PGS. Vũ Quang Hiển: Giáo dục lịch sử không phải để tạo ra con vẹt

04/07/2016 - 10:26

PNO - Liên quan đến cách dạy và học Lịch sử thế nào trong chương trình giáo dục nói chung. PV Báo Phụ nữ TP HCM đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Vũ Quang Hiển về vấn đề này.

Khác với những môn thi trước đó, sáng nay 4/5, đúng 7h, các thí sinh trong Kỳ thi THPT quốc gia 2016 đã có mặt tại phòng thi để hoàn thành môn thi Lịch sử của mình. Môn thi này với hình thức tự luận, thời gian 180 phút.

Theo ghi nhận của phóng viên Phụ nữ TP.HCM, tác các điểm thi, số thí sinh tham gia thi môn cuối cùng lác đác một vào người.

Theo thống kê được biết, Lịch sử có số lượng thí sinh đăng ký dự thi thấp nhất trong 5 môn thi tự chọn. Nhiều điểm thi không có thí sinh. 

PGS. Vu Quang Hien: Giao duc lich su khong phai de tao ra con vet
Tại điểm thi Trường Nguyễn Tất Thành lúc 6h40 (Cầu Giấy, Hà Nội) thưa thớt thí sinh.

Rõ ràng có thể nhận thấy, mấy năm gần đây môn Lịch sử luôn bị thí sinh quên lãng. Năm 2015, sóng gió dư luận cũng như Hội khoa học Lịch sử đã đấu tranh và giữ bằng được Môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông. Tuy nhiên sóng gió dư luận xảy ra cũng như việc học sinh chán học môn Lịch sử cũng xuất phát từ nhiều nguyên nhân.

Bài toán đặt ra là sau khi lấy lại được vị thế môn Lịch sử thì chúng ta sẽ phải làm gì để thay đổi nhận thức về môn Sử. 

Những khó khăn mà môn Sử đang gặp phải

Báo Phụ nữ TP HCM đã có cuộc trò chuyện trước đó với PGS.TS Vũ Quang Hiển (Khoa Lịch sử, trường Đại học KHXH & NV, Đại học Quốc gia Hà Nội) về vấn đề học và dạy lịch sử như thế nào?

PGS Vũ Quang Hiển phân tích những khó khăn mà môn Lịch sử đang gặp phải gồm hệ thống chương trình sách giáo khoa bộc lộ một số mặt chưa phù hợp và phương pháp giảng dạy của các giáo viên dù đã cố gắng nhưng chưa thực sự hiệu quả.

Theo đó, PGS cho biết chương trình sách giáo khoa Lịch sử hiện nay được xây dựng từ lâu và có nguồn gốc ngay từ thời còn chiến tranh giải phóng dân tộc, vì vậy nên các sự kiện nghiêng về quân sự, chính trị thời kỳ chống giặc ngoại xâm, chống chia rẽ dân tộc và chia cắt đất nước nhiều hơn, mà ít nói về lịch sử kinh tế, văn hóa và đối ngoại. Nội dung chương trình và sách giáo khoa chưa mang tính toàn bộ và toàn diện.

Tiếp nữa, nội dung chương trình và sách giáo khoa còn nặng tính hàn lâm, giống như sự thiu gọn của sách dành cho người lớn, mà chưa chú trọng đến tâm lý lứa tuổi. Nhiều quá trình và sự kiện lịch sử được miêu tả quá chi tiết những ngày tháng năm cũng như những số liệu khó nhớ, khó thuộc, điều đó tạo cảm giác nặng nề cho các học sinh, nên dễ tạo cảm giác sợ học, dẫn đến chán học môn Lịch sử.

PGS. Vu Quang Hien: Giao duc lich su khong phai de tao ra con vet
PGS.TS Vũ Quang Hiển (Khoa Lịch sử, trường Đại học KHXH & NV, Đại học Quốc gia Hà Nội)

Nói thêm về chương trình lịch sử hiện tại, ông Hiển đánh giá hệ thống câu hỏi trong sách giáo khoa chưa thật phù hợp, chưa nhằm tạo ra những con người có năng lực nhận thức, năng lực tư duy và hành động một cách tự do, đúng đắn và sáng tạo, mà nghiêng về truyền tải kiến thức một cách máy móc, học thuộc bài. Thế nên những câu hỏi thường nghiêng về yêu cầu trình bày hoặc là nêu lại các sự kiện hoặc quá trình lịch sử, rất khó nhớ, nhưng học sinh không được dùng tài liệu. Tức là vô tình bắt các em phải học thuộc lòng nhiều hơn là phát triển những phẩm chất và năng lực sẵn có.

Chính vì thế, mặc dù các thầy cô giáo phổ thông đã cố gắng rất nhiều để đổi mới phương pháp giảng dạy môn Lịch sử với mong muốn làm cho môn học này trở lên sống động hơn đối với học sinh, nhưng trên bình diện chung vẫn nặng về hoàn thành nội dung được quy định cho mỗi tiết học hơn là gắn bó một cách tâm huyết với từng tiết học. Phần lớn thầy, cô đều cho rằng khung thời gian không phù hợp với yêu cầu về nội dung của chương trình môn học. Nhìn chung, họ đã rất cố gắng, nhưng do sức ép về thời lượng, cùng với tâm lý cho rằng nếu không giảng hết những nội dung trong sách giáo khoa cho học sinh ghi chép là có lỗi với học sinh, nên dù có muốn đổi mới về phương pháp để phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh, họ vẫn nghiêng về cách làm việc: thầy nói, trò chép. 

Thời lượng hoàn thành chương trình là vấn đề được cơ quan chủ quản quy định rất chặt chẽ, đồng thời với yêu cầu nâng cao chất lượng, đổi mới phương pháp dạy học, nhưng giáo viên hoàn toàn không có điều kiện để hoàn thành tốt. Mỗi tuần chỉ có 1-2 tiết lịch sử thì không đủ thời gian để yêu cầu các em đi sâu vào nội dung mỗi bài, rồi “trải nghiệm sáng tạo”, đi tham quan di tích lịch sử, tìm hiểu các bảo tàng, chưa nói tới kinh phí tàu xe, sự an toàn của học sinh khi hoạt động ngoài trường học. Ở các trường phổ thông, không có ai chịu trách nhiệm tổ chức và quản lý  các chuyến đi như vậy.

“Không có thầy cô nào khổ như thầy cô ở các trường phổ thông, đặc biệt thầy cô dạy sử. Nhiệm vụ đặt ra cho họ vô cùng nặng nề nhưng điều kiện để thực thi hầu như không được quan tâm. Điều đó tạo ra không khí rất nặng nề đối với cả người dạy lẫn người học”, PGS nhấn mạnh.

Dẫn chứng điều này, PGS  Hiển cho biết, ông đã đến nhiều trường học, và thấy rã điều đặc biệt đến đáng buồn là các nhà trường đều thiếu điều kiện dạy và học lịch sử. Thầy, cô cũng không có điều kiện mở mang thêm kiến thức Lịch sử, ví như không một trường nào có một cuốn tạp chí Nghiên cứu lịch sử hay Lịch sử quân sự, mặc dù 1 số tạp chí cũng chỉ có giá hơn mười nghìn đồng, chứ chưa nói tới những bộ sách tham khảo cần thiết khác như Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, hoặc Lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước… Điều đó cho thấy dường như khâu chăm sóc giáo viên lịch sử chưa được quan tâm.

“Ở Trung Quốc, người ta dùng rất nhiều phương tiện để giáo dục Lịch sử, ví dụ như âm nhạc, hội hoạ, kịch, phim ảnh, có những phim dài tập rất hấp dẫn, rồi báo ảnh và các ấn phẩm khác... nhưng môn lịch sử ở trường phổ thông vẫn đứng độc lập. Ở Việt Nam, các phương tiện giáo dục lịch sử chưa được tốt, nhưng đã có những ý tưởng “tích hợp” việc giáo dục môn lịch sử vào các môn học khác nhau để xoá bỏ tên môn lịch sử.  Cách hành xử của người lớn đối với môn Lịch sử không những làm cho học sinh chán ngán, mà cả đội ngũ cán bộ cũng cảm thấy nản lòng”.

Theo PGS Hiển, trách nhiệm dạy học môn lịch sử chưa tốt không thuộc về các thầy cô, mà trước hết thuộc về các cấp lãnh đạo và quản lý. Coi nhẹ môn lịch sử, một môn học căn cốt nhất của các khoa học xã hội và nhân văn sẽ phải chịu hậu quả hết sức nặng nề.

Giáo dục Lịch sử  không phải để tạo ra con vẹt

PGS. Vu Quang Hien: Giao duc lich su khong phai de tao ra con vet
 

Về phương pháp học môn Lịch sử của đa phần học sinh vẫn mang nặng quan niệm đây là môn học thuộc lòng. Theo PGS Hiển, quan niệm này là hoàn toàn sai lầm.

“Ngay các sử gia đại tài nhất cũng không thể thuộc hết các sự kiện lịch sử. Hơn nữa, học lịch sử mà chỉ thuộc một cách móc lại càng không đúng. Nó giống như một đứa trẻ con hát bài hát người lớn, chỉ hát thôi mà không hiểu gì cả. Hay việc trẻ con nói tục theo người lớn một cách ngây thơ, nhưng trong tư duy của chúng không ý thức được sự nghiêm trọng của việc nói tục. Nếu chỉ thuộc nội dung các sự kiện lịch sử mà không hiểu, thì không thể hình thành nên phẩm chất và năng lực tư duy”, GS Hiển nói.

Theo ông, dạy lịch sử không thể lấy thuộc lòng làm mục tiêu, trong 2- 3 năm gần đây một số đề thi của Bộ GD&ĐT đã có sự chuyển đổi tích cực theo hướng đánh giá năng lực của học sinh, chứ không yêu cầu các em thuộc bài máy móc, đã chú trọng những năng lực tư duy ngôn ngữ, tư duy lôgic, tư duy phản biện, cuỹng như khả năng đánh giá, phán xét, liên hệ thực tiễn, rút ra kinh nghiệm cho hiện tại và tương lai của đất nước... Sự đổi mới đó rất đáng trân trọng.

“Dạy học lịch sử nói riêng và giáo dục lịch sử nói chung không phải để tạo ra con vẹt, cũng không phải tạo ra những “thần dân” chỉ biết máy móc vâng lời, mà là tạo ra những con người có năng lực tư duy và hành động một cách tự do, đúng đắn và sáng tạo. Đó là sự góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế”, ông nhấn mạnh cần phải thay đổi toàn bộ triết lý giáo dục nói chung và triết lý dạy học lịch sử nói riêng.

Cần xây dựng một chương trình môn lịch sử với hệ mục tiêu chi tiết đến từng bài, từng mục

Việc nghiên cứu và dạy học môn Lịch sử phải được thực hiện theo hướng tiếp cận liên ngành và đa ngành. Theo PGS Hiển, từ xưa đến nay môn lịch sử là một môn học gốc của các khoa học xã hội, được tích hợp rất cao, không thể tiếp cận đơn ngành được. Trong môn lịch sử có nhiểu phân ngành khoa học như khảo cổ học, dân tộc học, lịch sử Việt Nam, lịch sử thế giới; địa lý tự nhiên, địa chính trị, địa kinh tế, địa quân sự, địa văn hoá; phép biện chứng lịch sử, biện chứng xã hội; lịch sử các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, tư tưởng, đối ngoại, tôn giáo…; lịch sử các tổ chức, đoàn thể; lịch sử các ngành khoa học xã hội, khoa học tự nhiện…   

PGS ví dụ khi dạy học một trận đánh trên sông Bạch Đằng phải am hiểu về thủy văn, dạy về chiến dịch Điện Biên Phủ phải am hiểu địa quân sự; dạy về lịch sử hát quan họ phải hiểu về địa văn hoá Kinh Bắc... Nếu giảng bài về lịch sử kinh tế thì phải am hiểu về kinh tế, nếu giảng bài về văn hóa thì cần am hiểu về văn hóa vùng miền. Tự bản thân môn lịch sử là sự tích hợp cả về nội dung và phương pháp rất cao, vì vậy một giáo viên lịch sử luôn phải dạy học theo hướng tích hợp đa ngành, liên ngành. Điều đó sẽ khiến cho bài giảng đa dạng và sâu sắc hơn.
Như vậy, dứt khoát môn Lịch sử phải được dạy học theo hướng tích hợp đa ngành, dù người giáo viên có ý thức đầy đủ về điều đó hay không. Nhưng chắc chắn rằng, khi thầy cố dạy môn lịch sử ý thức về điều đó đầy đủ hơn thì sẽ vận dụng một cách triệt để hơn, giúp cho học sinh hiểu sâu sắc về Lịch sử.

Với nước ta, đặt ra câu hỏi sẽ giáo dục cái gì, nội dung như thế nào? PGS Hiển cho rằng đây là câu hỏi lớn. Chúng ta luôn nói chương trình và nội dung môn học phải đảm bảo tính “vừa sức” đối với học sinh, nhưng “vừa sức” là như thế nào, phải lựa chọn cái gì là cần thiết, là cơ bản, với liều lượng tri thức như thế nào…? Rồi cơ chế sư phạm đối với mỗi bài, mỗi sự kiện lịch sử ra sao? Phải tính toán kỹ việc lập các sơ đồ, biểu đồ, hình ảnh, bảng thống kê, hệ thống câu hỏi… Đó là những việc làm không dễ dàng, đòi hỏi nhiều công sức của các chuyên gia xây dựng chương trình và biên soạn sách giáo khoa. Làm tốt những điều đó sẽ giúp người học tiếp cận các sự kiện và quá trình lịch sử một cách lý thú và hiệu quả. 

Để đảm bảo tính vừa sức, nhất thiết phải xác định rõ tâm lý lứa tuổi. Từ đó xác định mục tiêu môn học, mục tiêu từng chương, từng bài, từng mục. 

Luật Giáo dục quy định dạy học theo mục tiêu, kiểm tra, đánh giá theo mục tiêu. Cần “xây dựng một chương trình môn lịch sử với những mục tiêu chi tiết, rõ ràng, đó là cơ sở để biên soạn sách giáo khoa, xây dựng giáo án, bài giảng, ra đề kiểm tra, đánh giá; đặc biệt là giúp cho học sinh hoàn toàn chủ động trong quá trình học tập và thi cử”, PGS Vũ Quang Hiển nói.

Lam Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI