Nếu Toàn không lên tiếng

02/04/2018 - 08:42

PNO - Chúng tôi tin rằng Toàn không cô độc, vì nó khiến cả xã hội, nhất là những người trong ngành giáo dục, phải suy ngẫm và biết dừng lại những hành vi sai trái.

Câu chuyện “giáo viên không giảng bài, không giao tiếp với lớp học trong suốt một học kỳ” đang được dư luận mổ xẻ ở nhiều khía cạnh. Nhưng một vấn đề không thể không đặt ra là tại sao cô giáo “tịnh khẩu” suốt cả học kỳ khi vào lớp mà nhà trường lại không biết? 

Vô lý nếu không ai biết

Hoạt động dạy học của giáo viên (GV) trong nhà trường được đặt dưới sự quản lý, kiểm soát của hiệu trưởng, hiệu phó chuyên môn, tổ chuyên môn và rất nhiều bộ phận. Chẳng lẽ, trong suốt học kỳ lãnh đạo trường và tổ chuyên môn Trường THPT Long Thới (H.Nhà Bè, TP.HCM) không hề “dòm ngó” đến lớp cô Trần Thị Minh Châu. 

Neu Toan khong len tieng
Học sinh Trường THPT Long Thới

Nếu có “dòm ngó” mà không phát hiện ra sự bất thường thì vẫn còn rất nhiều kênh để nhà trường có thể nắm bắt tình hình như giám thị, GV chủ nhiệm, GV cùng bộ môn, GV khác bộ môn, học sinh (HS) của lớp (đặc biệt là lớp trưởng, lớp phó, bí thư chi đoàn). Thật khó tin khi cả 36 HS của lớp lại không tâm sự chuyện cô giáo “tịnh khẩu” với ai, nhất là thầy cô và cha mẹ. 

Lớp 11A1 cô Châu dạy 5 tiết toán mỗi tuần, một tháng sẽ có 20 tiết, một học kỳ sẽ có khoảng 80 tiết. Không thể tin được với từng ấy tiết dạy theo phương thức “không nói gì” mà GV dạy các lớp kề bên và giám thị lại không phát hiện ra sự bất ổn.

Trong trường hợp này, chỉ có thể lý giải: hoặc mọi người đều khiếp sợ cô Châu nên không dám lên tiếng; hiệu trưởng đã biết nhưng làm ngơ, bất lực; các thầy cô không còn tin tưởng lãnh đạo nhà trường nên đã không báo cáo sự việc, HS cũng không tin thầy cô nên không tâm sự; hoặc là mọi người đã quá vô cảm với điều dị thường… 

Thói vô cảm và hành động dũng cảm

Đã từng xảy ra nhiều vụ HS bị bạn hoặc nhóm bạn đánh - tra tấn hội đồng, nhưng những HS khác chỉ đứng nhìn mà không can ngăn, cũng không cấp báo để nhờ sự can thiệp của thầy cô, ban giám hiệu. Chẳng thế mà những vụ học trò đánh bạn dã man, đánh ngay trong lớp học, nhà trường chỉ biết khi clip đã gây “bão” trên mạng xã hội.

Thói vô cảm ở HS khiến chúng ta day dứt. Nhưng đau đớn hơn khi nó đang hiện diện trong suy nghĩ của thầy cô. Chuyện cô giáo ở Long An bị phụ huynh bắt quỳ, cô giáo đang mang thai ở Nghệ An bị phụ huynh đánh và bắt quỳ… diễn ra ngay trước mắt các đồng nghiệp, nhưng họ dửng dưng! 

Mới đây, hai hiệu trưởng ở huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) bị bắt tạm giam thì câu chuyện gây bức xúc xã hội - “phải lo lót mới được vào ngành giáo dục”- mới được xác tín. Tại Đà Nẵng, đầu năm 2017, hiệu trưởng một trường mầm non bị cách chức. Đến đầu năm 2018, vị này bị khởi tố bắt giam vì ăn chặn 200 triệu đồng…

Các thầy cô đều biết, nhưng chẳng mấy ai dám nói lên sự thật. Cũng khó trách họ, vì nếu mở miệng ra có khi họ lại chuốc họa vào thân. Bài học rành rành ngay tại Trường THPT Long Thới, nơi đang xảy ra lùm xùm. Vì tố hiệu trưởng ăn bớt tiền dạy của GV và lạm thu tiền học thêm của HS mà một GV bị vùi dập đến mất việc.  

Xét trong hoàn cảnh ấy mới thấy hành động của HS Phạm Song Toàn là dũng cảm. Những lời nói thật ấy đã tạo được sự chú ý hơn nhiều hội thảo, hội nghị về môi trường học đường, lối sống văn minh, văn hóa giao tiếp... Những giọt nước mắt đã rơi sau khi nói ra những suy nghĩ của mình. Đó là những giọt nước mắt của sự cô đơn.

Nhưng chúng tôi tin rằng Toàn không cô độc, vì nó khiến cả xã hội, nhất là những người trong ngành giáo dục, phải suy ngẫm và biết dừng lại những hành vi sai trái. Còn tại ngôi trường nơi HS đang theo học, chí ít tình trạng bạo hành tinh thần với HS sẽ phải chấm dứt. 

Sao không đình chỉ giáo viên sai phạm? 

Đáng buồn là một sự việc đang khiến dư luận bất bình, nhưng đến nay đã ngót chục ngày, ngành giáo dục TP.HCM vẫn không có tuyên bố gì để bày tỏ quan điểm. Những phát ngôn của ông hiệu trưởng và cán bộ sở (giấu tên) thì lại có xu hướng làm nhẹ hành vi sai trái, kiểu như: “quan điểm của trường là không xem xét chuyện quá khứ của GV, chỉ hướng tới tương lai”, kèm theo những lời ca ngợi cô Châu.

Trường cũng thông tin rằng, khoảng nửa HS lớp 11A1 không muốn đổi GV, mong muốn cô Châu tiếp tục đứng lớp; đồng thời trách móc học trò: sao không nói thẳng với cô mà lại đưa vấn đề này lên buổi đối thoại với lãnh đạo Sở GD-ĐT… Ông hiệu trưởng Trường THPT Long Thới cũng kêu gọi sự thông cảm của dư luận thông qua chữ “nhân văn”.

Nhưng, nói như một nhà giáo: “HS đến trường, đặt tất cả sự kính trọng, tin tưởng vào nhà trường vào thầy cô. Vậy mà trong suốt 3 tháng, các em chỉ ngồi ghi chép trong sự lo lắng, sợ hãi... Mỗi ngày đến trường không phải là mỗi ngày vui mà là “mỗi ngày sợ hãi”. Vậy chúng ta đã “nhân văn” với các em chưa?”. 

Từ cách nhìn nhận vấn đề của lãnh đạo trường và sở, dễ nhận thấy mũi dùi đang quay lại với chính em học trò dũng cảm. Không khéo người ta lại biến em thành thủ phạm. Trong khi đó, cô Châu, người sai phạm nghiêm trọng trong nghiệp vụ sư phạm, vẫn ung dung trên bục giảng. 

Nếu sự việc không được nhìn nhận một cách chân thực, đúng bản chất, để có những hành động kiên quyết từ những người có trách nhiệm, thì những câu chuyện đau lòng của ngành giáo dục hôm nay sẽ lại tiếp diễn bất cứ lúc nào, chỗ nào, với mật độ ngày càng dày và có thể ngày càng nguy hiểm. 

Minh Nhật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI