Chung sức bảo vệ trẻ em trước vấn nạn xâm hại tình dục

10/12/2016 - 18:56

PNO - Sáng 10/12, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam phối hợp tổ chức Mạng bảo vệ quyền trẻ em đã tổ chức diễn đàn thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức xã hội và Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.

Sáng 10/12, tại Hà Nội, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam (BV QTE) phối hợp tổ chức Mạng bảo vệ quyền trẻ em (CRnet) đã tổ chức diễn đàn thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức xã hội và Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam trong phòng ngừa, hỗ trợ, bảo vệ trẻ em bị xâm hại tình dục(XHTD). 

Tham gia diễn đàn có ông Tạ Văn Hạ - Thường trực UV Văn hoá giáo dục thiếu niên nhi đồng xã hội Quốc hội, ông Đào Hồng Lan - Thứ Trưởng Bộ Lao động TB&XH, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Bảo vệ Trẻ em Việt Nam- Bộ LĐ TB&XH, đại diện Hội LHPN Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Công an, Tòa án Nhân dân tối cao cùng hơn 80 đại biểu, đại diện các chi hội luật sư, luật gia trực thuộc Hội BV QTE, các đơn vị trực thuộc CRnet tham dự.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, bà Trần Thị Thanh Thanh - Chủ tịch Hội BV QTE VN cho biết: Theo báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện chương trình mục tiêu bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015 cho thấy tình hình tội phạm xâm hại tình dục trẻ em (XHTD TE) như hiếp dâm giao cấu, dâm ô với trẻ em chiếm tỷ lệ 70% trong các vụ xâm hại trẻ em (Báo cáo 5 năm qua của ngành công an có hơn 8.000 vụ, có đến 9000 nạn nhân). Đáng chú ý là nạn nhân bị xâm hại ở lứa tuổi rất bé; bị xâm hại nhiều lần, kéo dài, nhiều vụ, thủ phạm xâm hại trẻ em là người thân trong gia đình… Nhiều báo cáo đã chỉ ra những nguyên nhân khách quan từ đời sống kinh tế xã hội, bùng nổ thông tin tác động; còn có không ít nguyên nhân chủ quan từ nhận thức, trách nhiệm của gia đình, cha mẹ cộng đồng, các cơ quan quản lý nhà nước về tư pháp, giáo dục truyền thông…

Chung suc bao ve tre em truoc van nan xam hai tinh duc
Bà Trần Thị Thanh Thanh phát biểu khai mạc diễn đàn.

Bà Thanh Thanh nói: “Vai trò của các tổ chức xã hội trong công tác phòng, chống XH TD TE có nhiều nỗ lực với nhiều hoạt động như mô hình phiên toà giả định, truyền thông ở cộng đồng, tham gia bào chữa, trợ giúp pháp lý... Tuy nhiên, trong quá trình tham gia, các tổ chức xã hội tham gia phòng chống XHTE cũng có nhiều khó khăn về nhận thức, về cơ chế…. Diễn đàn hôm nay chúng ta cùng nhau nhìn nhận, đánh giá những khó khăn, cản trở trong việc BV QTE, với mục tiêu nhằm giảm dần tình trạng XHTD TE; sẽ đưa ra những kiến nghị để phối hợp cơ quan nhà nước tháo gỡ những khó khăn này”.

Tại diễn đàn, Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe gia đình và phát triển cộng đồng (CEFACOM) đã trình bày tham luận về những khó khăn, vướng mắc trong việc phòng chống XHTD TE ở gia đình, cộng đồng như tâm lý giấu giếm sự việc, mặc cảm của gia đình; thời gian điều tra kéo dài, việc hỗ trợ, bảo vệ cho những người bị hại còn chưa tới nơi, tới chốn...

Bà Tô Thị Kim Hoa - Phó chủ tịch Hội BVQTE TP. HCM kiến nghị cần tổ chức liên kết các đường dây nóng bảo vệ trẻ em của các cơ quan tổ chức như Trung tâm công tác xã hội trẻ em, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em, đường dây nóng của nhà nước và tổ chức phối hợp hành động bảo vệ trẻ em qua thông tin tiếp nhận…

Chung suc bao ve tre em truoc van nan xam hai tinh duc
Bà Tô Thị Kim Hoa- Phó chủ tịch Hội BV QTE TP.HCM phát biểu tham luận tại diễn đàn.

LS Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội BV QTE TP.HCM đại diện các chi Hội luật sư luật gia các tỉnh phía Bắc, Hà Nội và Đà Nẵng kiến nghị: Cần nhất quán trong quy định tại khoản 1 điều 12 BLHS (Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm) và khoản 1 Điều 115 và điều 116 BLHS về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Chú ý đến nạn nhân bị xâm hại tình dục là trẻ em nam, quy định các hành vi cụ thể để công tác phòng ngừa và xử lý đạt hiệu quả. Về công tác giám định, nên có quy định về giám định khẩn cấp trong các vụ xâm hại TDTE để đảm bảo công tác điều tra, phát hiện chứng cứ, nhằm tìm ra thủ phạm. Nghiên cứu để có quy định mức độ tổn thương về tinh thần đối với nạn nhân bị xâm hại tình dục để có cơ sở cho việc đền bù khắc phục hậu quả.

Chung suc bao ve tre em truoc van nan xam hai tinh duc
Thứ trưởng Đào Hồng Lan phát biểu tại diễn đàn.

Các chi Hội Luật sư, luật gia cũng kiến nghị Bộ Công an cần đào tạo điều tra viên chuyên điều tra các vụ án về XHTD TE để có khả năng điều tra vụ án nhanh và không để lọt tội phạm vì nạn nhân các vụ án này còn nhỏ tuổi, tâm sinh lý còn phát triển chưa đầy đủ. Phải có trình tự thủ tục riêng cho các loại án mà trẻ em bị XHTD để các vụ án trên được triển khai nhanh, kịp thời nhằm tìm ra thủ phạm.

Tại diễn đàn, nhiều đại biểu kiến nghị là phải kiện toàn bộ máy bảo vệ trẻ em đến cấp xã; lộ trình chăm sóc và bảo vệ trẻ em trong tương lai khi mà trẻ em bị mạng xã hội tấn công, XHTD một cách đầy nguy hiểm như hiện tại? ...

Ông Tạ Văn Hạ - Thưởng trực UV Văn hoá giáo dục thiếu niên nhi đồng xã hội Quốc hội đánh giá, diễn đàn thật sự là một cuộc đối thoại chất lượng cao, đưa ra được nhiều khuyến nghị, giải pháp khả thi, cần được nghiêm túc xem xét, luật hoá để cùng nhau làm tốt hơn, hiệu quả hơn công tác phòng, chống XH TDTE.

Nghi Anh

Tháng hành động vì trẻ em năm 2017 sẽ có chủ đề "phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em"

Phát biểu tại diễn đàn, bà Đào Hồng Lan- Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH cho biết: “Tại Việt Nam, mỗi năm trung bình có khoảng 2.000 trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại được báo cáo, trong đó có hơn 1.200 trẻ em bị xâm hại tình dục (chiếm hơn 60% số vụ xâm hại trẻ em). Trong những năm gần đây, số vụ và số trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục có chiều hướng tăng, diễn biến phức tạp và nghiêm trọng. Đối tượng bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em phần lớn là những người thân, người quen và cả người có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bao gồm cả cha đẻ, thầy cô giáo, xâm hại cả trẻ em nam... Năm 2016, chủ đề về tháng hành động vì trẻ em là “Phòng, chống đuối nước trẻ em”, bảo đảm mạng sống cho trẻ em, chúng ta đã thay đổi được nhận thức của gia đình, cộng đồng các cấp. Chúng tôi sẽ tiếp tục chọn chủ đề của năm 2017 là “Phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em” với niềm tin sẽ góp phần tác động vào nhận thức của cộng đồng, được mọi người chung tay hành động bảo vệ trẻ em trước vấn nạn đau lòng này”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI