Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm TP.HCM - PGS-TS Nguyễn Kim Hồng: Kiên quyết xử lý tình trạng "đạo văn"

07/11/2016 - 07:30

PNO - Sau bài viết “Trường ĐH Sư phạm TP.HCM: Loạn đào tạo thạc sĩ vật lý nguyên tử”, nhận được sự quan tâm của dư luận. Để làm rõ vấn đề, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGSTS Nguyễn Kim Hồng - Hiệu trưởng Trường.

* Thưa PGS-TS, về chuyện đạo văn, sao chép gian lận trong các luận văn (LV) thạc sĩ, đơn thư đã được Thanh tra Bộ GD-ĐT chuyển về trường để giải quyết. Xin hỏi, trường sẽ làm sáng tỏ sự việc thế nào?

- PGS-TS Nguyễn Kim Hồng: Sau khi nhận được đơn tố cáo về tình trạng “đạo văn, sao chép gian lận” trong một số LV, trường đã có buổi làm việc với các hội đồng chấm những LV đó . Trước đó, chúng tôi cũng đã mời người tố cáo đến để xác định những nội dung tố cáo nào sẽ được giải quyết. Việc tiếp theo là lập các tổ công tác để xác minh, giải quyết tố cáo đối với từng LV của từng học viên (HV) đã được các hội đồng đánh giá LV thông qua và được trường cấp bằng thạc sĩ . Xin khẳng định là trường sẽ làm nghiêm túc.

Để có cơ sở giải quyết, chúng tôi sẽ phải thành lập một (hoặc nhiều hơn) hội đồng thẩm định để đánh giá lại các LV bị tố cáo. Kết luận của hội đồng là cơ sở để trường ra các quyết định xử lý tiếp theo. Vụ việc khá phức tạp nên cần có thời gian. Khi có kết luận thanh tra, chúng tôi sẽ thông báo cho người tố cáo và thông tin chính thức trước công luận.

Đạo văn, sao chép không trích dẫn là điều cấm trong nghiên cứu khoa học cũng như trong cuộc sống. Nó không chỉ là hành vi vi phạm đạo đức mà còn vi phạm pháp luật. Tôi nghĩ , không nhà giáo, nhà nghiên cứu nào chấp nhận chuyện sao chép, đạo văn trong nghiên cứu khoa học.

Hieu truong truong DH Su pham TP.HCM - PGS-TS Nguyen Kim Hong: Kien quyet xu ly tinh trang
PGS-TS Nguyễn Kim Hồng

* Về mức độ “sao chép, đạo văn” trong các LV thạc sĩ thì còn phải chờ kết luận của các hội đồng chuyên môn, nhưng là hiệu trưởng, ông nghĩ gì về trách nhiệm của mình?

- Hội đồng chấm là người chịu trách nhiệm cao nhất trong việc chấm khóa luận, LV, luận án, vì đây là công việc chuyên môn, đòi hỏi sự hiểu biết trong từng lĩnh vực nghiên cứu riêng biệt. Thật ra, trong tất cả các giáo trình giảng dạy về nghiên cứu khoa học, cách viết khóa luận, LV, luận án, các giảng viên đều hướng dẫn sinh viên (SV) cách trích dẫn, tôn trọng và thực hiện trách nhiệm trong trích dẫn, không vi phạm bản quyền…

Tuy nhiên, cần phải có những giải pháp kỹ thuật nhằm ngăn ngừa tình trạng “đạo văn”. Hiện trường đã cài đặt một phần mềm phát hiện “đạo văn” và chỉ đạo Phòng Sau đại học, Phòng Đào tạo và Phòng Khoa học công nghệ- Tạp chí khoa học-môi trường thông tin tới HV việc trường đang sử dụng phần mềm phát hiện “đạo văn”, đồng thời chủ động giáo dục SV kiên quyết nói không với nạn đạo văn, sao chép không trích dẫn. Khi phát hiện có SV, HV cao học và nghiên cứu sinh đạo văn, trường sẽ cương quyết từ chối chấm các khóa luận, LV, luận án vi phạm.

* Về nguyên tắc, mỗi đề tài LV thạ  sĩ đều được thẩm định về chất lượng cũng như có đúng chuyên ngành đào tạo trước khi thực hiện hay không; việc đánh giá LV khi hoàn thành cũng rất khắt khe; nhưng vì sao vẫn có tình trạng đề tài, LV không đạt yêu cầu vẫn lọt lưới?

- Sự việc báo Phụ Nữ nêu còn trong quá trình xác minh nên chưa thể kết luận là “vẫn còn tình trạng LV không đạt yêu cầu mà vẫn lọt lưới”. Tôi cũng như nhiều hiệu trưởng trường ĐH khác chỉ tinh thông một hoặc một vài lĩnh vực trong chuyên ngành của mình, nên phải dựa vào các quy định quản lý hoạt động đào tạo của Bộ GD- ĐT.

Theo quy định về hoạt động của hội đồng thì trách nhiệm đào tạo thạc sĩ , tiến sĩ là của các nhà chuyên môn có trình độ tiến sĩ , tiến sĩ khoa học trong các tổ bộ môn có đào tạo thạc sĩ , tiến sĩ . Họ là những người duyệt đề tài nghiên cứu của SV, HV cao học và nghiên cứu sinh, chịu trách về mặt chuyên môn. Phòng Sau ĐH chỉ thực hiện việc quản lý nhà nước về đào tạo, trong đó có việc ra quyết định giao người hướng dẫn, quyết định thành lập Hội đồng đánh giá (chấm) LV thạc sĩ , tiến sĩ , tiến hành giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc tổ chức đào tạo thạc sĩ , tiến sĩ ...

Nếu có chuyện “lọt lưới” như báo nêu thì vấn đề trước hết là ở đội ngũ thầy cô hướng dẫn, hội đồng chấm LV, luận án và bản thân HV cao học, nghiên cứu sinh. Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng SV, HV cao học và nghiên cứu sinh phải là người đảm bảo chất lượng các nghiên cứu của mình. Nếu họ có tinh thần học thuật, trung thực trong nghiên cứu thì sẽ không có hiện tượng như vậy.

Trong trang bìa, tác giả các LV, luận án đều phải cam kết không sao chép của người khác, tác phẩm là của chính mình. Ngoài ra, cũng cần phải có những công cụ như phần mềm kiểm tra, phát hiện “đạo văn” và vi phạm bản quyền để hỗ trợ hội đồng đánh giá nhằm phát hiện những hành vi “đạo văn”.

* Sắp tới, ông sẽ làm gì để có thể giải quyết dứt điểm tình trạng này?

- Trường đã triển khai phần mềm chống đạo văn (do Vụ Đại học, Bộ GD- ĐT cài đặt) trên thư viện của trường để SV, HV cao học, nghiên cứu sinh và các phòng ban liên quan kiểm tra trước khi nộp LV, luận án cho Hội đồng chấm. Chúng tôi cũng sẽ gặp gỡ các thầy cô dạy môn phương pháp nghiên cứu để yêu cầu nhấn mạnh với SV, HV cao học, nghiên cứu sinh việc phải thực hiện đúng những quy định về trích dẫn tài liệu trong khóa luận, LV, luận án. Cương quyết xử lý tình trạng sao chép, đạo văn, vi phạm luật sở hữu trí tuệ đối với những người vi phạm.

* Xin cảm ơn ông.

Báo Phụ Nữ cũng đã đặt ra một số câu hỏi đối với Phòng Sau ĐH của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM về quy trình thẩm định, đánh giá đề tài; lý do tồn tại của tình trạng đạo văn; trách nhiệm của Phòng Sau ĐH; những việc phải làm trong thời gian tới để công tác đào tạo thạc sĩ được nghiêm túc và thực chất? Sau đây là phần trả lời chung mà chúng tôi nhận được:

Trong công tác đào  tạo, đặc biệt là đào tạo bậc cao, cũng như trong hoạt động nghiên cứu khoa học, yêu cầu về tính trung thực đối với người học, người làm khoa học luôn được đề cao, quán triệt. Quy chế đào tạo và quy định của Trường ĐH Sư phạm được phổ biến tới HV, giảng viên, người hướng dẫn khoa học, tổ bộ môn, các khoa đào tạo… và luôn được giám sát, kiểm tra, yêu cầu thực hiện đúng.

Đào tạo, nghiên cứu ở bậc sau ĐH là gắn với chuyên môn hẹp. Trong hoạt động này, đặc biệt là trong hoạt động viết, bảo vệ LV, luận án của HV, vai trò quan trọng thuộc về tổ bộ môn, khoa chuyên môn, các nhà khoa học chuyên sâu đúng hoặc phù hợp chuyên ngành. Vì vậy, việc lựa chọn, phân công người hướng dẫn khoa học, tham gia hội đồng chấm LV… được các khoa đào tạo, bộ môn cân nhắc rất thận trọng, tuân thủ chặt chẽ các quy định của quy chế .

Trước phản ánh có dấu hiệu “đạo văn” trong một vài LV chuyên ngành vật lý nguyên tử , trường đã lập tức tổ chức kiểm tra. Dù còn phải chờ ý kiến của các nhà chuyên môn, nhưng qua sự việc trên, chắc chắn trường sẽ tổ chức rút kinh nghiệm với toàn bộ các khâu, các cá nhân ở các chức danh nhiệm vụ liên quan, giám sát chặt chẽ hơn nữa và có những biện pháp hữu hiệu hơn. (Phòng Sau ĐH - Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

Minh Nhật (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI