Người xấu là ai?

14/05/2018 - 06:49

PNO - Người xấu rõ ràng là khái niệm không dễ nắm bắt. Ngay cả người trưởng thành cũng định nghĩa người xấu khác nhau sau mỗi cú bị lừa.

Phụ huynh thường dùng cụm từ “người xấu” để cảnh báo con cái tránh xa những nguy cơ có thể khiến trẻ tổn thương. Nhưng, thử hỏi các con “người xấu là người như thế nào?”, chúng ta sẽ gặp phải vô vàn định nghĩa khác nhau.

Có bé nhận diện người xấu là người hay dọa nạt, thích đánh, mắng người khác, hay giành nhau, ăn cắp… Nhiều bé khác định nghĩa người xấu là người quá ốm hoặc quá mập, bị sún răng, mắt một mí, da nhăn nheo, có mụn…

Nguoi xau la ai?
Thạc sĩ Nguyễn Thúy Uyên Phương chia sẻ với phụ huynh về việc giúp con kỹ năng bảo vệ mình

Người xấu rõ ràng là khái niệm không dễ nắm bắt. Ngay cả người trưởng thành cũng định nghĩa người xấu khác nhau sau mỗi cú bị lừa. Thạc sĩ Nguyễn Thúy Uyên Phương (người sáng lập Trường ngoại khóa Tomato) phác họa: người xấu chính là người bảo con không vâng lời cha mẹ, xui con làm điều gì đó mà không có sự cho phép của cha mẹ, nhờ con giúp đỡ việc gì đó mà không hỏi ý kiến cha mẹ của con, dặn con giữ bí mật, làm điều gì đó khiến con sợ hãi, 
khó chịu…

Với chân dung này, người có hành động nguy hại không chỉ là người lạ, mà có khi lại là người quen, thậm chí là người thân, họ hàng. Cũng không loại trừ những người ăn nói ngọt ngào, dễ thương, thường dỗ dành, cho trẻ quà bánh để tiếp cận, kết thân và điều khiển trẻ. Rất nhiều vụ án xâm hại tình dục cho thấy chân dung “năm nét” này của người xấu, chứ không hẳn là người hay quát nạt, đánh đập trẻ hoặc… có mụn.

Nhận diện lệch hoặc bó hẹp khái niệm về người xấu ở trẻ dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường. Để rồi khi điều đáng tiếc xảy ra, trẻ thường giấu kín, không dám thổ lộ, vì sợ cha mẹ trách phạt, vì cha mẹ chưa từng nói với con rằng: “Nếu ai đó đụng chạm con, đó là lỗi của họ, không phải lỗi của con”.

Phụ huynh luôn miệng dạy dỗ con, đưa cho con quá nhiều nguyên tắc, khiến trẻ không tài nào nhớ hết: không được mò vào ổ điện, tránh xa bếp lửa, nước sôi, không được chơi kéo, đi xe buýt không được thò tay ra cửa sổ, không được ra khỏi cổng trường khi cha mẹ chưa đến rước, không trả lời người lạ, không được yêu khi còn ngồi trên ghế nhà trường…

Có khi, để nhận một chữ “được”, trẻ phải bước qua mười chữ “đừng”. Đối với trẻ, thế giới chúng ta đang sống treo lủng lẳng những nguy cơ mà chỉ cần trẻ lơ mơ là tai họa có thể va ngay vào đầu, khiến trẻ luôn sợ hãi, tự ti, mất động lực sống.

Theo phân tích của thạc sĩ Uyên Phương, vùng não về bản năng khám phá thế giới hình thành từ rất sớm và hoạt động mạnh mẽ, thôi thúc trẻ lao vào những vùng mới mẻ với một trạng thái phấn khích, sẵn sàng, không cần suy nghĩ. Trẻ đâu đã có những trải nghiệm về té ngã, bỏng, điện giật, về lừa lọc, bắt cóc, xâm hại để tránh. Khi đó, phụ huynh lại bực mình: “Sao dặn hoài mà con không nghe?”.

Trẻ cần học cách dừng lại, suy nghĩ và chọn lựa hành động. Khi làm chậm lại bánh xe cảm xúc, trẻ sẽ tự thấy cần vài giây để cân nhắc, lý trí nhờ thế mà có cơ hội lên tiếng. Thay vì đưa ra quá nhiều nguyên tắc, căn dặn khiến trẻ “bội thực” và không nhớ nổi, phụ huynh có thể tập trung vào bốn vùng an toàn mà con cần bảo vệ: bộ não, cột sống, đường thở, vùng riêng tư.

Chị Hoàng Yến toát mồ hôi hột kể lại một lần, hai đứa con chị chơi trò dắt mèo. Linh cảm bất an, chị hé cửa buồng nhìn con thì tá hỏa phát hiện: cô chị là người dắt mèo, cô em bò bốn chân phía sau, miệng liên hồi kêu “meo, meo”, ở giữa là sợi dây thừng gần siết cổ cô em đang “chuyên tâm” đóng vai mèo.

Biết rằng các con không đủ hiểu biết để yêu quý và bảo vệ cơ thể, chị cùng con làm mô hình cơ thể người để giải thích cơ chế hoạt động của các cơ quan. Đi ra đường, xem ti vi… chị và các con cùng thảo luận về tình huống có nguy cơ mà nhân vật ấy sắp đối mặt.

Gần gũi, chuyện trò và luôn ở tâm thế lắng nghe, chị là kênh tin cậy để con chia sẻ, trong khi chồng chị tạm thời đóng “vai ác” để răn đe con. 

Để giúp trẻ an toàn, phụ huynh cần cung cấp cho con thật nhiều thông tin, nhưng đừng theo cách nhồi nhét. Cần chọn cách nói để đưa thông tin vào suy nghĩ của con một cách thuyết phục, ấn tượng nhất. Hạn chế các kiểu nói cưỡng bức như: “cấm”, “đừng”, “con không được”…

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI