Tại sao chúng ta không sẵn sàng PR cho 'sự chính trực và lòng dũng cảm'?

10/04/2018 - 11:21

PNO - Sao chúng ta không sẵn sàng PR cho “sự chính trực và lòng dũng cảm” để nó được lan tỏa rộng và mạnh trong các ngôi trường nói riêng và xã hội nói chung, thay vì để nó bị thất bại như tại Trường THPT Long Thới kia.

Câu chuyện nữ sinh Phạm Song Toàn, lớp 11A1 Trường THPT Long Thới phản ánh cô giáo dạy toán không giảng bài khiến dư luận cảm thấy đau, thấy buồn cuối cùng cũng có một kết thúc có hậu.

Em Toàn nhập học vào một trường tư thục tại TP.HCM, được nhà trường trao học bổng trị giá 300 triệu đồng cùng bữa ăn bán trú, xe buýt đưa đón. Nhưng giá trị tinh thần còn lớn hơn: lãnh đạo nhà trường khẳng định trao học bổng cho em vì “sự chính trực và lòng dũng cảm”.

Tai sao chung ta khong san sang PR cho 'su chinh truc va long dung cam'?
 

Trường tôn vinh em Toàn – là một cá nhân; nhưng trường tôn vinh “sự chính trực và lòng dũng cảm” – thì cả một giá trị. Đây là thứ giá trị mỗi con người chúng ta nếu chọn con đường làm người đàng hoàng và sống đúng đắn, có khi phải mất cả đời, hoặc phải trả giá không ít.

Ngôi trường cũ nơi em Toàn từng theo học, đúng ra phải là nơi nuôi dưỡng và vun đắp cho em Toàn và các học sinh “sự chính trực và lòng dũng cảm”, thì ngược lại đã khiến cho “sự chính trực và lòng dũng cảm” đó phải ra đi.

Cái đau của chúng ta chính là ở đây: trường công được đầu tư bao nhiêu để trả lương cho giáo viên và để xây dựng, trang bị phòng ốc, thiết bị dạy và học, v.v… nhưng môi trường giáo dục lại tệ hại. Trong khi trường tư không phải là nơi có công dạy dỗ, vun đắp cho những học sinh có tư cách khẳng khái và muốn cải thiện chất lượng dạy và học tốt hơn như em Toàn, thì lại “hứng” được “quý nhân”. Là bởi, lãnh đạo trường cho rằng, em Toàn với “sự chính trực và lòng dũng cảm” phù hợp với một trong các giá trị mà nhà trường lâu nay theo đuổi.

Trường tư thì theo đuổi, tôn vinh, còn trường công thì đẩy “sự chính trực và lòng dũng cảm” ra đi. Đó là nỗi đau, là một thất bại lớn của ngành giáo dục công lập.

Sẽ có ý kiến cho rằng ngôi trường tư thục kia rất nhạy bén và nhanh nhảu chớp thời cơ đón em Toàn về học có tác dụng rất lớn trong việc PR cho trường. Nhưng suy cho cùng trong trường hợp này, PR thì đã sao. Và tại sao chúng ta không sẵn sàng PR cho “sự chính trực và lòng dũng cảm” để nó được lan tỏa rộng và mạnh trong các ngôi trường nói riêng và xã hội nói chung, thay vì để nó bị thất bại như tại Trường THPT Long Thới kia.

Trường PR cho trường, nhưng đồng thời cũng PR cho cái tốt, cho điều đúng đắn và cũng để giúp chúng ta không phải thất vọng, đau đớn thêm nữa vì trong nền giáo dục phổ thông vẫn còn có những nơi biết giữ, ươm mầm và vun đắp cho những học sinh có “sự chính trực và lòng dũng cảm” như em Toàn.

Những nền giáo dục ngay tại các quốc gia phát triển tiên tiến nhất chính là một thị trường có giá trị nhiều ngàn tỉ đôla và cũng là ngành kinh doanh hái ra không ít lợi nhuận. Nhưng nó sẽ luôn luôn đồng hành với sứ mệnh vun đắp, bảo vệ những giá trị tốt đẹp nhất cho con người từ khi còn trẻ, còn nhỏ, trong đó có lòng trung thực, sự chính trực và lòng dũng cảm…

Chính vì thế, với những giá trị về giáo dục càng không thể phân biệt trường công hay trường tư, mà thậm chí nên đặt câu hỏi ngược lại. Vì sao trường tư biết trân trọng giá trị chính trực, dũng cảm, còn trường công thì để nó ra đi…

Ai phải trả lời câu hỏi này nếu không phải là ngành giáo dục?

Diệu Tiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI