Cùng các nữ biệt động thành thăm địa chỉ đỏ

05/01/2018 - 15:14

PNO - Ngày 4/1, Hội LHPN TP.HCM tổ chức lễ khai mạc Hành trình “Đến với địa chỉ đỏ” - một hoạt động “về nguồn” nhằm kỷ niệm 50 năm cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968.

Hành trình bao gồm các cuộc gặp gỡ chứng nhân lịch sử và đến thăm các nơi ghi dấu ấn của sự kiện lịch sử này.

Cung cac nu biet dong thanh tham dia chi do
Thăm cơ sở Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam bộ, nơi bà Lê Thị Riêng, Trưởng ban Phụ vận Sài Gòn - Gia Định được bố trí về ở và hoạt động cách mạng vào năm 1967 (số 51/10/14 Cao Thắng, P.3, Q.3, TP.HCM)


Sáng 1/1/2018, đứng tại trụ sở Bộ Chỉ huy tiền phương phân khu 6, căn nhà bí mật có tên Phở Bình, ở số 7 Yên Đỗ (nay là đường Lý Chính Thắng), nữ biệt động Sài Gòn - Gia Định Nguyễn Thị Mai xúc động: “Đêm qua, tôi gần như thức trắng. Hồi hộp và xúc động vô cùng. Hòa bình đã 42 năm, hôm nay có dịp thăm lại nhiều bà con, đồng đội, quý lắm”. Đúng 1g sáng mùng Một tết Mậu Thân 1968, người con nhỏ của xứ Quảng Nam vừa tròn 25 tuổi, giữ vai trò tổ trưởng tổ trinh sát đội biệt động 90C, Nguyễn Thị Mai đã cùng đồng đội đánh vào khám Chí Hòa. 

Trận đánh đợt 1 ấy chưa thành công. Năm tháng sau, dì Mai lại cùng đồng đội nhận nhiệm vụ đánh đài ra-đa Phú Lâm, rồi tiến thẳng vào Chí Hòa, nhưng khi đến ngã tư Bảy Hiền thì không tiến vào được nữa vì lực lượng địch quá đông. “Bên ta thương vong rất nhiều, nên mọi người được đưa về hầm chứa vũ khí ở P.11, Q. Tân Bình ém quân. Tại đây, tôi thấy một em trai chừng 16 tuổi bị thương, đổ ruột ra ngoài. Tôi rút nhanh tấm khăn trên đầu cột lại vết thương cho em” - dì Mai lấy khăn lau nước mắt, kể. 

Trong khi đó, trước bia tưởng niệm các chiến sĩ biệt động Sài Gòn - Gia Định tại dinh Độc Lập (108 Nguyễn Du, P. Bến Thành, Q.1), dì Vũ Minh Nghĩa (Chín Nghĩa) - chiến sĩ nữ duy nhất trực tiếp tham gia trận đánh vào dinh Độc Lập trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968 đang kính cẩn cùng đoàn thắp nén hương tưởng nhớ những người đã ngã xuống trong đêm lịch sử ấy.

Cùng cảm xúc với người đồng đội của mình, dì nhớ rõ từng sự kiện diễn ra khi cùng đơn vị Biệt đội 5 (gồm 15 người) đánh thẳng vào dinh Độc Lập. “Không khí tết diễn ra vui vẻ, ấm cúng. Trên đường, những chuyến xe đò tấp nập. Chúng tôi cũng hòa trong không khí của người dân khi về thành phố”.

Do đây là lần đầu tiên được cầm súng đánh vào một cứ điểm quan trọng, nên đêm mùng Một tết Mậu Thân trở thành kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của dì: “Biết là có thể hy sinh, nhưng cầm trên tay cây K54 và cạc bin, tôi thấy sung sướng và tự hào vô cùng”. Cùng với việc chiến đấu, dì Chín Nghĩa được giao nhiệm vụ cứu thương cho đồng đội, đồng thời sẽ dùng máy phóng thanh để kêu gọi địch trở về với hàng ngũ nhân dân khi đơn vị tiến vào dinh Độc Lập.

Bên kia đường Nguyễn Du, đối diện với bia tưởng niệm là khám thờ tựa lưng vào gốc cây đa, nơi dì thường xuyên trở về để tưởng nhớ đồng đội, lúc bia tưởng niệm chưa được xây dựng. Chỉ tay về căn nhà kế bên, nay là một tòa cao ốc, dì nghẹn ngào: “Đây là ngôi nhà mà các chiến sĩ Biệt đội 5 đã ẩn nấp từ đêm mùng Một cho đến tối mùng Ba. Đạn pháo bắn liên tục vào trong khiến chúng tôi hầu như bị điếc, chỉ có thể giao tiếp với nhau bằng cách ra dấu. Tám người hy sinh trước mặt đồng đội, còn lại bảy người đều sa vào tay giặc. Thiệt hại rất nhiều nhưng chúng ta cũng trả lời cho Mỹ thấy rằng không phải Sài Gòn là nơi mà bộ đội không vào được. Và bất cứ nơi nào có Mỹ, ngụy thì nơi đó có nhân dân. Từ đó, cuộc chiến của chúng ta bước sang giai đoạn cao trào hơn, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn hội nghị Paris”.

Trong ngày 4/1, đoàn cán bộ Hội LHPN TP.HCM đã cùng các nhân chứng lịch sử thăm một số “địa chỉ đỏ” liên quan đến sự kiện tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968: di tích hầm chứa vũ khí bí mật (nhà số 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, P.5, Q.3, nhà số 183/4 đường Ba Tháng Hai, P.11, Q.10), bia tưởng niệm các chiến sĩ Đội 5 biệt động khu Sài Gòn - Gia Định (108 Nguyễn Du, Q.1), cơ sở bí mật của Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam bộ (51/10/14 Cao Thắng, P.3, Q.3)… 

Lắng nghe tâm sự của những người đi trước, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - xúc động: “Mỗi di tích chúng ta đến đều là nơi ghi dấu ấn lịch sử về cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ thành phố, thể hiện tinh thần đấu tranh bền bỉ, kiên cường, tinh thần dũng cảm, khát vọng tự do, độc lập. Chúng tôi mong rằng, hành trình này sẽ góp phần bồi đắp, nuôi dưỡng tình cảm, giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay”.  

Thu Lê  - Tâm Uyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI