Học bổng 'Nữ sinh hiếu học vượt khó' lần 27: Người dõi theo 'đường đi' học bổng

15/08/2017 - 09:18

PNO - “Đường đi” của học bổng, bởi thế là hành trình mà chị luôn xem trọng, phải dõi theo để kịp thời động viên, đốc thúc học trò nghèo không bỏ cuộc và cũng để xác tín được giá trị và ý nghĩa.

Ngồi nhớ lại những cái tên như N., T., X… giọng chị Huỳnh Thị Năm - Phó chủ tịch Hội LHPN huyện Bình Chánh- rung lên theo ký ức ùa về. Hơn mười năm đưa học trò nghèo đến với “Học bổng nữ sinh hiếu học vượt khó”, biết bao cái tên chị không thể nhớ hết, nhưng hoàn cảnh và gương mặt của từng em thì vẫn hằn in trong tâm trí chị.

“Năm ấy, tôi tìm đến nhà của em P., một học sinh giỏi thuộc hộ nghèo. Nhưng chữ “hộ nghèo” không nói hết cái nghèo! Vừa bước vào mái hiên nhà P. thì trời đổ mưa. Cơn mưa khiến căn nhà càng thêm ảm đạm.

Học bỏng 'Nũ sinh hiéu học vuọt khó' làn 27: Nguoi doi theo 'duong di' hoc bong
Chị Huỳnh Thị Năm

Tôi thở dài, gõ gõ vào cánh cửa mục. Cửa mở. Tôi bước vào nhà mà lòng trĩu nặng theo từng cơn gió thốc vào bốn bức vách bện bằng lá dừa cũ nát không đủ sức chống chọi. Nền nhà đầy ổ gà, P. học bài bên chiếc bàn xục xịch, vóc dáng cằn cỗi, ánh mắt đượm buồn. Nhà mấy mẹ con, miếng ăn thành bài toán nan giải hàng ngày. Đường học của P. dằn xóc bao khúc khuỷu, chênh vênh.

Mẹ P. trầm tư: “Nhiều lần tui bảo nghỉ học cho rồi, nhưng P. nói còn sức còn chống cự”. Nhưng cuộc chống cự quá nhọc nhằn. Để có tiền mua tập sách, trang trải học phí và phụ mẹ gạo mắm, hằng ngày P. tranh thủ đạp xe hơn mười cây số đi dạy thêm...”.

Kể đến đây, chị Năm trầm ngâm hồi lâu rồi nói tiếp: “Tôi mở ngăn kéo và lôi xấp bằng khen của P. ra xem. Nó giỏi mất hồn em ạ. Nói thật là bọn nhỏ khổ quá! Đi xác minh để đề xuất báo trao học bổng mà lòng dạ xót xa. Nếu vì hoàn cảnh mà chúng phải nghỉ học thì tiếc lắm. Mừng là đứa nào cũng rất nghị lực”. 

Bươn qua quãng đời khó nhọc bằng giấc mơ cháy bỏng, đến nay P. đã thành bác sĩ. Căn nhà xưa chỉ còn trong hoài niệm. Vài bận gặp nhau, mừng cho P., nhưng chị Năm vẫn khắc khoải cái cảm giác bao năm dõi theo em, mấy lần chị thót tim vì sợ nghịch cảnh khiến P. gục ngã. 

Cũng như P., chị Năm cũng không thể quên hình ảnh cô trò nhỏ tên N. đạp xe ba gác đi bán từng mớ rau, nay đang là điều dưỡng, và bao nhiêu học trò nghèo khác. Hạnh phúc của chị không dừng lại ở việc giúp học trò nghèo được nhận học bổng mà còn  là thấy được các em đi đến bến bờ sau hành trình gian khó.

“Đường đi” của học bổng, bởi thế là hành trình mà chị luôn xem trọng, phải dõi theo để kịp thời động viên, đốc thúc học trò nghèo không bỏ cuộc và cũng để xác tín được giá trị và ý nghĩa. 

Không làm nghề dạy học, nhưng công việc và niềm vui của chị Năm chẳng khác “người đưa đò”. Chị bỗng rạng rỡ khi nhớ đến hình ảnh của H., cô trò nhỏ, bon bon chiếc xe đạp mới được tặng năm nào. Nhà H. nằm giữa đồng, phải đi bộ 2 - 3 cây số mới tới trường. Năm ấy, được tin mình là học sinh duy nhất huyện được báo trao xe đạp, H. “nhảy cẫng”.

Hôm nhận học bổng, nhận xe, chị Năm nói H. về bằng xe buýt, để chị cột xe đạp lên xe máy chạy theo sau. Nhưng H. nguầy nguậy lắc đầu. Trước niềm vui quá lớn của cô bé, chị Năm đành để H. đạp xe, còn chị chạy xe máy theo sau suốt chặng đường. Về đến nhà, H. vẫn hăm hở đạp xe đi khoe khắp xóm. 

Hết niềm vui đến nỗi chạnh lòng đan xen theo dòng hồi tưởng. Chị Năm vu vơ: “Cũng có đứa nghĩ đến thấy thương hoài”. Lần đó, xong chương trình trao học bổng, nhóm Bình Chánh tập trung thì vắng mất B.. Chị Năm cuống quýt đi tìm thì thấy B. đang ngẩn ngơ ngắm đường phố. Em bẽn lẽn: “Con thấy đường đẹp quá nên chạy đi coi chút thôi à”.

Sau đó, chị Năm biết B. cũng như nhiều học sinh Bình Chánh chưa từng được về trung tâm thành phố và chưa vượt ra khỏi quãng đường từ nhà đến trường. Ngoài học, các em ở nhà chăm em, giúp mẹ việc nhà…

“Mà, hoàn cảnh như vậy nhiều lắm. Nghèo nhưng được cái hiếu học. Vậy nên cứ vào năm học mới, nhìn bọn trẻ vận chiếc áo trắng ngả màu, thâm đen, tung tăng đi nhận học bổng là mắt tui lại cay xè”, nói rồi chị Năm phẩy tay, ứa nước mắt. 

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI