Học giỏi cũng phải… học thêm!

19/05/2017 - 09:03

PNO - Có một thực tế trong chuyện học hành của trẻ hiện nay là cho dù sức học của trẻ thế nào thì phụ huynh vẫn cắn răng đẩy con mình vào guồng học thêm.

Trẻ học yếu thì có lớp phụ đạo để lấy lại căn bản; học trung bình thì vào lớp bồi dưỡng để cải thiện, còn như đã khá giỏi thì nhất định phải vào lớp nâng cao…

Hoc gioi cung phai… hoc them!
PH rồng rắn xếp hàng đăng ký cho con học hè tại TT Bồi dưỡng văn hóa 218 Lý Tự Trọng

Chỉ nhận học sinh khá giỏi 

Nếu bạn cho là chỉ có học sinh (HS) kém mới phải học thêm thì những PH có con đang tuổi đi học sẽ nhìn bạn như người từ… cung trăng rơi xuống! Khái niệm “HS yếu kém mới cần học thêm” đã là chuyện rất… xa xưa. Tại hầu hết các thành phố lớn, hiếm có HS chỉ học chính khóa; mà đại đa số, từ học lực yếu kém đến cả HS trường chuyên giỏi đều bị cuốn vào các lớp học thêm.

Nhiều trung tâm (TT) bồi dưỡng văn hóa (thực chất là nơi dạy thêm - học thêm) chỉ nhận HS khá giỏi. Đơn cử, tại TT Bồi dưỡng văn hóa 218 Lý Tự Trọng (Mạc Đĩnh Chi, Q.1, TP.HCM), các khóa học hè 2017 đã nhận ghi danh từ 9/5. Để được xét vào học, HS phải có hạnh kiểm từ khá trở lên, điểm toán học kỳ II từ 6 điểm đối với HS cấp III và 7 điểm với HS cấp II; nếu là điểm của học kỳ I thì phải cao hơn chuẩn 1 điểm; lại còn phải thi xếp lớp. Sợ TT hết chỗ, ngay ngày đầu cho ghi danh, hàng ngàn PH đã xếp hàng chờ đợi, nhiều người chờ từ sáng đến trưa vẫn chưa đến lượt.

Theo kế hoạch, mỗi buổi TT sẽ tiếp nhận khoảng 300 lượt đăng ký nhưng trong ngày đầu đã có hơn 600 lượt. Chị Nguyễn Thị Tuyết, một PH đến từ Q.Thủ Đức, đã xếp hàng từ sáng đến chiều để tìm một chỗ học hè tại đây cho con. Cầm tấm giấy khen HS giỏi cấp THCS, chị lo lắng: “TT yêu cầu học lực, hạnh kiểm nên phải đem theo để chứng minh. Những người xếp hàng ở đây đều có con học khá giỏi nên tôi sợ chậm chân sẽ hết chỗ”.

Đã gần trọn ngày chờ đợi vẫn chưa tới lượt, chị than: “Chỉ sợ số thứ tự của mình phải chờ đến ngày mai, ngày mốt”. Đa phần PH đến TT này, đúng như chị Tuyết tìm hiểu, đều có con thuộc “hàng” khá giỏi, muốn con học nâng cao để thi vào những trường chuyên nổi tiếng. Học phí, vì thế cũng không hề thấp, trên dưới một triệu đồng/môn học.

Lớp luyện thi vào lớp 6 Trường THCS và THPT Trần Đại Nghĩa của TT T.P. (đường số 74, Q.6) nhận HS từ năm lớp… 4. Muốn được vào học từ cuối năm lớp 4, HS phải đạt các yêu cầu: bốn năm đạt loại giỏi và có điểm thi hai môn toán, văn cuối năm từ 8 điểm trở lên. Chưa hết, sau khi qua vòng “sơ tuyển”, HS phải làm một bài kiểm tra năng lực, nếu đủ khả năng mới được nhận.

Chỉ với hai buổi học/tuần, môn toán có học phí 800.000đ, văn và tiếng Anh là 700.000đ/tháng. Nếu giáo viên đến nhà dạy, học phí lần lượt là 1,8 triệu và 1,5 triệu đồng/tháng. Điều kiện gắt gao, học phí… trên trời nhưng lạ là TT này chưa lúc nào thiếu người học. 

Áp lực nhân ba

Tại TP.HCM, chỉ tính riêng số TT bồi dưỡng văn hóa được Sở GD-ĐT cấp phép hoạt động đã là 167 TT, trong đó có 65 TT đặt trong các trường học và 102 TT ở ngoài trường học. Số TT do 24 quận huyện cấp phép và số lớp dạy thêm - học thêm do các thầy cô giáo tự mở thì khó lòng thống kê được, chỉ thấy những cơ sở dạy thêm - học thêm ngày càng không ngừng nở rộ, cho thấy nhu cầu học thêm chỉ tăng chứ không hề giảm.

Trước thực trạng PH tìm mọi cách cho con học thêm, dù con đã học giỏi, ThS Nguyễn Thị Thu Huyền, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, lý giải: “Có rất nhiều lý do như thấy ai cũng học nên lo con thua kém; kỳ vọng con phải giỏi hơn nữa; không có thời gian quản con ngoài giờ học chính khóa; bản thân HS tự nguyện học thêm vì lo lắng về thành tích học tập...

Việc để trẻ quay cuồng từ học chính khóa sang lớp học thêm, không giải trí, tập luyện thể thao, tham gia các hoạt động ngoại khóa sẽ khiến trẻ phát triển mất cân bằng”. Theo ThS Huyền, ở các nước tiên tiến, hết giờ học ở trường, nếu không có thời gian đón con, PH có thể đăng ký cho con tham gia các hoạt động tại trường hoặc tại các TT ngoại khóa.

Các hoạt động này thường là những lớp học kỹ năng, những CLB nghệ thuật, TDTT; tuyệt đối không có nội dung môn học chính khóa… Mô hình này là nhằm giúp trẻ giảm áp lực học hành và phát triển toàn diện hơn.

Hiệu trưởng một trường THCS tại Q.1 chỉ ra: “Với một đứa trẻ bình thường, để đủ điều kiện vào học các lớp luyện thi của một số TT, các em buộc phải nỗ lực gấp đôi. Các TT này còn bày ra nhiều biện pháp sàng lọc khắt khe hơn cả chương trình chính khóa như: kiểm tra xếp lớp, điểm danh lên lớp, vắng quá số buổi quy định sẽ bị loại, kiểm tra định kỳ, có sổ liên lạc theo dõi quá trình học tập… Vì thế, gánh nặng học tập ở trẻ thực chất đã bị tăng gấp ba”. 

Tiêu Hà - Hà Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI