Nguy cơ loạn sách giáo khoa ngữ văn?

23/03/2018 - 10:05

PNO - Các chuyên gia đã lên tiếng khá gay gắt trong cuộc tọa đàm khoa học góp ý chương trình giáo dục phổ thông môn ngữ văn được Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức ngày 22/3 tại Hà Nội.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc chỉ quy định 6 tác phẩm bắt buộc trong chương trình ngữ văn THPT sẽ tạo nguy cơ loạn sách giáo khoa. Các kỳ thi quốc gia về môn ngữ văn sẽ khó đạt được sự thống nhất về định hướng đề thi. 

Phó giáo sư Phạm Quang Long - Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) - cho rằng, việc chỉ quy định 6 tác phẩm bắt buộc (gồm bài thơ Thần, Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo, Truyện Kiều, Văn tế nghĩa sĩ Cần GiuộcTuyên ngôn độc lập) trong chương trình ngữ văn THPT là chưa hợp lý.

Nguy co loan sach giao khoa ngu van?
 

Theo ông Long, về nội dung, những tác phẩm đó phù hợp nhưng lại đơn điệu về thể loại. Những tác phẩm khác được chương trình giới thiệu như những gợi ý mà không bắt buộc sẽ gây khó khăn cho khâu tổ chức giảng dạy, đánh giá, thi cử. 

Cũng chung quan điểm trên, giáo sư - tiến sĩ Đinh Xuân Dũng - nguyên Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương - nhận định: cả một nền văn học hơn 10 thế kỷ (chưa kể đến văn học dân gian Việt Nam) mà chỉ có 6 tác phẩm bắt buộc là điều khó chấp nhận.

Giáo sư Dũng cho rằng, nếu chỉ dừng lại 6 tác phẩm bắt buộc mà phần còn lại chỉ là gợi ý, tự chọn tác phẩm tương tự thì chắc chắn năm nào thi tốt nghiệp cũng chỉ thi trong 6 tác phẩm bắt buộc đó, sẽ khó có văn bản nào khác ngoài 6 tác phẩm được tất cả các bộ sách giáo khoa lựa chọn. Học sinh không học sẽ không thi được.

Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Bá Thành - Đại học Quốc gia Hà Nội - nêu quan điểm nếu chỉ chọn 6 tác phẩm bắt buộc học, còn lại là tự chọn thì sẽ tạo nguy cơ loạn sách giáo khoa. Mỗi trường, mỗi địa phương sẽ lựa chọn và biên soạn theo cách của mình. Các kỳ thi quốc gia về môn ngữ văn sẽ khó đạt được sự thống nhất về định hướng đề thi.

Giáo sư Đinh Xuân Dũng góp ý từ lớp Một đến lớp Tám hoặc Chín, có thể lựa chọn văn bản hay, xuất sắc, hợp lứa tuổi, không cần theo tiến trình văn học dân tộc. Song từ lớp Chín hoặc 10 đến lớp 12, chương trình cần sắp xếp theo tiến trình lịch sử văn học qua việc lựa chọn các tác phẩm tiêu biểu.

Bởi vì từ lứa tuổi 15 đến 18, các em cần hiểu biết văn học theo tiến trình của nó. Qua đó, giúp các em hiểu được sự vận động phát triển của tư duy, tâm hồn con người Việt Nam và hiểu được cả lịch sử dân tộc qua văn học.

Theo ông Đinh Xuân Dũng, nếu đếm thử các văn bản gợi ý cho mỗi lớp học sẽ có khoảng từ 16-25 tác phẩm. Vì vậy, “phần cứng” của chương trình cần chọn cho từng lớp học, mỗi lớp từ 5-6 tác phẩm (tức là chiếm khoảng 1/4 đến 1/5 chương trình văn học ở mỗi lớp).

Như vậy, sau 12 năm học văn học ở phổ thông, các em có được vốn hiểu biết khoảng 60 tác phẩm xuất sắc của hơn 10 thế kỷ văn học. So với hàng nghìn tác phẩm hay, tốt thì tỷ lệ đó còn rất khiêm tốn. 

Dung Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI