Du học sinh Pháp tiết lộ bí quyết kiếm việc làm thêm đủ sống tự lập 100% ở xứ người

27/10/2016 - 06:00

PNO - Du học là ước mơ của nhiều người, nhưng không phải ai cũng có đủ điều kiện để du học tự túc. Những chia sẻ dưới đây của Trần.T, chắc chắn sẽ giúp ích cho những ai muốn du học tự túc tại Pháp

Tôi vốn là sinh viên chuyên Anh học ngôn ngữ Pháp của một trường ngoại ngữ ở Hà Nội. Tôi, cũng như bao bạn bè cùng trang lứa, luôn khao khát và nung nấu ước mơ một ngày được đặt chân đến đất nước hoa lệ ấy để được đắm mình trong từng điệu valse, từng ngôi làng nhỏ thơ mộng, những nét đẹp văn hoá... mà chúng tôi mới chỉ được biết đến qua từng trang sách, lời kể của giảng viên.

Tốt nghiệp Đại học với tấm bằng cử nhân trên tay, tôi thấy hụt hẫng khi sắp phải bước ra đời để kiếm một công việc với trình độ tiếng Pháp còn non nớt của mình. Gia đình tôi không khá giả nên đối với tôi, giấc mơ đi du học là điều không thể thực hiện được.

Qua một buổi tư vấn du học ở trường Đại học, tôi biết đến Aupair (chăm sóc trẻ nhỏ) - chương trình vừa học vừa làm tại Pháp dành cho tất cả các sinh viên mong muốn được học tiếng Pháp và giao lưu trao đổi văn hoá con người Pháp.

Để giảm bớt những chi phí dịch vụ không mong muốn dành cho các tổ chức hay công ty môi giới, tôi quyết tâm tự tìm cho mình một gia đình nuôi phù hợp qua các trang mạng. Sau khi nói chuyện với một vài gia đình qua skype và thảo luận về công việc cũng như điều kiện ăn ở tại nhà họ, tôi đã tìm được một gia đình khá ưng ý. Tôi đồng ý kí hợp đồng và bắt đầu chuẩn bị hồ sơ xin visa. Mọi giấy tờ đều không quá phức tạp, tất cả đều được dịch sang tiếng Pháp và được công chứng. Buổi phỏng vấn diễn ra khá nhanh chóng và không hề khó khăn như tôi vẫn tưởng tượng.

Chỉ một vài tuần sau khi phỏng vấn, tôi đã nhanh chóng có được visa trên tay và mua được tấm vé sang Pháp với giá cả phải chăng

Sau hơn 12 giờ, cuối cùng tôi cũng đến được thành phố của gia đình nuôi. Tôi bắt đầu công việc của mình sau vài ngày nghỉ ngơi, đó là đưa cậu bé đi học, chơi với cậu và dọn dẹp nhà cửa một lần một tuần. Mỗi tuần tôi đều có hai đến ba ngày đi học thêm tiếng Pháp ở trung tâm tiếng và cuối tuần đều là thời gian nghỉ ngơi hoặc đi dã ngoại cùng gia đình. Mỗi tháng tôi nhận được khoảng 300 euros để tiêu vặt.

Gia đình nuôi khá thân thiện, luôn quan tâm và động viên để giúp tôi vơi đi nỗi nhớ quê hương, gia đình. Ban đầu, tôi khá rụt rè và sợ nói tiếng Pháp vì chưa có thói quen giao tiếp trực tiếp với người bản xứ. Họ khuyến khích tôi xem tivi và đọc truyện thật nhiều để làm giàu vốn từ vựng của mình. Mỗi khi họ đi ăn tối ở nhà bạn hay tham gia hội hè, tiệc tùng đều dẫn tôi theo để giúp tôi hoà nhập hơn với cuộc sống và văn hoá ở đây. Những chuyến du lịch mùa Noel tới Paris xinh đẹp, thành phố Nantes, Poitiers sôi động hay cùng đi ngắm cảng ở La Rochelle, đằm mình dưới nước biển xanh ngắt ở Les Sables-d'Olonne... là những chuyến đi vô cùng thú vị mà tôi chưa bao giờ dám nghĩ tới ngày mình được đặt chân đến.

Du hoc sinh Phap tiet lo bi quyet kiem viec lam them du song tu lap 100% o xu nguoi
Những cánh đồng hoa lavender thơ mộng tại Pháp nơi mà T đang du học

Một vài tháng sau, tôi đã thấy mình khả năng giao tiếp của mình tiến bộ lên rõ rệt và cảm thấy khá thích thú với cuộc sống nơi đây. 10 tháng trôi qua, tôi phân vân giữa ở và về, cuối cùng tôi chọn cho mình cơ hội "Du học tự túc".

Tôi tìm kiếm trên các diễn đàn của các trường Đại học khác nhau để tìm được ngành học phù hợp với năng lực của mình. Sau khi hồ sơ xin học Đại học ngành truyền thông ở một thành phố miền Nam nước Pháp được chấp nhận, tôi tạm biệt gia đình nuôi. Với ngân sách hạn hẹp 2000 euros tiết kiệm từ số tiền tiêu vặt, tôi khó khăn lắm mới tìm được một căn phòng nho nhỏ để thuê. Căn phòng rộng 9m2 nằm trong một căn hộ khá sạch sẽ và ngăn nắp. Tôi phải chi trả tổng tiền nhà, điện nước và Internet là 270 euros. Tuy nhiên, do còn là sinh viên và chưa có thu nhập, tôi được nhận một khoản hỗ trợ nhà ở của Chính phủ Pháp khoảng 90 euros. 

Nghĩ đến vô số khoản tiền phải nộp sắp tới (tiền đăng kí học, tiền gia hạn thẻ cư trú, tiền tàu xe đi lại, ...), tôi vô cùng hoang mang khi nhìn vào số tiền dư trong tài khoản. Tôi bắt đầu chiến dịch rải đơn xin việc ở những quán ăn châu Á, tiệm bán đồ ăn nhanh của Pháp, hay ở những hàng bán quần áo, giầy dép. Hai tuần đằng đẵng dưới tiết trời nắng gắt mùa hè 36°C, tôi lang thang hết những ngóc ngách của thành phố, quyết không một giọt nước mắt rơi, không một lời than vãn với gia đình. Cuối cùng, tôi cũng được nhận làm nấu ăn và rửa bát trong một nhà hàng châu Á.  

Hàng ngày, tôi bắt đầu công việc từ 10 giờ sáng, nấu đồ ăn trưa cho tất cả mọi người và có 15-20 phút để ăn. Sau đó làm không ngừng nghỉ đến 15 giờ chiều, ca tiếp theo sau 30 phút và kết thúc lúc 23 giờ tốiMỗi ngày tôi nhận được 40 euros, không có hợp đồng lao động và cũng không hề có bảo hiểm xã hội. Cứ thế ròng rã một tháng rưỡi hè làm không ngừng nghỉ (trừ chủ nhật), tôi cũng kiếm được một khoản tiền nho nhỏ để trang trải cho đầu năm học tới. Tuy những ngày tháng ấy vô cùng mệt mỏi và nhiều khi cảm thấy kiệt sức nhưng tôi vẫn thấy hạnh phúc và hãnh  diện vì đang dần thực hiện ước mơ du học của mình mà không cần trợ cấp của gia đình. Một cuộc sống tự lập hoàn toàn của một đứa con gái nhỏ bé trên xứ người.

Sau khi thủ tục nhập học hoàn tất với tiền học phí và bảo hiểm cả năm gần 400 euros,  tôi bắt đầu năm học cử nhân đầu tiên của mình. Môi trường học tập ở đây khá dễ chịu nhưng cũng vô cùng áp lực. Hàng ngày lên lớp, tôi được giao khá nhiều bài tập và mọi bài làm hầu hết được thực hiện theo nhóm. Giảng viên luôn khuyến khích sinh viên học theo cách này vì kĩ năng này sẽ được đánh giá cao trong môi trường làm việc sau khi ra trường. Bên cạnh việc học môn chính trên lớp, học nhóm, tôi luôn đề cao việc học tập trung trên giảng đường dù điều đó không hề bắt buộc. Mỗi tiết học, tôi đều chăm chú nghe giảng và không quên mang theo chiếc máy ghi âm nhỏ. Mỗi tối về, tôi đều cố gắng nghe lại bài giảng dù không thể hiểu hết từ đầu tới cuối. Sau đó, tôi thường ghi chép lại những câu hoặc những từ mới để tiết sau lên lớp nhờ bạn bè giải thích hoặc tìm kiếm trên google.

Lịch học trên trường dày đặc khiến tôi không có nhiều thời gian để đi làm thêm trong khi tiền thuê nhà phải trả hàng tháng, tiền đi chợ rồi cả tiền tiêu vặt trên trường. Thoắt cái đã đến kì nghỉ đông 3 tuần và cũng là dịp lễ Giáng Sinh, sau đó cũng là kì thi cuối học kì I. Trong khi bạn bè ở trường và bạn thuê chung nhà đều nô ức bắt tàu về nghỉ lễ, tôi nhận tăng ca hai tuần ở nhà hàng và một tuần để ôn thi. Mỗi tối về đến nhà sau khi làm thêm, thay vì nằm bẹp xuống giường, tôi đều tận dụng một đến hai giờ để ôn thi. Kì học đầu tiên trôi qua khá suôn sẻ và kết quả thi cũng không hề tệ chút nào.

Du hoc sinh Phap tiet lo bi quyet kiem viec lam them du song tu lap 100% o xu nguoi
Cô đến được những nơi từng mơ ước nhờ du học tự túc

Sau sáu tháng kể từ ngày nhập học, số tiền ít ỏi kiếm được không đủ để trang trải cho cuộc sống ở đây, tôi bắt đầu tìm kiếm một công việc mới. Công việc tiếp theo mà tôi tìm được là cuộn sushi cho một quầy bán đồ ăn nhanh trong siêu thị. Do không được bỏ quá số buổi học bắt buộc trên lớp, tôi chỉ xin đi làm ngày thứ 7. Công việc không nặng nhọc và vất vả như công việc trước đó mà tôi đã làm nhưng bù lại, mỗi ngày tôi phải thức dậy từ 6 giờ sáng và bắt đầu công việc lúc 7 giờ. Tôi có một tiếng rưỡi  để nghỉ ngơi, ăn uống lúc 12 giờ 30 và tiếp tục công việc lúc 14 giờ chiều cho đến 20 giờ tối. Hai tháng đầu, tôi cũng chỉ kiếm được 320 euros, quả thực với số tiền này, tôi cũng chỉ đủ tiêu và dư một chút ít để phòng trường hợp ốm đau, thuốc thang. 

Năm học Đại học đầu tiên kết thúc và cũng là bắt đầu của mùa làm thêm, tôi mỉm cười khi nghĩ tới những ngày tháng đã qua và không quên lời dặn của bố tôi "không có việc gì khó, chỉ sợ lười không làm". Cứ thế cứ thế, tôi quen dần với nhịp sống "du học tự túc" và không quên dành dụm chút tiền ít ỏi để gửi về biếu bố mẹ. 

Hiện giờ, tôi đã kết thúc 3 năm học Đại học tại Pháp và đang tiếp tục học Thạc sỹ tại đây.

Titam Traan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI