Điểm tựa cho người sau cai nghiện

09/01/2017 - 08:24

PNO - Sau hơn chín tháng hoạt động, mô hình “Giúp người yếu thế hoàn thiện nhân cách” của Hội LHPN P.8, Q.4, TP.HCM đã hỗ trợ nhiều người sau cai tiến bộ, cuộc sống gia đình dần ổn định.

Cách làm hiệu quả

Theo chân chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền, Chủ tịch Hội LHPN P.8, tôi đến Tổ tư vấn, hỗ trợ người nghiện tại khu dân cư (nằm ở nơi tiếp giáp giữa khu phố (KP) 3 và KP.4). Chị Tuyền cho hay, tổ gồm bảy thành viên (TV), là những cán sự xã hội tình nguyện của phường, bao gồm cán bộ, hội viên phụ nữ (PN), các nhà hảo tâm, đặc biệt còn có đối tượng chậm tiến đã được cảm hóa.

Điểm tư vấn không rộng, nhưng thoáng mát, bên trong đặt một chiếc bàn lớn để tiếp nhận người đến tư vấn và một tủ kính với nhiều đầu sách phục vụ người dân. Cô Lê Thị Yến, TV của tổ hồ hởi: “Người đến đây đủ thành phần. Cũng có nhiều người đến nhờ hướng dẫn dấu hiệu nhận biết người nghiện để “dòm chừng” con cái trong nhà. Từ khi mở điểm trực, tôi và các TV khác luôn tâm niệm sẽ dốc hết sức để nơi đây là “nhà” của những người lạc lối”.

Cùng với cô Yến, cô Nguyễn Thị Minh Lê, hội viên PN KP.4 không chỉ là một TV nhiệt tình, năng nổ mà còn là “nhà hảo tâm” của những người nghiện. Hiểu được nỗi đau của các bậc phụ huynh khi có con cái vướng ma túy và nỗi khổ dày vò người nghiện khi “đói” thuốc, thời gian qua, cô Lê tranh thủ đến từng nhà có người nghiện, vận động họ đi cai; hỗ trợ chi phí điều trị, thuốc men để họ an tâm cai nghiện.

Trở về sau chuyến cai nghiện lần hai, anh Ph.C.Tr. (KP.3) sum họp gia đình, đang “làm lại cuộc đời” với công việc sơn nước. Anh tâm sự: “Đó là thời điểm khó khăn nhất trong cuộc đời tôi. Tôi nghiện đã lâu, nhiều lần muốn bỏ nhưng sợ không dứt được, lại lo lúc đi cai, ai sẽ lo cho vợ con, vì tôi là lao động chính. May mắn, tôi gặp cô Lê. Cô khuyến khích tôi đi cai, lại còn hỗ trợ chi phí trong thời gian tôi điều trị, mỗi tháng trợ cấp gạo cùng 1,5 triệu đồng để vợ con tôi có cái ăn qua ngày”. Sau khi cai, trở về không lâu, anh Tr. tái nghiện. Một lần nữa, cô Lê kiên trì vận động anh tiếp tục đi cai. Với sự kiên trì của cô Lê, anh Tr. đã đoạn tuyệt với ma túy, cuộc sống gia đình dần ổn định.

Diem tua cho nguoi sau cai nghien
Một buổi tư vấn cho người nghiện ma túy (bìa phải) tại điểm tư vấn sinh hoạt cộng đồng P.8, Q.4.

Trước khi triển khai mô hình “Giúp người yếu thế hoàn thiện nhân cách”, các TV được tập huấn, tìm hiểu về ma túy, tác hại của ma túy, các phương pháp cai nghiện, biện pháp tiếp cận, vận động người đi cai nghiện… Hội PN phường đã phối hợp với tổ trưởng khu phố, các chi hội PN rà soát, tiếp cận gia đình có người nghiện, vận động người nghiện đăng ký cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, tại các trung tâm và tham gia các chương trình điều trị nghiện, tư vấn dự phòng tái nghiện, dự phòng lây nhiễm HIV.

Điểm sáng

 Anh Lê Văn Hồ, cán bộ chuyên trách lao động – thương binh và xã hôi, phụ trách công tác sau cai của UBND P.8, Q.4 cho biết: “Thời gian điều trị cai nghiện dài, ngắn tùy theo tình trạng nghiện của mỗi người. Việc uống thuốc, điều trị với người nghiện ma túy không khó. Khó khăn lớn nhất với người trở về sau cai là họ phải đối mặt với những cơn “nhớ” thuốc. Họ rất cần sự trợ giúp từ những người xung quanh để vượt qua gia đoạn khó khăn này”.

Nhằm hạn chế trường hợp tái nghiện, giúp người sau cai có nơi sinh hoạt, vui chơi, các TV Tổ tư vấn, hỗ trợ người nghiện tại khu dân cư luôn nỗ lực vận động người cai nghiện thành công cùng tham gia trực tại điểm tư vấn. Theo chị Tuyền, đây là cách làm hay, sáng tạo, giúp người sau cai có nơi giao lưu, hòa nhập trở lại cuộc sống, đồng thời cũng nhờ lực lượng này tư vấn, tác động đến những người đang còn trong “vòng xoáy” ma túy.

Nhiều tháng qua, anh Ch.Th.S, người từng nghiện ma túy có mặt đều đặn trong các ca trực ở điểm tư vấn. Trở về sau cai, anh được các TV vận động vào tổ, với nhiệm vụ tuyên truyền về tác hại của ma túy. “Đứng dậy sau vấp ngã, tôi may mắn được mọi người chào đón. Tôi đến đây với mong muốn góp chút sức, chút lòng để giúp những người đang nghiện ma túy từ bỏ “cái chết trắng”, làm lại cuộc đời”. Tương tự, chị Tr.K.S. mạnh mẽ bước qua “bóng tối”. Có thời gian rỗi, chị thường đến điểm trực quét dọn, sắp xếp truyện tranh, sách báo cho gọn gàng. “Tuy không có kiến thức chuyên môn về ma túy, nhưng biết được tác hại do ma túy gây ra, tôi chia sẻ để mọi người có thể từ bỏ nếu lỡ vướng vào ma túy”, chị S. tâm sự.

Qua chín tháng hoạt động, Tổ đã tư vấn cho trên 470 lượt người nghiện, 25 trường hợp được đưa đi xét nghiệm HIV, hỗ trợ 17 trường hợp cắt cơn giải độc tại trung tâm, giới thiệu việc làm cho sáu đối tượng sau cai. Ngoài ra, các TV trong tổ còn hỗ trợ vốn 20 triệu đồng cho một trường hợp sau cai.

Bên cạnh mô hình “Giúp người yếu thế hoàn thiện nhân cách”, Hội PN phường 8 tiếp tục phát động cán bộ, hội viên, PN tích cực tham gia Câu lạc bộ “Gia đình phòng, chống tệ nạn xã hội” , góp phần hạn chế phát sinh tội phạm ma túy và TNXH ngay từ trong mỗi gia đình.  “Từ thành công ban đầu của Tổ tư vấn, hỗ trợ người nghiện tại khu dân cư, Hội PN phường mong muốn nhân rộng mô hình sang các KP còn lại. Sắp tới, chúng tôi sẽ khảo sát tình hình thực tế, đề xuất với cấp trên để triển khai rộng rãi mô hình này”, chị Thanh Tuyền cho biết.

VIỆT PHƯƠNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI