Giúp chị em nhẹ bớt nỗi lo sinh kế

30/03/2017 - 19:18

PNO - Câu chuyện “đòi lại vỉa hè cho người đi bộ” đang là một sự kiện nóng và phía sau sự quyết liệt lập lại trật tự đô thị, chính quyền TP.HCM cũng đang tìm cách hỗ trợ việc chuyển đổi nghề,

Câu chuyện “đòi lại vỉa hè cho người đi bộ” đang là một sự kiện nóng và phía sau sự quyết liệt lập lại trật tự đô thị, chính quyền TP.HCM cũng đang tìm cách hỗ trợ việc chuyển đổi nghề, tạo việc làm tại chỗ cho các đối tượng buôn bán ở lòng lề đường. Hội LHPN TP.HCM cũng đã vào cuộc theo cách riêng của mình. 

Giup chi em nhe bot noi lo sinh ke
Các phụ nữ có nhu cầu tìm việc làm tại hội nghị chuyên đề về giải pháp đào tạo nghề và tạo việc làm cho lao động nữ do Hội LHPN TP.HCM tổ chức ngày 22/3


Nặng nỗi lo cơm áo 

Ngày 22/3, hơn 150 phụ nữ (PN) có hoàn cảnh khó khăn, chưa có việc làm thuộc các quận 1, 3, 10, 11, Tân Bình, Bình Tân, huyện Bình Chánh... đã đến hội trường Nhà Văn hóa Lao Động Q.Tân Bình, nơi diễn ra hội nghị chuyên đề về giải pháp đào tạo nghề và tạo việc làm cho lao động nữ. Trong số những PN đến tìm việc, nhiều người tóc đã pha sương, nhưng gánh nặng, nỗi lo cơm áo vẫn hiện diện trên gương mặt. 

Đến rất sớm nhưng lại là người ra về muộn nhất, bà Phạm Thị Thanh Nguyên, 65 tuổi, ngụ ở P.Cầu Ông Lãnh, Q.1 kể, bà có trên 20 năm bán trái cây ở lề đường, gần cầu Ông Lãnh. Cuối tháng 2/2017, khi có chiến dịch “đòi lại vỉa hè cho người đi bộ”, việc buôn bán của bà bị gián đoạn. Bà tâm sự: “Nghe nói Hội giúp tìm việc làm cho đối tượng như tôi, nên tôi đến để tìm hiểu. Tôi tính chuyển sang làm nghề giúp việc nhà nhưng ngặt nỗi chưa biết gì về nghề đó, sợ người ta không nhận”.

Nhà nằm trong con hẻm sâu thuộc P.6, Q.Tân Bình, bà Bùi Thị Minh Trí (52 tuổi), tìm đến hội nghị với tâm trạng nặng trĩu. Công việc thợ may hơn 15 năm qua của bà phải dừng lại khi mới đây, những cơn đau thắt lưng do bệnh thoái hóa đốt sống hành hạ bà. “Lúc trước, hai vợ chồng tôi đều đi làm thì cuộc sống không đến nỗi nào. Nhưng giờ tôi nghỉ làm, chồng thì làm giao nhận hàng cho siêu thị, lương tháng chưa tới 5 triệu đồng, lại còn nuôi con gái đang học lớp 11 nên rất chật vật” - bà Trí lo lắng.

Trong số người đến hội nghị tìm cơ hội việc làm, còn có các PN  24-28 tuổi. Bùi Kim Ngân, 26 tuổi, ngụ xã Đa Phước, huyện Bình Chánh kể, học xong lớp 9, gia đình nghèo, cô phải nghỉ học sớm, ở nhà phụ giúp gia đình. Cách đây bốn năm, Ngân đến phụ bán quán giải khát cho người quen trong xã, thu nhập chỉ trên dưới một triệu đồng/tháng nên dù có việc vẫn như đang thất nghiệp. “Nhiều lần em cũng tính học nghề gì đó để có thu nhập ổn định nhưng cũng không biết bắt đầu từ đâu, đến đâu để tìm việc làm” - Ngân nói. 

Nỗ lực tạo “cần câu” của Hội

Định hướng, hỗ trợ đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho PN, nhất là PN có hoàn cảnh khó khăn là hoạt động luôn được Hội LHPN TP.HCM quan tâm. Bình quân mỗi năm, Trung tâm Giới thiệu việc làm thuộc Hội LHPN TP.HCM và các cấp Hội tư vấn học nghề, tổ chức đào tạo và giới thiệu việc làm cho 3.000 lao động nữ với các nghề may gia công, làm móng, giúp việc gia đình, chăm sóc người già, trẻ em... 

Trong năm 2017, Hội tiếp tục triển khai hoạt động này bằng bốn hội nghị chuyên đề về giải pháp đào tạo nghề và tạo việc làm cho lao động nữ. Tại các hội nghị này, bên cạnh tìm hiểu tâm tư, nhu cầu về việc làm của hội viên, PN nghèo, Hội còn mời đơn vị đào tạo nghề và nhà tuyển dụng đến dự, trực tiếp kết nối cung cầu hai bên. Trong chuyên đề đầu tiên tổ chức ngày 22/3, Hội đã mời đại diện trường Trung cấp nghề Lê Thị Riêng và Công ty Thousand Hands, đơn vị chuyên tuyển dụng lao động nữ giúp việc nhà theo giờ hoặc chăm sóc sắc đẹp tại nhà. 

Bà Bùi Thị Minh Tâm, Phó hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Lê Thị Riêng cho biết, trường hiện đào tạo 22 nghề bậc sơ cấp (1-6 tháng). Với các lớp sơ cấp, có các nghề hiện đang “hot” như chăm sóc sắc đẹp (nail, spa, làm tóc), chế biến thực phẩm (làm bánh, tỉa rau củ quả) với thu nhập khá, 100% đều có việc làm ngay khi có chứng chỉ nghề. 

Bà Đoàn Thị Thúy, đại diện Công ty Thousand Hands cho biết, hiện công ty đang cần tuyển gấp 100 người giúp việc theo giờ, với mức lương từ 6-8 triệu đồng; đối tượng cần tuyển từ 18-55 tuổi, không yêu cầu về trình độ học vấn; ứng viên sẽ được đào tạo, thực hành theo nghề, được chọn địa điểm làm việc gần nhà, được lựa chọn thời gian làm việc phù hợp trong ngày. 

Theo bà Trần Thị Phương Hoa, Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM, Đại hội đại biểu Phụ nữ TP.HCM nhiệm kỳ 2016-2021 đã đề ra mục tiêu: mỗi năm, tư vấn, giới thiệu việc làm cho 5.000 lao động nữ và phối hợp đào tạo nghề cho 3.000 lao động nữ. Trong năm 2017 này, ngoài các hội nghị chuyên đề về việc làm, Hội LHPN TP.HCM sẽ tiếp tục tổ chức Hội chợ việc làm và giới thiệu sản phẩm hàng Việt lần thứ chín, tại Công viên Văn hóa Lê Thị Riêng, quận 10 (dự kiến diễn ra từ ngày 6-10/6). “Trong năm nay, Hội sẽ tập trung rà soát các đối tượng bán hàng rong ở lề đường, vỉa hè để hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, giúp chị em chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định cuộc sống” - bà Phương Hoa nói. 

 Hoài An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI