Người học thạc sĩ, tiến sĩ giảm: Đang có điều gì đó không ổn ở đây!

22/01/2018 - 07:41

PNO - Đại học Quốc gia TP.HCM, một cơ sở đào tạo sau đại học (SĐH) lớn của cả nước, vừa có một báo cáo về giáo dục SĐH;

Đại học Quốc gia TP.HCM, một cơ sở đào tạo sau đại học (SĐH) lớn của cả nước, vừa có một báo cáo về giáo dục SĐH; theo đó, trong 4 năm liền, tính từ năm 2012, cơ sở này không tuyển đủ chỉ tiêu SĐH, số lượng thí sinh đăng ký giảm mạnh từ hơn 10.000 (năm 2012) xuống còn 2.912 (năm 2017).

Nguoi hoc thac si, tien si giam: Dang co dieu gi do khong on o day!
Đào tạo tiến sĩ nên theo chất lượng đừng chạy đua số lượng. (Ảnh: Dân Việt)

Riêng năm 2017, số đăng ký dự thi còn thấp hơn cả chỉ tiêu được giao là 400 người. Trước thực trạng đó, đơn vị này nghĩ đến việc phải cải tiến phương thức tuyển để thu hút đầu vào.

Có vẻ như đang có điều gì đó không ổn ở đây!

Theo báo cáo trên, từ năm 2012-2017 số thí sinh trúng tuyển trung bình đạt khoảng 85% chỉ tiêu cần tuyển; hiện đại học Quốc gia TP.HCM đang đào tạo 1.108 nghiên cứu sinh và 7.152 học viên cao học.

Vấn đề là việc đặt ra chỉ tiêu tuyển hằng năm đã căn cứ trên cơ sở nào: nhu cầu sử dụng của xã hội, nhu cầu của người học hay nhu cầu của đơn vị đào tạo? Căn cứ để tính toán đưa ra chỉ tiêu có thật sự khoa học?

Có thể sẽ không có được câu trả lời cho những câu hỏi đó. Tuy nhiên, nếu cứ 2 người học tiến sĩ có một người hoàn thành chương trình và 3 người học thạc sĩ có một người hoàn thành chương trình thì bình quân 2 ngày sẽ có một tiến sĩ “ra lò” và mỗi ngày có 4-5 thạc sĩ “ra lò”. Cũng theo cách tính đó, mỗi ngày cả nước sẽ có 6 tiến sĩ và 72 thạc sĩ “ra lò” (!)

Tất nhiên, cũng chẳng có căn cứ nào để nói số lượng trên là ít hay nhiều. Vấn đề của việc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, nhất là ở những “lò” đào tạo có uy tín, phải là lấy chất lượng làm chuẩn, chứ không phải căn cứ vào con số nhiều hay ít.

Nếu xem đào tạo nguồn nhân lực ở trình độ SĐH là đào tạo ra những người làm khoa học ở trình độ cao thì có lẽ con số trên không ít, nhất là khi những người thật sự tài năng không khó tìm kiếm cơ hội học tập ở nước ngoài. Còn trong nước, lại có không ít trường hợp đi học SĐH chỉ vì tốt nghiệp ĐH xong không có việc làm; cơ sở đào tạo thì chỉ chăm chăm đáp ứng nhu cầu kiếm tấm bằng của nhiều người mà “hốt bạc”; ngoài xã hội thì vô số thạc sĩ, tiến sĩ... vô dụng.

Trào lưu học thạc sĩ sau một thời bùng rộ đã đến lúc “xì hơi” khi xã hội nhận ra chân giá trị và không chạy theo bằng cấp nữa. Người đi học sẽ phải tự hỏi và trả lời là mình học thạc sĩ, tiến sĩ để làm gì? Nếu số người học SĐH giảm đi vì như thế thì thật sự đáng mừng chứ không đáng lo.

 Tầm Xuân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI