Trao quyền cho hiệu trưởng - nên hay không?

26/08/2017 - 08:23

PNO - Trong báo cáo xin thực hiện cơ chế đặc thù trong lĩnh vực GD-ĐT mới đây, ngành GD-ĐT TP.HCM có xin được giao quyền tự chủ về công tác nhân sự cho một số trường.

Nội dung kiến nghị này khá gần với ý tưởng “bỏ biên chế giáo viên” mà Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ từng đề cập hai tháng trước. 

Đây là một ý tưởng rất hay và nếu thực hiện tốt thì trong ngành GD-ĐT sẽ không còn những nhà giáo yếu kém. Phải dùng chữ “nhà giáo” vì hiện nay không chỉ có giáo viên (GV) yếu kém mà không ít hiệu trưởng cũng yếu kém cả về chuyên môn lẫn nhân cách; đặc biệt, những yếu kém của hiệu trưởng thường gây tổn hại cho ngành giáo dục lớn hơn.

Trao quyen cho hieu truong - nen hay khong?

Do vậy, khi trao quyền tự chủ về tổ chức nhân sự cho hiệu trưởng, thiết nghĩ phải có cơ chế buộc họ thực hiện nghiêm các cơ chế công khai minh bạch, dân chủ và đặc biệt là phải có cơ chế để chọn lựa được những người có tâm, có tầm, xứng đáng làm người đứng đầu các trường học. 

Thực tế thời gian qua cho thấy có nhiều hiệu trưởng không xứng đáng với cương vị của mình. Có vị nhậu nhẹt bê tha. Có vị ham mê cá cược, nợ nần, bỏ bê công việc. Có vị kiêm luôn nhân viên bán bảo hiểm và cho vay.

Nhiều vị tham lam, vơ vét cá nhân, hưởng thụ, bè phái gây mất đoàn kết nội bộ, yếu kém trong quản lý, thậm chí dựa vào những người thiếu tư cách để chống lại những GV tử tế... Đấy là họ đang được quản lý trực tiếp bởi Sở GD-ĐT và phòng GD-ĐT các quận, huyện. 

Những bê bối ấy các cấp quản lý có biết không? Xin khẳng định ngay là có! Có căn cứ để xử lý những trường hợp ấy không? Có rất nhiều! Nhưng, vì nhiều lý do nên những “nhà giáo” thiếu tư cách đạo đức và có nhiều sai phạm vẫn yên ổn, mặc cho hệ thống giáo dục quốc gia bị tổn hại nặng nề.

Năm thì mười họa, có vị bị xử lý, nhưng cũng hiếm khi bị mất chức (chứ đừng nói sa thải khỏi ngành) mà sẽ được chuyển sang trường khác tiếp tục làm lãnh đạo. Nặng lắm thì bị rút về phòng, về sở “an dưỡng” một thời gian rồi lại được bổ nhiệm.

Trong tình hình đó, nếu được trao “quyền sinh quyền sát” thì khả năng những GV tử tế, giỏi chuyên môn và dám có chính kiến trái với hiệu trưởng, sẽ bị loại thải hết. Hậu quả chưa biết sẽ như thế nào.

Vẫn biết trong thị trường lao động và ngay trong môi trường giáo dục, rất nhiều thầy cô giáo dạy theo chế độ hợp đồng lại có hiệu quả làm việc vượt trội so với thầy cô trong biên chế. Nhưng điều ấy không có nghĩa là cứ GV biên chế thì yếu kém.

Rất nhiều trường hợp GV yếu kém, an phận, chây ì… là do hiệu trưởng không gương mẫu. Một hiệu trưởng mắc sai phạm nghiêm trọng nếu được cấp trên bao che thì sau đó ông ta cũng không dám xử lý cấp dưới của mình. Ngược lại, một hiệu trưởng gương mẫu, nghiêm túc và tận tụy trong công việc hàng ngày chắc chắn sẽ là tấm gương cho GV noi theo. Cho nên, để cải thiện tình hình thì không chỉ xử lý GV mà còn phải xử lý cả lãnh đạo yếu kém.

Vậy thì, thay vì trao quyền tự chủ về tổ chức nhân sự với mong muốn nâng cao chất lượng và hiệu quả làm việc của đội ngũ thì trước tiên hãy nghĩ đến cơ chế chọn lựa hiệu trưởng sao cho xứng đáng và có cơ chế giám sát để họ làm tốt công việc của mình. 

Minh Nhật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI