Nỗi ám ảnh mang tên 'đại ca trường học'

31/03/2017 - 08:02

PNO - Học sinh (HS) dọa nạt, đánh dằn mặt, thu “phí bảo kê” bạn học… là một vấn nạn đang diễn ra ở nhiều trường học. Đáng báo động, ở bậc tiểu học cũng đã xuất hiện những “anh chị” khiến bạn bè khiếp sợ.

Bắt nạt, đánh bạn dã man

Gặp chúng tôi vào trưa 30/3, chị Trần Thị Yến, mẹ của nữ sinh Nguyễn Thị Mỹ L., HS lớp 8/8 Trường THCS Hoàng Văn Thụ (Q.10, TP.HCM) nghẹn ngào kể: “Tôi thấy phần gáy của con bị đỏ bầm, tay bị trầy, gặng hỏi thì con chỉ nói là bị trượt cầu thang té.

Ba cháu thấy vậy nghĩ là dép con bị trơn trượt nên chạy đi mua liền cho con đôi dép khác. Tôi xoa chỗ đau cho con mà đâu ngờ con mình đi học bị bạn đánh. Đến khi có clip xuất hiện trên facebook của bạn học, nhà trường mời phụ huynh (PH) đến, vợ chồng tôi mới tá hỏa và không thể tin vào mắt mình khi con bị đánh dã man như vậy”. 

Noi am anh mang ten 'dai ca truong hoc'
Nữ sinh Mỹ L. - học sinh lớp 8 trường THCS Hoàng Văn Thụ - bị bạn học đánh dã man (ảnh cắt từ clip)

Trong clip, nữ sinh L. đang đứng nói chuyện với bạn cùng lớp tên Hoàng Ng. thì bất ngờ bị bạn cùng trường là Nguyễn Hoàng Ngọc S., học sinh lớp 8/9, chạy đến ném nón bảo hiểm vào mặt rồi túm tóc, kéo đầu L. xuống và đánh đá túi bụi vào mặt, vào đầu. Trong đoạn cuối của clip, nữ sinh S. càng đánh càng hung hăng, gí L. vào góc tường rồi lên gối, cao chân đạp vào bụng, vào người L. liên tục.

Một nam sinh đứng gần đó can ngăn nhưng không được, S. tiếp tục túm tóc lôi đầu L. và đánh. Sự việc diễn ra ngay trong sân sau của Trường THCS Hoàng Văn Thụ vào khoảng 12 giờ trưa thứ Bảy, ngày 18/3. 

Chị Yến bàng hoàng: “Xem xong clip, tôi run hết cả người. Xót con, tôi không dám xem lại lần nào nữa. Con tôi bị bệnh phổi khá nặng nên thể trạng ốm yếu, nhút nhát. Hôm đó, con vào trường học nghề thì được bạn Hoàng Ng. thông báo con tôi nói xấu S. nên S. kêu ra “ba mặt một lời”.

Theo con tôi kể, vừa ra nói đôi co với Hoàng Ng. thì L. liền bị túm lại đánh. Nhưng vì bị hăm dọa nên con giấu nhẹm, không dám méc với thầy cô, cha mẹ. Đến giờ, mặt cháu cứ ngơ ngơ, hay lo sợ, hoảng hốt, bất an kể cả khi ngủ”.

Anh Mạnh Sửu (ngụ ở Q.12, TP.HCM) bức xúc kể: “Con trai tôi học lớp 3, bị “đại ca” trấn áp tinh thần từ lớp 1 đến nay. Đó là cậu bạn học tên K., đô con, học cùng lớp. Gần ba năm trời, con tôi luôn bị K. bắt nạt, bắt nộp kẹo bánh, thỉnh thoảng nộp đồ dùng học tập. Sợ bị đánh nên con tôi luôn cống nạp đúng yêu cầu.

Có lần, khi đang bị bắt nạt, con tôi kịp thoát thân chạy lên lầu trên “cầu cứu” một đàn anh học lớp 5 bảo vệ. Không ngờ, K. kẹp luôn cổ cậu nhóc lớp 5. Khi hay chuyện, tôi cũng dự tính sẽ tìm gặp PH em K. để nói chuyện nhưng khi gặp rồi tôi quyết định không nói nữa, bởi vị PH này quá “gấu”. Sau nhiều lần tôi phản ánh sự việc thì nhà trường chuyển K. sang lớp khác”.

Khi các clip nữ sinh, nam sinh đánh bạn được tung lên mạng, các bậc PH mới ngỡ ngàng trước việc tại sao tụi trẻ con ngày nay có thể “gấu” đến mức như vậy? Thực tế, lâu nay chuyện học trò đầu gấu, làm “đại ca” ngầm đã âm thầm trở thành nỗi khiếp sợ cho HS nhiều trường học và là tiếng thở dài của những nhà giáo dục.

Hiệu trưởng một trường THCS tại quận 10 thẳng thắn thừa nhận: “Hầu như không có trường nào không xảy ra việc HS đánh nhau, HS ăn hiếp bạn học. Chẳng hiệu trưởng nào dám khẳng định trong vòng ba năm, trường không xảy ra vụ đánh nhau nào. Đánh nhau, dọa nạt trong sân trường còn dễ phát hiện, ngăn chặn, nhưng nhiều khi các em lại kéo nhau ra ngoài đánh”. 

Không chỉ dừng lại ở mức ẩu đả, nhiều vụ HS đánh hội đồng còn dẫn đến những án mạng thương tâm. Người phạm tội trong tình huống này cũng là nạn nhân bị đánh hội đồng. Vụ việc của N.T.T.T. (HS lớp 8, Trường THCS Long Trường, Q.9, TP.HCM) là một ví dụ như vậy. Giờ ra chơi, T. có xảy ra mâu thuẫn với nam sinh P.M.D. (học lớp 9), trong lúc cãi vã, T. và một người bạn khác đánh D. để trút giận.

Do ấm ức việc bị nhóm của T. đánh không có lý do nên D. đã gọi điện kể lại sự việc cho H.Đ. (HS lớp 12 Trường THPT Long Trường, nhà ở gần trường). Nghe bạn thông báo là vừa bị T. đánh, H.Đ. liền cùng một nhóm bạn tới cổng trường chờ gặp T. tính sổ. Thấy T. vừa đi ra khỏi cồng trường, Đ. cùng nhóm bạn xông vào đánh T. tới tấp.

Trong lúc hai bên ẩu đả, T. bất ngờ vớ được con dao của người bán bánh tráng trộn gần đó đâm nhiều nhát khiến H.Đ. gục tại chỗ. Điều đáng nói, ở trường, T. được đánh giá là HS khá lễ phép, chỉ vì tức nước vỡ bờ, đã trở thành hung thủ giết người.

Nhận diện “đầu gấu” trường học: không khó!

Thạc sĩ tâm lý Đặng Lê Anh, Trường Nội trú IVS cho biết, việc HS bắt nạt bạn học là một vấn nạn đã kéo dài và trở thành bài toán nan giải cho nhiều trường học. Trong việc này, cũng có nhiều cấp độ, cấp độ cao nhất là đánh bạn. Trong trường hợp HS bắt nạt bạn bằng cách đánh thì rất dễ phát hiện và xử lý. Tuy nhiên, nếu bắt nạt về mặt tinh thần như: uy hiếp, bắt làm điều này điều kia hay mang tiền cống nạp thì rất khó phát hiện nên thường kéo dài, gây khủng hoảng cho HS.

Noi am anh mang ten 'dai ca truong hoc'
 

Theo các chuyên gia tâm lý học đường, không khó để phát hiện “đầu gấu” và ngăn chặn nạn bắt nạt học đường. Những em này thường có tính cách mạnh mẽ, luôn nổi trội bởi việc đối xử với các bạn học kiểu đàn chị, đàn anh, sẵn sàng xuống tay và có các hành động bạo lực. Không chỉ lên cấp lớn mới có “đầu gấu” mà thậm chí ngay từ lớp mẫu giáo, đã có bóng dáng những “đầu gấu tương lai”.

Thạc sĩ tâm lý Đặng Lê Anh chia sẻ: “Nhà trường hầu như không có biện pháp nào để ngăn chặn việc HS bị bắt nạt cả. Kể cả khi việc bắt nạt HS xảy ra ngay trong trường, nhà trường vẫn không xử lý được hoặc che giấu. Theo tôi, đối với các HS cá biệt, hay bắt nạt bạn thì thầy cô cần có sự quan sát, thường xuyên lưu ý. Với trường hợp này, giáo viên nên có hướng giáo dục riêng để uốn nắn, dạy dỗ các em”.

Ông Nguyễn Khoa Khanh, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Văn Thụ bày tỏ: “Tôi rất giận, rất xót khi xem clip học trò của mình đánh bạn. Đây là bài học lớn cho nhà trường, ngay khi chuyển công tác về đây, bài nói chuyện đầu tiên của tôi với HS là cách phòng tránh bạo lực trong nhà trường".

Ông Khanh cho biết, đã yêu cầu thầy cô tạo chỗ dựa niềm tin cho các em HS bằng cách có biện pháp xử lý nghiêm các HS thường xuyên bắt nạt bạn. Có như vậy thì khi bị bắt nạt, HS mới dám mạnh dạn báo sự việc cho thầy cô. Bản thân PH cũng nên quan sát biểu hiện của con mình, không nên cau có; tập cho con chia sẻ từ chuyện vui, buồn đến thất bại.

Thạc sĩ Anh khuyên, PH nên chủ động bảo vệ con mình để các cháu không trở thành nạn nhân. Khi thấy cháu có biểu hiện khác thường như thẫn thờ, trầm cảm, lo âu… thì PH phải gần gũi con để tìm hiểu xem con đã gặp vấn đề gì ở trường. Mặt khác, khi thấy con có biểu hiện lạ, PH nên kiểm tra cơ thể con mình xem thử có vết thương hay không. Khi con kể chuyện bị bắt nạt, PH nên gần gũi động viên cháu thay vì giận dữ hoặc nổi nóng, để tránh gây tâm lý hoang mang cho các cháu”.

Trường sẽ họp, đưa ra hình thức kỷ luật  học sinh đánh bạn

Trả lời phóng viên báo Phụ Nữ, chiều 30/3, ông Nguyễn Khoa Khanh, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Văn Thụ thừa nhận sự việc nữ sinh Nguyễn Thị Mỹ L. bị đánh xảy ra tại trường. 

“Chúng tôi xử lý theo đúng trình tự quy định, cho các em tường trình, giáo viên chủ nhiệm tâm sự để tìm hiểu mâu thuẫn giữa hai em. Các em không thừa nhận có mâu thuẫn trước đó, mà chỉ từ một sự việc làm rớt thước, lời qua tiếng lại giữa ba em Hoàng Ng., Mỹ L. và Ngọc S. Khi hẹn ra nói chuyện, Ng. đã kêu S. theo và xảy ra sự việc S. nhào vô đánh L. 

Clip là do S. nhờ bạn khác quay lại và tự tung lên mạng. Hiện chúng tôi đã lập hồ sơ báo cáo vụ việc lên Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 10; nhiều lần chủ động mời phụ huynh các em vào trường làm việc. Trong ngày 31/3 hoặc 1/4, trường sẽ họp hội đồng kỷ luật để xem xét và đưa ra mức độ xử lý em S. theo đúng quy định” - ông Khanh nói.

Tiêu Hà


Gia Tuệ - Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI