Chiếc thuyền tải đạo

14/04/2017 - 15:26

PNO - Con người với trí cao tâm lớn ấy giản dị, thanh cao trong nếp sống an nhiên. Tâm từ bi, tinh thần và thái độ đầy trí - dũng ấy, lại là nơi quy hợp mọi lương tri, nơi kết đoàn những con người yêu nước, kính Đạo.

Đã nhiều lần viếng thăm Tịnh xá Ngọc Phương, lật tới lật lui những trang viết của Ni sư Huỳnh Liên, vị ni trưởng của hệ phái Khất sĩ Việt Nam, tôi cứ mãi băn khoăn tự hỏi: hạnh nguyện Bồ tát đã chọn ni sư là người kế tục hay chính đạo hạnh của một vị chân tu, trái tim thấm đẫm tình dân tộc của một con người nhập thế đã dẫn dắt ni sư 65 năm trụ thế với đầy đủ ý nghĩa nhân sinh cao cả? 

Chiec thuyen tai dao
Ni sư Huỳnh Liên phát biểu tại Hội nghị Thống nhất phụ nữ toàn quốc năm 1976 (ảnh tư liệu)

Và có lẽ, người con gái đất Mỹ Tho, lớn lên trong không khí của những tháng ngày sục sôi khởi nghĩa giành chính quyền, được truyền dạy những bài học vỡ lòng về cách mạng của người cậu ruột Lê Quý Đàm, một đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, đã hun đúc ý chí, tinh thần “hộ nước - cứu dân” sau này của Thích Nữ Huỳnh Liên. 

Ngày quyết định xuất gia theo Đức tôn sư Minh Đăng Quang, người khai sáng hệ phái Khất sĩ, vị tín nữ ấy đã mang theo hạnh nguyện “làm chiếc thuyền chở chuyên phái nữ”. Và ni sư đã cần mẫn, tận tụy làm người chèo lái ni chúng khất sĩ, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp thống nhất Phật giáo Việt Nam trong dòng chảy lịch sử giáo hội. 

Chiếc thuyền ấy, nhỏ bé, mỏng manh nhưng bền chặt, can trường, dũng mãnh, không từ nan, quyết dấn thân chốn thác ghềnh, hiểm nguy để tiến hành những phong trào “Xuống tóc vì hòa bình” (18/10/1970), biểu tình chống Mỹ và chính quyền tay sai (25/10/1970), biểu tình đòi thả tù nhân chính trị (1/1/1971), tổ chức họp báo “Nhân dân đòi cơm áo, Phật giáo đòi hòa bình”, “Nông dân đòi quyền sống”… (tháng 4/1971)… 

Đặc biệt, ngày 2/8/1971, Ni sư Huỳnh Liên đã tham gia thành lập và giữ vai trò cố vấn cho phong trào “Phụ nữ đòi quyền sống” được ra mắt tại chùa Ấn Quang, đặt trụ sở tại Tịnh xá Ngọc Phương.

Chiec thuyen tai dao
Phó bí thư Thành ủy Võ Thị Dung (thứ nhất, bên phải) dâng hương tại Tịnh xá Ngọc Phương

Cùng tham gia những ngày tranh đấu cho công lý, tự do ấy, Hòa thượng Thích Hiển Pháp đã ghi lại: “Ni sư Huỳnh Liên với lòng can đảm lạ thường, không sợ tất cả những sự đe dọa, bắt bớ hay giam cầm, vẫn theo tiếng gọi của những tấm lòng yêu nước, yêu công lý, dấn thân vào các hiểm nguy để đấu tranh cho lẽ phải”. 

Theo ký ức của linh mục Phan Khắc Từ, Tịnh xá Ngọc Phương những năm tháng khốc liệt, bị kẻ địch phong tỏa mấy tầng kẽm gai, Ni sư Huỳnh Liên đã phải cùng những đồng môn, đệ tử của mình mưu trí, dũng cảm vượt qua mọi tai mắt, kìm hãm, bắt bớ, đánh đập, xuống đường đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc và trường tồn đạo pháp. 

Con đường hành đạo ấy là sự noi theo các bậc chân tu, từ thuở nhà Lý, các thiền sư Vạn Hạnh, Khuông Việt đã dốc lòng phụng sự vua tôi, xem việc chính sự là đạo pháp cho đến đỉnh cao của lý tưởng nhập thế là Sơ tổ Trúc Lâm, Hương Vân Đại Đầu Đà, Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông.

Mang trong mình trái tim Phật nhưng khi giặc Nguyên Mông xâm lược, Ngài đã giã từ chốn rừng trúc, núi mây, để trở về triều chính, cùng quân dân nhà Trần đánh đuổi giặc thù. Như Ni trưởng Huỳnh Liên đã viết từ tâm can: “Nguy thời hộ nước cứu dân. An thời giũ áo am vân tu trì”. Tư tưởng và tâm ý ấy, Ni sư Huỳnh Liên đã quán trong suốt cuộc đời hành đạo của mình.

Khi đất nước thống nhất, Nam Bắc thu về một mối, ni sư lại trở về am vân, tiếp tục con đường tu tập, dịch thuật kinh tạng, diễn giải giáo luật, biên soạn giáo luận, với ý thức Việt hóa mọi hình thức truyền bá giáo pháp đến muôn người, như ni sư quan niệm: “Tu có học mới rạng ngời chánh pháp. Học có tu mới lợi đạo ích đời”. 

Chiec thuyen tai dao

Hòa Thượng Thích Trí Quảng đã ghi nhận trí tuệ sáng tạo của Ni sư Huỳnh Liên thông qua việc Ni trưởng hệ phái Khất sĩ tu hạnh đầu đà, chỉ lấy pháp khất thực làm chính lại chủ trương cho ni chúng học và sản xuất để có đời sống kinh tế tự túc, không phải lệ thuộc vào sự cúng dường của bá tánh. 

Hòa thượng viết: “Ý tưởng đào tạo và xây dựng người thừa kế có trình độ tri thức, có khả năng đảm đương Phật sự là một điều quý giá đáng trân trọng mà chúng ta tìm thấy được ở Ni sư Huỳnh Liên”. 

Con người với trí cao tâm lớn ấy lại giản dị, thanh cao trong nếp sống an nhiên. Tâm từ bi, tinh thần và thái độ đầy trí - dũng ấy, lại là nơi quy hợp mọi lương tri, nơi kết đoàn những con người yêu nước, kính Đạo. Điều này lý giải vì sao trong ký ức của các bậc cao tăng, linh mục… đều ngưỡng vọng, quý trọng Ni sư Thích Nữ Huỳnh Liên.

Hạnh nguyện của ni sư, ba mươi năm rồi, vẫn tràn ngập nhân thế. Từ tổ đình Ngọc Phương và hàng trăm tịnh xá, tịnh thất của hệ phái Khất sĩ, ni chúng và tăng già vẫn âm thầm, lặng lẽ tập tu, sống có ích cho đời, góp phần khẳng định đạo pháp trường tồn trong lòng dân tộc, vững bền cùng sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa ngày càng giàu đẹp, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc. 

Tô Thị Bích Châu
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.Hồ Chí Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI