trồng cây, nuôi cá. Một số chủ đất hiện sống tại các quận 3, 7, Bình Thạnh, nghe vậy gật đầu ngay. Chị Nhàn cho biết: “Ai cũng muốn đất mình sạch đẹp, được trông nom, chăm sóc nên rất ủng hộ mô hình này của phường. Thỉnh thoảng, các chủ đất cũng về chơi hoặc gọi điện thoại hỏi thăm chuyện làm ăn của chị em”. 

Về phía gia đình, sẵn có 12.000m2 đất, chị Nhàn chia ra cho ba gia đình mượn. Có nhà trồng sen, trồng sả; có nhà kết hợp sen với các loại rau. Như trường hợp chị Nguyễn Thị Thanh Trang (SN 1978), trước thuộc diện hộ nghèo của phường; năm 2014, trên mảnh đất 3.000m2 mà chị Nhàn cho mượn, chị Trang đầu tư trồng sả, sau chuyển qua trồng sen. Chị còn được giới thiệu vay vốn không lãi của Hội để mua thêm chiếc xuồng nhỏ. Ngày nào không móc ngó sen, chị Trang chèo xuồng dọc theo sông Đồng Nai nhặt ve chai. Nhờ cần cù, cộng với sự hỗ trợ kịp thời của Hội, giờ chị Trang đã thoát nghèo và cất được căn nhà che mưa che nắng. 

Không chỉ hiến hơn 3.000m2 cho địa phương làm đường giao thông nông thôn, dì Tư Than (tên thật Phạm Thị Ngọc Yến, SN 1939) còn cho hai hộ trong khu phố mượn đất trồng sen. Đi cùng tôi qua những đầm sen trải dài, dì Tư Than cười hiền: “Tôi già rồi, đâu có mần gì được, mà đất thì nhất quyết không bán. Trong khi người ta khổ quá, mình góp chút ít “chia ngọt sẻ bùi” vậy. Thấy chị em trồng sen lấy ngó, lấy gương bán có đồng ra đồng vô, tôi cũng vui lây”. 

KHÁ LÊN TỪ ĐẤT MƯỢN

Đến thời điểm này, Hội LHPN phường Long Phước đã giới thiệu cho tám gia đình hội viên mượn đất để trồng sen kết hợp nuôi cá, trồng sả, gừng, bồn bồn, rau xanh các loại. Khi vận động cho mượn đất, Hội đứng ra làm cam kết với chủ “nếu có nhu cầu bán hoặc sử dụng, sẽ hoàn trả mà không đòi chi phí bồi thường hoa màu, công cải tạo đất”; các hộ mượn đất cũng làm cam kết với nội dung trên. Bên cạnh đó, Hội còn tạo điều kiện cho chị em tham quan các mô hình sản xuất hiệu quả, tập huấn khoa học kỹ thuật, giới thiệu mua cây giống với giá ưu đãi, hỗ trợ vốn ban đầu từ nguồn quỹ Tiết kiệm vì PN nghèo và nguồn quỹ tương trợ của chi hội… Qua gần bốn năm thực hiện mô hình, đời sống chị em khá hơn, ba hộ đã thoát nghèo, hai hộ ra khỏi diện cận nghèo.

Chị Nguyễn Thị Lan (SN 1968) ngồi bên liếp cửa căn chòi nhỏ ven đầm, vừa trông chừng sen, vừa trồng thêm rau nhút, cải, bồn bồn để bán. Chị ở chòi này nhiều hơn ở nhà. Thường thì 7-8 giờ tối, chị vẫn còn lội dưới đầm sen. Ngoài ngó, đến mùa chị còn thu hoạch cả gương sen. Sen giúp chị trả nợ, nuôi con ăn học. Cũng nhờ sen mà chị cất được nhà mới, tinh thần vui vẻ, phấn chấn hẳn.

Nhìn xuống đôi bàn tay, bàn chân nứt nẻ, chị cười: “Sống quá nửa đời người, tôi chưa sơn móng tay, móng chân lần nào. Mà vậy cũng có sao đâu, miễn lòng mình vui. Quê dưới Nhơn Trạch, Đồng Nai, hơn mười tuổi, tôi đã biết lội đầm móc ngó sen phụ cha mẹ. Sau này lấy chồng lên TP.HCM, dù làm gì rồi tôi cũng quay lại bám sen như thể duyên nợ vậy”. 

Năm 2010, chị Lan vay vốn của Hội Nông dân phường để nuôi heo nhưng năm con heo nái và gần 50 heo lứa trong chuồng bị bệnh chết hết khiến chị đổ nợ. Được cán bộ Hội PN và Hội Nông dân  phường động viên, chị Lan mạnh dạn mượn đất trồng sen, một mình phát cả rừng ráng cao quá đầu để lấy đất trồng.

“Từ năm 2000, tôi đã phát ráng trồng sen, nhưng không nhiều. Heo chết, tôi phải cầm sổ đỏ ra ngân hàng vay tiền trả nợ. Thời gian đó, hai con trai đi học, còn chồng tôi làm phụ hồ, có lúc tôi bấm bụng tính đi xuất khẩu lao động. Chị em khuyên mình ráng, có gì thì Hội hỗ trợ, giới thiệu mượn thêm đất canh tác. Tôi lại dặn lòng không được nản, chắc rồi sẽ có con đường nào đó mở ra cho mình. Té ra trồng sen lại trúng” - chị Lan chia sẻ. 

Bà Trần Thị Hương, Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN quận 9 đánh giá: “Bước đầu, mô hình đã tạo điều kiện cho chị em có thêm nguồn thu nhập, cải thiện đời sống, giảm bớt khó khăn. Chúng tôi xác định đây là mô hình mới cần tiếp tục duy trì, nhân rộng. Thời gian tới, Hội sẽ liên kết với một số tiểu thương, ban quản lý các chợ mở điểm bán hàng cố định nhằm tạo đầu ra cho sản phẩm của chị em. Đồng thời, chúng tôi cũng thường xuyên động viên, khuyến khích Hội PN phường Long Phước tiếp tục tìm kiếm, khai thác những mảnh đất bỏ hoang, giới thiệu và hỗ trợ vốn cho chị em hội viên đầu tư phát triển kinh tế”. 

MẪN NHI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI