Trường THPT Thủ Thiêm, Q.2, TP.HCM: Hiệu trưởng tự ý đem tài sản cho thuê

14/11/2016 - 06:55

PNO - Hiệu trưởng  nhà trường lẳng lặng ký hợp đồng giao hàng ngàn mét vuông đất, hội trường, nhà học cho đối tác bên ngoài khai thác kiếm lợi trong 25 năm mà cán bộ giáo viên không hề biết.

Đối tác của sở GD-ĐT, của ban giám đốc?

Khi biết được sự việc trên, GV Trường THPT Thủ Thiêm đã gây áp lực, ông Phạm Văn Nghĩa - HT nhà trường mới đưa ra hai bản HĐ “tư vấn xây dựng” và “quản lý, vận hành, kinh doanh khu thể thao và khu bán trú” ông đã ký với Công ty cổ phần Đầu tư giáo dục và hạ tầng Việt Nam và Công ty cổ phần Mugo (thực chất là Công ty cổ phần văn hóa Ngôi Nhà Xanh - Greenhouse, theo ông Nghĩa).

Theo hai HĐ này, hai bên bắt tay nhau thực hiện dự án kinh doanh “khép kín” từ giữ xe - căng tin - nhà ăn - khu bán trú - hồ bơi - sân thể thao để phục vụ học sinh (HS) và cả khách bên ngoài. Cụ thể: Greenhouse đầu tư xây dựng trong khuôn viên trường khu nhà bán trú 8x85m, ba tầng, 2.355m2 sàn; làm ba sân bóng đá mini trên diện tích gần 1.300m2 ; cải tạo các sân bóng chuyền, bóng rổ, hồ bơi, nhà thi đấu có sẵn để phục vụ HS và kinh doanh.

Theo ông Nghĩa, dự kiến tổng vốn đầu tư khoảng 20-23 tỷ đồng, hoàn toàn do đối tác bỏ ra. Đối tác được độc quyền kinh doanh ăn-ngủ bán trú đối với HS, khai thác kinh doanh tất cả các dịch vụ đối với HS lẫn khách bên ngoài. Trường hỗ trợ và tạo điều kiện để đối tác đảm bảo quyền sử dụng, khai thác trọn vẹn và hiệu quả trong 25 năm.

Ông Nghĩa cho rằng ý tưởng thực hiện dự án “khu bán trú - thể thao” dựa trên chủ trương xã hội hóa giáo dục của thành phố. Còn việc chọn Greenhouse mà không tổ chức đấu thầu là do đây là đối tác của Sở GD-ĐT TP.HCM. “Khi đơn vị này về trường thực hiện dự án “Thư viện điện tử và hiện đại hóa phòng học”, họ biết được ý tưởng của tôi nên hỗ trợ thực hiện. Họ bỏ tiền đầu tư hoàn toàn. Trường không phải bỏ ra đồng nào mà được thay da đổi thịt, được sự đồng bộ, được một bộ mặt mới. HS được hưởng lợi từ các các dịch vụ. Trường sẽ xây dựng được thương hiệu, sẽ giữ chân được HS giỏi, nhiều đại gia sẽ đưa con đến học… Cái đó mới lợi gấp triệu lần. Cái đó mới vĩ đại”.

Truong THPT Thu Thiem, Q.2, TP.HCM: Hieu truong tu y dem tai san cho thue
Khu căng tin mới rộng 300m2 mọc lên trên sân thể dục của học sinh

Chạy theo cái “vĩ đại”, ông Nghĩa bất chấp, không bàn bạc nội dung, phương thức và kế hoạch thực hiện dự án với bất kỳ ai trong trường. Ông Nghĩa cho biết: “Hồ sơ thủ tục tôi giao hết cho đối tác là Greenhouse thực hiện. Đến đâu rồi tôi không biết, nhưng hiện nay thủ tục đang bị khựng lại. Hai bên đã thỏa thuận sẽ xé HĐ đã ký thành nhiều HĐ nhỏ”.

Đáng nói, trong khi dự án còn chưa được các cấp thẩm quyền cấp phép thì hè vừa qua, ông Nghĩa cho phép đối tác xây dựng khu căng tin rộng 300m2 trên sân học thể dục của HS. Vào đầu năm học 2016-2017, ông Nghĩa lại “biếu không” hội trường và một phần khu nhà học công nghệ với tổng cộng 1.200m2 để đối tác kinh doanh bán trú, hiện có khoảng 400 HS.

Chưa hết, ông Nghĩa còn giao cho Greenhouse triển khai dự án “Thư viện điện tử và hiện đại hóa phòng học” trị giá 10 tỷ đồng dự định vay từ nguồn vốn kích cầu. Do không có sự bàn bạc với hội đồng nhà trường và hội phụ huynh HS nên dự án này buộc phải hủy bỏ, khi nhiều hạng mục như cáp internet, hệ thống điện, dây camera đến các lớp học, sơn mới bàn ghế và gắn rèm che nắng cho toàn bộ các lớp học… đã được thi công.

Về việc những hạng mục đã làm có được đối tác báo giá, ông Nghĩa trả lời: “Sẽ được tính khi hoàn tất. Tất cả các chứng từ vẫn còn đó chứ đi đâu mà sợ”. Chúng tôi chất vấn, liệu sau này đối tác có tính giá quá cao? Ông Nghĩa nói: “Phải căn cứ vào hóa đơn chứng từ ở thời điểm đầu tư xây dựng. Cái nữa, họ là đối tác của Sở, của Ban giám đốc”.

Tự ý đem cho thuê không qua đấu thầu

Bản chất của dự án mà Trường THPT Thủ Thiêm và đối tác đang thực hiện là HĐ cho thuê tài sản. Cụ thể, Trường THPT Thủ Thiêm đã cho Greenhouse thuê đất và các công trình như hồ bơi, sân tập, nhà thi đấu để đầu tư kinh doanh, hằng tháng trả cho trường một khoản tiền.

Trong trường hợp này, lẽ ra trường phải báo cáo xin chủ trương của Sở GD-ĐT, đồng thời phải tuân thủ các quy định về sử dụng tài sản nhà nước vào mục đích sản xuất kinh doanh, dị ch vụ , cho thuê, liên doanh liên kết theo quy định tại văn bản số 5704/STC-CS ngày 26/6/2013 của Sở Tài chính TP.HCM.

Theo đó, “việc sử dụng tài sản nhà nước vào mục đích như vừa nêu phải “được cấp thẩm quyền là chủ tịch UBND thành phố quyết định”. Khi liên doanh, liên kết phải thực hiện nhiều hình thức công khai như thông báo tại các cuộc họp thường niên của đơn vị , niêm yết thông báo tại trụ sở làm việc của đơn vị , thông báo bằng văn bản đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị , cá nhân có liên quan, đưa lên trang thông tin điện tử của đơn vị và thông báo trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Tuy nhiên, Trường THPT Thủ Thiêm đã bỏ qua những quy định này. Ông Nghĩa thừa nhận ông đã không mời thầu và cũng không thông báo, bàn bạc những nội dung của bản HĐ với nội bộ nhà trường.

Liệu rằng những điều khoản mà ông đã ký sẽ chỉ vì quyền lợi của nhà đầu tư? Ví dụ, với khâu căng tin (gồm cả phục vụ bữa ăn bán trú) cho trước mắt là hơn 1.400 HS nhưng mỗi năm trường chỉ được trích lại 200 triệu đồng. Trong khi tại một trường THCS ở Q.9, có 1.700 HS, chỉ riêng căng tin (tách riêng với bếp ăn bán trú) giá thầu đã thu được 628 triệu đồng/năm, cao gấp ba lần.

Càng vô lý khi trường đem giao cho đối tác 1.200m2 hội trường và khu nhà học công nghệ để kinh doanh thu tiền trong suốt một năm mà không thu được đồng nào. Các hạng mục khác cũng cho thuê với giá bọt bèo. Ông Nghĩa thừa nhận: “Về chi tiết của bản HĐ, tôi có chủ quan khi không bàn bạc với nhà trường. Thế nhưng tôi không đặt nặng tiền nong trước mắt mà nhìn thấy cái được lâu dài”. Ông cũng kêu là ông đang rất “xấu hổ” khi phải “đòi bạc cắc” với đối tác sau khi GV kiện cáo.

Ông Phạm Văn Nghĩa sẽ phải giải trình vụ việc như thế nào với lãnh đạo các cấp về những việc làm sai của mình?

Minh Nhật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI