Đồng hành, hỗ trợ chị em khởi nghiệp

11/08/2017 - 09:03

PNO - Hội LHPN TP.HCM vừa tổ chức hội nghị chuyên đề “Nâng cao năng lực khởi nghiệp và lãnh đạo cho phụ nữ (PN)” đồng thời giới thiệu “Sáng kiến mạng lưới hỗ trợ PN khởi nghiệp và kinh doanh (WISE)”.

Tại hội nghị, thạc sĩ Đào Lê Hòa An - Giám đốc chiến lược Trung tâm Đào tạo kỹ năng sống và chăm sóc tinh thần Ý Tưởng Việt - chia sẻ về câu chuyện khởi sự kinh doanh của mình từ những bịch yaourt. Sản phẩm của anh làm từ sữa bò tươi mua tại H.Củ Chi, TP.HCM, ban đầu được bán cho học sinh của trường học gần nhà anh.

Dần dần, anh giới thiệu và quảng bá sản phẩm của mình trên facebook, nhận được số lượng đặt hàng ngày càng nhiều, có cả những đơn đặt hàng với số lượng lớn từ Nha Trang, Đà Nẵng.

“Mỗi bịch sữa chua, tôi chỉ lời 2.000đ, nhưng với số lượng lớn, lợi nhuận không hề nhỏ. Tôi bắt đầu nghĩ đến nhiều mặt hàng có thể vận chuyển đi xa mà không ảnh hưởng đến chất lượng và ngày càng mở rộng quy mô, mặt hàng kinh doanh”.

Dong hanh, ho tro chi em khoi nghiep
Quán trà của chị Yến Vỹ hiện đã có lượng khách đông và ổn định

Là Phó chủ tịch Hội LHPN P.12, Q.Gò Vấp (TP.HCM), Nguyễn Ngọc Yến Vỹ (SN 1991) nhận thấy chị em rất quan tâm đến việc giữ dáng, giữ da. Sau khi học một khóa pha chế tại Trường trung cấp Du lịch Sài Gòn, năm 2015, Vỹ đã mạnh dạn mở quán trà thảo mộc tại chung cư Khang Gia trên đường Phan Huy Ích với vốn đầu tư ban đầu hơn 200 triệu đồng.

Sau tám tháng chịu lỗ, Vỹ bổ sung thêm sản phẩm trà lạnh và thuê ban nhạc đến phục vụ nên lượng khách đến quán ngày một đông hơn và quán đã có lợi nhuận khá. Ngoài ra, Vỹ còn có thêm nguồn thu từ sản phẩm phụ là những chiếc bánh tự làm, khách có thể ăn kèm khi uống trà.

Bà Lê Thanh Nguyên - Giám đốc điều hành Công ty Cophaco chuyên sản xuất quạt điện, quạt sưởi, mô tơ quạt - chia sẻ về ý tưởng khởi nghiệp cách đây 30 năm: “Những năm 1980, đất nước còn nghèo, đêm cầm quạt giấy quạt cho con cực quá, tôi nghĩ đến nhiều người cũng trong hoàn cảnh giống mình nên đã chọn quạt máy làm sản phẩm bắt đầu cho con đường tạo dựng sự nghiệp”.

Bà cho biết, thời đó, Việt Nam cũng có sản phẩm quạt máy do doanh nghiệp nhà nước sản xuất nhưng chủ yếu bằng chất liệu gang thép. Bà nghĩ đến việc đổi mới các sản phẩm quạt lấy chất liệu là nhựa. Nhựa lên khuôn rất khó, nhưng sản phẩm nhẹ hơn, độ an toàn cao hơn vì cách điện tốt hơn. 

Hiện sản phẩm của Cophaco đã xuất khẩu sang nhiều nước, trong đó có cả Mỹ, Hàn Quốc, nhưng công ty vẫn tiếp tục đầu tư cải tiến kỹ thuật, hạ giá bán để tăng sứccạnh tranh. Bà chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh: “Đó là một quá trình đòi hỏi sự bền bỉ và quyết tâm. Những người khởi sự kinh doanh cần có ý tưởng kinh doanh kèm theo chiến lược lâu dài”.

Đại hội Đại biểu PN TP.HCM lần thứ X, nhiệm kỳ 2016-2021 xác định, “vận động, hỗ trợ PN phát triển kinh tế bền vững” là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm của cả nhiệm kỳ. Bà Cổ Tấn Mỹ Dung - Trưởng ban Kinh tế Hội LHPN TP.HCM - cho biết, sắp tới, bên cạnh việc nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho PN, Hội sẽ tổ chức các lớp hướng dẫn, đào tạo kiến thức về khởi nghiệp và quản lý doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ chị em tiếp cận các nguồn vốn.

Ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc điều hành Chương trình khởi nghiệp TP.HCM - thông tin: hiện TP.HCM đã thành lập “Mạng lưới sáng kiến hỗ trợ PN khởi nghiệp và kinh doanh” nhằm giúp người muốn khởi nghiệp đánh giá tính khả thi của dự án, giúp họ hoàn thành ý tưởng và huy động nguồn vốn. Từ đầu năm 2017 đến nay, trung tâm đã hỗ trợ khoảng 400 dự án khởi nghiệp. 

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI