Sự chuyên nghiệp và trái tim người thầy

30/01/2018 - 13:32

PNO - Có thể học cách ứng xử chuyên nghiệp, nhưng cách ứng xử đầy tình yêu thương của người thầy với học trò thì không sách hay chương trình nào dạy được, bởi điều đó xuất phát từ cái nền văn hóa gia đình, từ tấm lòng với trẻ.

Chiều tối qua, khi được cô em chồng vạch cho xem những vết roi hằn trên mông cu Tâm, ngực tôi đau nhói. Bốn vết roi dài, đỏ lựng, chạy dài từ mông xuống đùi. Tâm mếu máo: “Mợ ơi, cô K. dội nước, đánh con, cô chửi con là thằng hư, còn bóp cổ…”.

Su chuyen nghiep va trai tim nguoi thay
 

Nghe con nói những lời này, cô em chồng tôi sững sờ. Tâm chỉ là một đứa trẻ bảy tuổi, mới dứt bệnh cảm, bị chột bụng là chuyện rất bình thường. Sao lại bắt trẻ cởi hết áo quần, đi dội nước, vừa đánh, vừa chửi, làm nó hoảng loạn? 

Câu chuyện của cháu khiến tôi nhớ một chia sẻ mới đây của facebooker Quynh N T Nguyen từ Úc trên trang cá nhân của chị: “Chuyện ị đùn ở lứa tuổi nhà trẻ và mẫu giáo là bình thường. Các cô xử lý nhanh chóng và gọn lẹ. Với trẻ tiểu học, việc này thật khó xử. Mình chứng kiến ở trường học Việt Nam một bé gái lớp Ba ị đùn vì sợ... đi toilet ở trường. Cô giáo cách ly cả lớp với bạn ấy. Để bạn ấy ngồi tại chỗ, gọi cha mẹ tới chở về. Sự việc ấy sau đó còn được nhắc, bé đó xấu hổ mãi… 

Ở Úc, con gái mình chứng kiến hai lần, cả trường cũ lẫn trường mới, cách giáo viên xử lý tình huống khó xử này. Và cách họ xử lý rất giống nhau, chắc là do được đào tạo như nhau...

Hôm thứ Hai vừa rồi có một bạn ị đùn trong góc lớp. Cô Jess nhanh chóng thông báo tình hình cho cô Lindal ở lớp bên cạnh. Trong khi cô Jess hốt “kết quả không mong muốn ấy”, cô Lindal cho các bạn xếp hàng trong lớp. Sau đó, cô Jess cho từng bạn trật tự theo hàng vào nhà vệ sinh để kiểm tra. 

Cô đã chuẩn bị sẵn hai bộ đồng phục nam và nữ đứng đợi ở nhà vệ sinh. Cả lớp ai cũng phải vào kiểm tra rồi đi ra. Mình hỏi con gái là cuối cùng cả lớp biết ai là người ị đùn không. Con bảo là không. Có ai đoán gì ai không? Cũng không!

Ai cũng bị kiểm tra, nam đã có đồ nam thay, nữ cũng thế. Nên chả ai bị nghi ngờ gì. Các cô chắc cũng bực mình chứ, nhưng họ vẫn cẩn trọng, xử lý cẩn thận để không làm trẻ xấu hổ. Đó là sự chuyên nghiệp và bài học về sự tôn trọng và bảo vệ lòng tự trọng của con người”.

Su chuyen nghiep va trai tim nguoi thay
 

Cũng trên trang Facebook của chị, tôi đọc được đoạn comment sau: “À, ra thế. Con mình từng rơi vào tình huống này. Tuy cô giáo không xử lý chuyên nghiệp như ở Úc nhưng đã làm mọi chuyện êm đẹp, vô cùng dễ thương. Buổi chiều con về, mặc đồ ngủ, ngỏn ngoẻn kể với mẹ: “Trưa con lỡ ị đùn, cô Thủy nói, mai mốt đừng vậy nữa. Cô giữ bí mật cho con, không bạn nào biết hết”.

Con trai biết con có lỗi để cô vất vả nên cũng rất nhớ thương cô dù qua biết bao năm rồi. Có thể học cách ứng xử chuyên nghiệp, nhưng cách ứng xử đầy tình yêu thương của người thầy với học trò thì không sách nào hay chương trình nào dạy được, bởi điều đó xuất phát từ cái nền văn hóa gia đình, từ tấm lòng với trẻ...”.

Tôi không dám mơ cháu mình được ứng xử chuyên nghiệp như ở Úc. Nhưng tôi mong mỗi nhà giáo đều thật sự có ý thức thượng tôn lòng tự trọng của con người, đừng buông những lời lẽ xúc phạm hay có những hành vi làm mất danh dự của học trò. 

Lê Thị Thương (Q. Thủ Đức, TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI