Học phí: Thu rồi, khó trả!

19/07/2018 - 06:00

PNO - Kết thúc năm học 2017-2018, nhẩm lại những khoản tiền đã đóng, nhiều phụ huynh vỡ lẽ có nhiều tuần học sinh không học nhưng trường vẫn thu tiền đầy đủ. Các loại phí, học phí đã đóng rồi thì gần như không được hoàn lại.

Hoc phi: Thu roi, kho tra!
Học sinh TP.HCM học tiếng Anh với người nước ngoài

Không dạy cũng thu tiền

Bà M.L., phụ huynh Trường THPT Trường Chinh (Q.12, TP.HCM) bức xúc kể: năm học 2017-2018, trường đã thu tiền học tiếng Anh với người nước ngoài đủ chín tháng với mức 165.000 đồng/tháng/học sinh. Thế nhưng, trong suốt năm qua có khoảng hai tháng học sinh không học vẫn bị thu đủ. Như tuần thi học kỳ I, học kỳ II, hai tuần nghỉ tết, sau thi học kỳ II không học nhưng trường vẫn không hoàn tiền cho người học. Chương trình tiếng Anh thực hiện ở hai khối Mười và 11 với hơn 1.500 học sinh, số tiền thu dư lên đến vài trăm triệu đồng. Đó là chưa kể học phí buổi hai thu 300.000 đồng/tháng/học sinh cũng không hoàn lại cho những tuần không học như trên.

Chị Thanh Huyền, phụ huynh trường mần non tư thục C.N. ở Q.7 cũng ấm ức tương tự. “Nếu tính đúng tính đủ thì chỉ có người học lỗ, nhưng vì con còn học nên ít ai lên tiếng. Như trường con tôi, tiền học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài mỗi tháng 1,6 triệu đồng, phải đóng trọn quý. Nhưng con về cứ nói không thấy cô nước ngoài đâu, chỉ ở trên lớp chơi thôi. Sách học cũng không trả về nên rất khó theo dõi việc dạy có đúng lịch như đã thu tiền hay không”, chị Huyền bức xúc nói.

Nếu được hoàn tiền dư thì cũng chỉ là một khoản nhỏ, không đáng là bao, nhưng sự không sòng phẳng, rõ ràng làm phụ huynh khó chịu, bức xúc. Chị Phi Yến, phụ huynh lớp Ba Trường tiểu học N.T.S. (Q.3) đã lên thẳng phòng hiệu trưởng nhà trường để “chất vấn” về các khoản dư của các loại phí học tiếng Anh. Chị Yến cho biết: “Tiền học tiếng Anh 80.000 đồng, tiếng Anh với giáo viên nước ngoài 140.000 đồng, tiếng Anh I-learn 180.000 đồng mỗi tháng đều phải đóng đầy đủ. Nghỉ vài ngày không nói nhưng hồi tháng Năm vừa rồi, sau khi thi học kỳ xong, mấy tuần liền học sinh nói cô lên lớp chỉ lo chấm bài, để học sinh ngồi chơi. Phản ánh rồi cũng không thấy trường hoàn tiền lại”. 

Cần sòng phẳng

Hiệu trưởng một trường THPT “bật mí”: phụ huynh không tiếc tiền nhưng họ bực vì bị “qua mặt” ở những chuyện không đáng. Chẳng hạn, học phí buổi hai được cho phép thu từ 200.000-300.000 đồng/tháng, nhưng đa phần các trường đều thu mức tối đa là 300.000 đồng. Rồi buổi hai đã quy định bao gồm dạy một số tiết văn hóa và các môn kỹ năng cho học sinh. Như vậy, khi đã đóng học phí buổi hai thì người học phải được học kỹ năng miễn phí nhưng các trường vẫn “vẽ” ra để thu tiền kỹ năng là sai.  

Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du cho biết: Sở Tài chính và Sở GD-ĐT TP.HCM đã tính toán số ngày thực học trong năm học và đưa ra mức thu chia làm chín đợt được thu trong chín tháng để thuận lợi cho cả trường lẫn người học. Phụ huynh phải hiểu và thông cảm điều này, chứ không thể tháng nào nghỉ tết phải trừ ra mấy ngày được. Nhưng với các khoản thu thỏa thuận như tiếng Anh, ngoại khóa… thì phải lấy ý kiến và làm việc thật kỹ với phụ huynh; số tiền đó chi vào những việc gì, thu như vậy có hợp lý không, nhất thiết phải minh bạch, giải thích rõ ràng với người học. Vì người học là khách hàng, phải được đối xử sòng phẳng. Thời gian nào trường không cung cấp dịch vụ thì phải hoàn tiền lại.

Trường học, dù công hay tư, đều là nơi cung cấp dịch vụ cho người học. Nhưng lâu nay người làm giáo dục, nhất là trường công thường có quan niệm là người học nhờ họ nên thường không được đối xử sòng phẳng. Không chỉ trong chuyện học phí mà kể cả mỗi lần muốn gặp giáo viên chủ nhiệm, góp ý cùng hiệu trưởng đều phải “xin”, cầu cạnh, chờ đợi… Người học luôn ở thế thấp hơn nhà trường. Vì vậy, việc chờ đợi sự sòng phẳng giữa nhà trường và phụ huynh, học sinh vẫn còn xa lắm. 

Ông Lương Văn Định, Hiệu trưởng trường THPT Trường Chinh giải thích: chúng tôi đã tính toán số tiết thực học cho cả năm rồi chia ra làm chín đợt đóng chung với học phí chính khóa. Cái sơ sót là không ghi rõ ra khi thỏa thuận với phụ huynh làm cho phụ huynh hiểu không hết. Như năm rồi, tổng dư chỉ còn lại hơn 15 triệu đồng sau khi đã trả cho phía công ty cung cấp giáo viên hơn 1,7 tỷ đồng (chiếm 77% tổng thu), chi cho các bộ phận quản lý trực tiếp và phục vụ hơn 152 triệu đồng (7%) và hỗ trợ mua sắm thiết bị, cơ sở hạ tầng phục vụ dạy và học hơn 365 triệu đồng (16%).

Nửa tháng Tám đầu năm học cũng không thu học phí, chưa kể rất nhiều trường hợp miễn giảm, thất thu. Năm nay, chi phí trả cho 1 tiết dạy của giáo viên bản ngữ lên đến 600.000 đồng nên thu học phí 165.000 đồng/tháng, các năm trước chỉ thu 120.000-140.000 đồng/tháng. Hiện tại, trường đang chờ Thanh tra Sở GD-ĐT xem xét vấn đề này, nếu họ kết luận trường làm thế là sai thì chúng tôi sẽ chấp hành.

Năm học 2017-2018, trường có 36 lớp học tiếng Anh với người nước ngoài. Mỗi lớp học 2 tiết/tuần.

Thanh Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI