Thầy Văn Như Cương - 'Tài sản ký ức' của nhiều thế hệ

11/10/2017 - 06:49

PNO - Sự ra đi của thầy Cương là một cái chết “chen ngang”, như là thầy không định đi và chẳng chuẩn bị gì. Mặc dù vậy, tôi có niềm tin riêng rằng thầy không có gì ân hận hay phải tiếc nuối với hành trình của mình nữa.

Phó giáo sư Văn Như Cương là người Nghệ An, không phải người Hà Nội. Thế nhưng, ngoài những thế hệ học trò ở Hà Nội của thầy, có thể là cha mẹ học sinh hay giới trí thức sống cùng thời với ông ở Hà Nội luôn có cảm giác ông như là “tài sản ký ức” của họ.

Thay Van Nhu Cuong - 'Tai san ky uc' cua nhieu the he

Cũng có thể vì thầy Cương với khí chất “đồ Nghệ” vừa ngang tàng, “trọng nghĩa khinh quyền”, lại vừa hóm hỉnh, sâu sắc và luôn mực thước với bạn bè, đồng nghiệp nên ông  sống trong những giai thoại về đời sống giáo viên từ thời bao cấp cho đến tận thời mở cửa và thời phá sập cả hàng rào để nộp đơn xin học cho con như hiện nay.

Phó giáo sư toán học làm nghề sư phạm và kiên trì như thầy Cương không nhiều, đúng ra là vô cùng hiếm! Có vẻ như thầy Cương có gì đó “ngông ngông, sai sai”, không đúng “quy trình” khi tồn tại với danh vị phó giáo sư - tiến sĩ, mà cả đời người chỉ để loanh quanh gõ đầu trẻ; nói đúng ra, chẳng ai  ôm cái danh vị giáo sư chỉ để làm một anh hiệu trưởng trường cấp III!

Thời buổi này, vào được cơ quan nhà nước hôm trước, hôm sau nhớn nhác tìm cách phối kết hợp một chân leo ghế, một chân chạy bằng… Phó giáo sư toán học có thực chất, được kính nể như thầy Cương lại lao vào việc cải tạo giáo dục, tự xây dựng cho mình một ngôi trường, một mô hình giáo dục tư nhân với hoài bão, sức ép và sự cô lập vô hình của cả ngành giáo dục.

Người ta thấy có gì đó “bất bình thường” về một ngôi trường dân lập suốt bao năm tỷ lệ tốt nghiệp trung học và đỗ đại học cao nhất nhì cả nước… Cũng có điều gì đó ấm ách trong lòng khi nghe nhắc đến trường Lương Thế Vinh là của thầy Cương. “Lương Thế Vinh của thầy Cương” chứ không phải của phòng, của sở, của bộ…

Thầy Cương năm nay 80 tuổi.

Học sinh Lương Thế Vinh được thầy Cương cho phép sử dụng mạng xã hội theo những quy định của trường. Trang facebook (FB) của thầy luôn hấp dẫn khiến cho mọi người yêu thầy, hiểu thầy và thấy gần gũi với thầy hơn bao giờ hết.

Tôi nhớ, mình đã khóc lặng đi khi thấy thầy post lên FB bức ảnh thầy cúi xuống cài những chiếc khuy bấm bên hông áo dài cho vợ trước khi cùng nhau đến trường dự lễ khai giảng năm học.

Tôi nhớ, mình đã gọi các con trai vào cùng xem tấm ảnh thầy nhảy lên với chùm hoa phượng đỏ rực rỡ, với lời chào và dặn dò các học sinh khi vào hè.

Tôi nhớ, mình đã phì cười khi đọc những dòng chia sẻ thầy viết trên giường trước khi gây mê phẫu thuật khối u…

Tôi nhớ, mình đã từng thích thú share cho mọi người bức ảnh gần đây nhất, thầy mặc nguyên cả bộ đồ rằn ri của lính đặc công….

Status cuối cùng thầy để lại trên FB là một bài hóm hỉnh về nạn thuốc giả “xếp hàng chờ chết”. Nghịch cảnh là tiêm thuốc cho tử tù thì lại béo phây phây mà bệnh nhân ung thư thì lại đang được giả vờ cứu…

Thầy Cương có phải là nguời đang phải xếp hàng chờ chết như thầy kể không? Không, tôi nghĩ là ngay cả việc thầy bị ung thư, ngay cả việc thầy đã 80 tuổi và ngay cả việc thầy không cưỡng lại được những sắp đặt của số phận, thì thầy cũng không tự đưa mình vào diện phải xếp hàng. Với tôi, sự ra đi của thầy Cương là một cái chết “chen ngang”, như là thầy không định đi và chẳng chuẩn bị gì. Mặc dù vậy, tôi có niềm tin riêng rằng thầy không có gì ân hận hay phải tiếc nuối với hành trình của mình nữa.

Đời tiếc thầy, mọi người tiếc thầy như vậy, đủ hiểu nhân cách thầy đẹp đến thế nào.

Có người bạn thân vừa hỏi tôi, thầy Cương đi rồi, chị có kỷ niệm gì đáng nhớ với thầy không?

Tôi không phải học sinh của thầy, tôi cũng không phải phụ huynh học sinh của thầy, không phải đồng nghiệp, không nghiên cứu toán học, cũng không phải là nhà cải cách giáo dục… Nói chung, ngoài là một "người bạn" trên FB, trong đời tôi chỉ có duy nhất một lần may mắn cùng ngồi nghe thầy Cương  nói chuyện về việc giáo dục “ngoài kiến thức” trong nhà trường.

Câu chuyện thế này: “Học sinh của tôi xích mích ngầm với nhau. Lâu ngày đến mức nặng nề. Chúng đã lên kế hoạch nhất định sẽ có một lần sau giờ học ra đầu cầu đánh nhau. Thậm chí còn lôi kéo bạn bè, xã hội đen bên ngoài đến để thanh trừng nhau. Lớp trưởng theo dõi, thông báo cho tôi, tôi phải làm gì?

Lôi công an, bảo vệ hay trật tự đến tận nơi rình để bắt chúng nó lần này, ngăn không cho chúng nó đánh nhau thì chúng nó lại hẹn nhau lần khác, ở chỗ khác. Mâu thuẫn không giải quyết được, mà mình lại bị tuột khỏi tầm kiểm soát.

Báo cho cha mẹ chúng biết thì người nào cũng không tin con mình có máu bạo lực và luôn cho rằng con mình là nạn nhân. Có ngăn cản được thì mâu thuẫn cũng không giải quyết được. Mang việc này ra trước lớp để phân giải và chỉnh đốn thì chúng nó mất thể diện với bạn bè, càng hận thù nhau sâu sắc và còn trả thù cán bộ lớp vì tội “tâu hót”… Mà tôi cũng không thể làm thế được. Làm thế khác nào mình cổ xúy cho thứ văn hóa rình rập, tố cáo, chỉ điểm…

Cuối cùng, tôi phải gặp riêng lớp trưởng, cảm ơn em và tìm hiểu mọi chuyện tỉ mỉ rồi lân la gặp từng em kia để hỏi han, chia sẻ, ve vuốt. Bọn trẻ bây giờ bảo vệ quan điểm của mình ghê lắm, nó chống lại sự giáo điều và đạo đức giả, lý thuyết. Nhiều khi nó tạm gác lại mâu thuẫn vì nể thầy, vì sợ bị kỷ luật hay đuổi học; nhưng sự hiểu lầm, ghét bỏ nhau thì không vì thế mà mất đi.

Chỉ ngăn cản một vụ đánh nhau trong trường mà tôi mất cả mấy tháng trời mới yên được chuyện đấy!".

Nghĩ đến thầy, tôi chợt nghĩ đến hai câu châm ngôn về hoa hồng: “Bàn tay đem tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất mùi thơm”. Nhưng quả thực, điều đó thì có nghĩa lý gì với “những kẻ nhìn vào hoa hồng chỉ nhìn thấy gai”.

Thầy Cương chắc chắn biết thừa điều đó nhưng thầy vẫn cứ kiên trì mang hoa đi tặng cho đến tận lúc này. Vâng, lúc này trong tôi vẫn còn thoang thoảng hương thơm của bông hoa hồng mà thầy tặng cho tôi qua câu chuyện thầy kể… 

Phan Huyền Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI