Trường ĐH Sư phạm TP.HCM: Hai tiến sĩ phải sửa lại luận văn thạc sĩ

07/06/2017 - 10:46

PNO - Cả 5 “đương sự” trong vụ "chép nguyên văn" luận văn sau 7 năm giờ đã thành thạc sĩ, trong đó có hai vị đã thành tiến sĩ...

Chuyện đạo văn, sao chép gian lận trong các luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ và các đề tài khoa học đã được dư luận lên tiếng nhiều, nhưng “bắt tận tay, day tận mặt” thì chẳng dễ.

Từ đơn tố cáo và từ phản ảnh của báo Phụ nữ (xem bài Trường ĐH Sư phạm TPHCM: loạn đào tạo thạc sĩ vật lý nguyên tử), cách đây 6 tháng, Trường ĐH Sư phạm đã cho xác minh đối với 5 luận văn (LV) thạc sĩ chuyên ngành vật lý nguyên tử.

Kết quả vừa được công bố cho thấy cả 5 LV thạc sĩ của các ông Phạm Nguyễn Thành Vinh, Trịnh Hoài Vinh, Trương Trường Sơn (đều là GV khoa Vật lý Trường ĐH Sư phạm), Nguyễn Thanh Tuấn, Đỗ Thị Thanh Vượng, đã “trích nguyên văn” rất nhiều nội dung, thậm chí chép nguyên trang, nguyên mục từ nhiều sách và luận văn, luận án của nhiều người khác mà không trích dẫn và không liệt kê dẫn nguồn trích vào “danh mục tài liệu tham khảo” theo quy định.

Thậm chí, trong hai bản LV của ông Phạm Nguyễn Thành Vinh và Trịnh Hoài Vinh còn có những nội dung giống nhau mà không chú dẫn.

Truong DH Su pham TP.HCM: Hai tien si phai sua lai luan van thac si
Trường Đại học Sư phạm TP.HCM

Với LV của ông Phạm Nguyễn Thành Vinh, tổ xác minh xác định: “Việc trích dẫn nguyên văn mà không chú dẫn chi tiết là không phù hợp với quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ”. Còn Hội đồng thẩm định kết luận: “Việc trích dẫn tài liệu tham khảo còn nhiều sai sót, chưa theo chuẩn mực quốc tế”.

Trong khi đó, LV của ông Trương Trường Sơn thì: “Một số nội dung trong chương 1 và 2 có sự trùng lặp với một số công trình trước đây. Thiếu sự trích dẫn tài liệu tham khảo đầy đủ”.

Còn trường hợp của ông Trịnh Hoài Vinh: “Một số nội dung, bao gồm cả hình vẽ, bảng biểu, công thức có sự trùng lắp với luận án của một số tác giả khác. Thiếu sót trong trích dẫn tham khảo”.

Truong DH Su pham TP.HCM: Hai tien si phai sua lai luan van thac si
Nếu tính theo số trang thì mức độ sao “chép nguyên văn” trong LV của ông Phạm Nguyễn Thành Vinh khoảng 17%, LV của ông Trịnh Hoài Vinh vào khoảng 22%, của ông Trương Trường Sơn là 20%, của Nguyễn Thanh Tuấn khoảng 22%. Nhưng "đáng nể" nhất là LV của Đỗ Thị Thanh Vượng, khoảng 25%. Thậm chí có vị sao chép cả những chỗ sai mà không biết.

Việc “chép nguyên văn” mà không dẫn nguồn, không đưa nguồn trích vào danh mục tài liệu tham khảo là “không theo chuẩn mực quốc tế”, “không phù hợp với quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ”, chứng tỏ các tác giả này đã vi phạm “sao chép gian lận luận văn, luận án và công trình khoa học của người khác” được quy định tại khoản 7 điều 41 của Quy chế Đào tạo sau ĐH ban hành kèm theo quyết định 18/2000/QĐ-BGDĐT ngày 8/6/2000 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, vi phạm Luật sở hữu trí tuệ (khoản 2 điều 25), vi phạm quy định của pháp luật về trích dẫn trong Công ước Berne và nhiều quy định khác.

Thế nhưng, Trường ĐH Sư phạm lại xem những việc làm trên  là “không vi phạm quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ” và “không đủ căn cứ, cơ sở để kết luận việc trích dẫn của người bị tố cáo vi phạm Quy chế đào tạo sau ĐH”, để cuối cùng cho cả 5 “đương sự” được “chỉnh sửa lại những thiếu sót của LV ” sau 7 năm đã thành thạc sĩ, trong đó có hai vị đã thành tiến sĩ là các ông Phạm Nguyễn Thành Vinh, Trịnh Hoài Vinh.

Bản kết luận đầy mâu thuẫn

Dù hội đồng thẩm định đánh giá các LV là “thiếu liệt kê tài liệu trích dẫn vào danh mục tài liệu tham khảo"; “LV trích dẫn tài liệu tham khảo chưa cụ thể, rõ ràng theo chuẩn mực quốc tế”; “Việc trích nguyên văn mà không chú dẫn chi tiết là không phù hợp với quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ”, “chưa theo chuẩn mực quốc tế” hay “không phù hợp với quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ”... thực ra chỉ là cách nói rằng: đã vi phạm luật quốc tế, vi phạm luật sở hữu trí tuệ.

Thế nhưng ở nội dung kết luận thứ nhất, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm là PGS- TS Nguyễn Kim Hồng lại cho rằng “Người bị tố cáo không vi phạm quy định về sao chép các tác phẩm theo quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ”. Và ngay tiếp theo, nội dung kết luận thứ hai lại mâu thuẫn với nội dung thứ nhất khi cho rằng: “Trường không đủ thẩm quyền kết luận việc trích dẫn này là vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ hay không mà thẩm quyền thuộc về tòa án nhân dân”. Vừa khẳng định “không vi phạm” rồi lại nói là “không đủ thẩm quyền kết luận là có vi phạm hay không” thì là có hay không?

“Mọi ý kiến, khái niệm có ý nghĩa mang tính chất gợi ý không phải của riêng tác giả và mọi tham khảo khác phải được trích dẫn và chỉ rõ nguồn trong danh mục tài liệu tham khảo của LV. Phải nêu rõ cả việc sử dụng những đề xuất hoặc kết quả của đồng tác giả. Nếu sử dụng tài liệu của người khác và của đồng tác giả (bảng biểu, hình vẽ, công thức, đồ thị, phương trình, ý tưởng…) mà không chú dẫn tác giả và nguồn tài liệu thì LV không được duyệt bảo vệ.

Nếu không có điều kiện tiếp cận được một tài liệu gốc mà phải trích dẫn thông qua một tài liệu khác thì phải nêu rõ cách trích dẫn này.

Khi cần trích dẫn một đoạn ít hơn hai câu hoặc bốn dòng đánh máy thì có thể sử dụng dấu kép. Nếu cần trích dẫn dài hơn thì phải tách phần trích dẫn thành một đoạn riêng khỏi phần nội dung đang trình bày, với lề trái lùi vào thêm 2cm...”

(Trích Hướng dẫn về tổ chức và quản lý đào tạo sau ĐH được ban hành theo tại công văn 9787/SĐH ngày 24/10/2000 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT)

Minh Nhật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI