Du học Nhật Bản: Rẻ, hấp dẫn nhưng khó

02/01/2018 - 11:45

PNO - Học phí vừa phải, cơ hội việc làm tốt là những ưu điểm thu hút của giáo dục Nhật Bản. Nhưng quy củ gắt gao, áp lực lớn, chỉ sử dụng tiếng Nhật là rào cản cho du học sinh tại đất nước này.

Hấp dẫn nhưng… “khó nuốt”

Bạn Đặng Văn Hưng (quê Thanh Hóa) sau khi tốt nghiệp đại học và đi làm tại Hà Nội đã chọn… Nhật tiến. Hưng theo học ngành Kinh doanh tại trường trung cấp Chuo yoho senmon gakko. Nhờ đi học chuyên cần nên Hưng được giảm 50% học phí 140 triệu/năm. Ngoài giờ học, Hưng đăng ký làm thêm 8 tiếng/ngày tại một cửa hàng bán đồ lưu niệm tại Tokyo. Không chỉ được luyện thêm tiếng Nhật, công việc làm thêm còn giúp Hưng dư tiền sinh hoạt và gửi về cho ba mẹ ở quê.

“Tại Nhật, bạn đi học chuyên cần đều có chính sách học bổng, các trường trung cấp có khi giảm đến 50% học phí. Một vài trường ĐH còn cấp cho sinh viên 30.000 yên/tháng nếu năm nhất đi học đủ 100% và có trình độ tiếng Nhật N2 trở lên. Chưa kể, những du học sinh như em có thể làm thêm 28 tiếng/tuần với thu nhập rất tốt nên du học ở đây tưởng đắt mà rẻ”, Hưng cho biết.

Du hoc Nhat Ban:  Re, hap dan nhung kho
Đặng Văn Hưng: Ngoài giờ học, em làm thêm vừa luyện tiếng Nhật vừa dư chi phí du học

Du học Nhật Bản hiện là trào lưu của các bạn trẻ. Thống kê cho thấy, du học sinh Việt Nam tại Nhật hiện đông nhất, lên tới 38.000, chiếm 29,2% trong số 130.000 công dân Việt Nam đang học ở nước ngoài. Học phí không quá cao như các nước Âu Mỹ và còn có thể làm thêm trong quá trình học. Và quan trọng là có cơ hội ở lại Nhật làm việc với mức lương cao vì dân số Nhật đang già đi, nhiều ngành nghề đang khát nhân lực.

Thế nhưng, phàm cái gì hấp dẫn thuờng kèm theo điều kiện nghiêm ngặt. Nhật là đất nước văn minh, quy củ nhưng cũng rất truyền thống. Đa phần người dân, doanh nghiệp và các trường đại học chỉ giao tiếp, dạy học bằng tiếng Nhật. Vì vậy, muốn học tập và làm việc tốt tại Nhật, bạn nhất thiết phải biết tiếng Nhật (kể cả khi theo học chương trình tiếng Anh). Và điều quan trọng là họ không chấp nhận sự thiếu trung thực.

Du hoc Nhat Ban:  Re, hap dan nhung kho
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT đến thăm du học sinh VN tại trường Nhật ngữ Meiyuu

Tại buổi làm việc với ĐH Trà Vinh, GS.TS.BS Nagato Natsume, Lãnh sự danh dự của Việt Nam tại tỉnh Aichi, Nhật Bản, cho biết: Tỉnh Aichi là quê hương của các tậo đoàn công nghiệp lớn nhất Nhật như Toyota, Honda, Mitsubishi… và có khoảng 60 trường ĐH nên thu hút 22.000 người Việt đến làm việc và học tập. Người VN tập trung tại Aichi chỉ sau Tokyo. Tôi cố gắng thúc đẩy để con số này tăng lên khoảng 50.000 người. Nhưng vấn đề đang gặp phải là số người Việt vi phạm pháp luật khá nhiều, năm 2016 đã có 3.700 vụ, chủ yếu là những vụ cắp vặt, mua vé tàu thiếu trung thực…

“Điều này làm ảnh hưởng xấu đến sự xét duyệt chung cho các du học sinh và lao động người Việt khi sang Nhật. Đó là chưa kể, nhiều công ty còn làm hồ sơ thiếu trung thực cho du học sinh, người lao động. Một khi bị phát hiện thì sẽ bị loại ngay, thậm chí là bị trả về VN”, GS Natsume nhấn mạnh.

Theo vị giáo sư này, điều ông trăn trở nhất là các công ty dịch vụ du học, công ty môi giới xuất khẩu lao động đang làm sai rất nhiều. Họ chỉ làm sao để thu thật nhiều tiền môi giới của người lao động, người học rồi đem “bán” họ lại cho các công ty khác làm cho chi phí sang Nhật của người Việt bị đội lên rất cao. “Với vai trò là Lãnh sự danh dự, tôi cố gắng để du học sinh, người lao động VN đến Aichi không phải qua các công ty môi giới, giảm thiểu chi phí cho người dân”, GS cho biết.

Không nên "sính" trường xịn

Theo các du học sinh tại Nhật, vấn đề khó nhất khi đến Nhật không phải học phí, tiền sinh hoạt mà là ngôn ngữ và làm sao để theo kịp tác phong học tập, làm việc của người bản xứ.

Khi quyết định chọn Nhật tiến, chắc chắn bạn phải có khả năng tiếng Nhật, ít nhất là trình độ N4 hoặc N3. GS Norimasa Morita, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Waseda (Tokyo) khẳng định: “Chúng tôi có chương trình tiếng Anh dành cho du học sinh. Nhưng để sống tốt tại Nhật thì du học sinh vẫn nên biết tiếng Nhật”. Tương tự, GS Paul Snowden, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kyorin (Tokyo) khẳng định chỉ đào tạo bằng tiếng Nhật, kể cả với du học sinh. Lời khuyên của các vị này là không "sính" trường quá xịn.

GS Natsume cho biết chỉ riêng tại Aichi đã có tầm 60 trường đại học, phân tầng đại học rất rõ ràng nên người học tuỳ vào sức mình lựa chọn. “Danh tiếng nhất tại đây là ĐH Nagoya- nơi có 7 giải Nobel từ năm 2000 đến nay- chắc chắn dành cho những du học sinh cực giỏi. Hay trường tư thục nổi tiếng ĐH Aichi Gakuin- ngôi trường có nhiều chủ tịch tập đoàn lớn nhất Nhật Bản theo học- với mức học phí hơn 26.000 đôla/năm. Nếu không có điều kiện kinh tế tốt hoặc đủ giỏi để săn học bổng thì du học sinh nên chọn các trường tầm trung, vừa sức.

Du hoc Nhat Ban:  Re, hap dan nhung kho
GS Nagato Natsume (bìa trái) giới thiệu cho lãnh đạo Bộ GD-ĐT Việt Nam về những tính năng thông minh của tòa nhà ĐH Aichi Gakuin chuẩn 5 sao

TS Hà Thị Kim Sa, Hiệu trưởng trường THCS-THPT Hồng Hà (TPHCM), trường có nhiều du học sinh đang theo học tại Nhật, mách nước: “Chúng tôi sang Nhật tìm hiểu để hỗ trợ đầu ra cho học sinh sau khi tốt nghiệp THPT thấy rằng các em không nên “sính” trường nổi tiếng. Môi trường ở Nhật rất khác các thị trường du học Âu Mỹ, họ nghiêm ngặt và hầu như chỉ sử dụng tiếng Nhật. Người học phải biết tiếng và học được tác phong, pháp luật của họ thì mới có thể phát triển tốt. Tôi cho rằng, du học sinh Việt  nên chọn học các trường trung cấp học 2 năm, có thể vừa học vừa làm để tích luỹ tiếng Nhật, chi phí để học tiếp lên đại học. Đây là con đường tắt thông minh. Và khi chọn trường ĐH, nếu không phải quá xuất sắc để có được học bổng, tôi khuyên các em nên chọn trường vừa phải, hoặc trường có giảng dạy bằng tiếng Anh để đỡ áp lực về ngôn ngữ”.

Dựa vào trải nghiệm bản thân, bạn Nguyễn Phương Thảo, du học sinh trường Tokyo Kaike IT Senmon khẳng định: Hai năm học tại trường trung cấp thực sự hiệu quả cho du học sinh nước ngoài đến Nhật. Năm đầu, họ dạy về các kiến thức chuyên môn. Năm 2, dạy toàn bộ kỹ năng: lễ nghĩa của người Nhật,văn hoá doanh nghiệp Nhât, kỹ năng xin việc. Người học không có cơ hội không xin được việc bởi sau mỗi đợt đào tạo, huấn luyện, họ sẽ đưa học viên đến doanh nghiệp học việc. Nhận được phản hồi khiếm khuyết gì sẽ được khắc phục trong giai đoạn đào tạo tiếp theo.

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI