Đơn xin nghỉ học của học trò nghèo gây xúc động mạnh: Điều gia đình cần nhất

08/10/2016 - 14:50

PNO - Sau khi lá đơn xin nghỉ học của em Trúc được đưa lên mạng xã hội, cơ quan ban ngành và nhiều nhà hảo tâm đã vào cuộc hỗ trợ tiền và hiện vật. Nhưng điều mà gia đình em Trúc cần nhất lại là việc làm.

Không chỉ là tiền và hiện vật

Sáng ngày 8/10, trao đổi với Phụ nữ TP. HCM, ông Lê Anh Hồng - Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Như Thanh, Thanh Hóa cho biết, trường hợp em Quách Văn Trúc (học sinh lớp 7C Trường THCS xã Xuân Khang, huyện Như Thanh) phải viết đơn xin nghỉ học vì gia đình quá nghèo chỉ là một trong rất nhiều trường hợp đã và đang xảy ra trên địa bàn huyện.

"Nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn hơn cả em Trúc đã phải chủ động viết đơn xin nghỉ học vì không có điều kiện tới trường, mặc dù bản thân các em rất ham học. Trường hợp của em Trúc được mọi người quan tâm khi lá đơn xin nghỉ học được đưa lên mạng xã hội gây xúc động mạnh. Đây là vấn đề khó khăn, nan giải đang xảy ra ở huyện Như Thanh. Rất may các ban ngành của huyện và các nhà hảo tâm đã vào cuộc kịp thời nên em Trúc chỉ phải nghỉ học một thời gian ngắn rồi được tiếp tục tới trường" - ông Hồng nói.

Theo ông Hồng, mấy ngày trước, huyện Như Thanh đã hỗ trợ em Trúc một chiếc xe đạp để con đường tới trường của cậu học sinh nghèo "ngắn lại". Trong thời gian tới, Hội Khuyến học huyện tiếp tục sẽ xuống hỗ trợ em Trúc và gia đình.

Chính quyền xã Như Khang cũng đang vận động mỗi hộ gia đình trên địa bàn ủng hộ em Trúc 2kg gạo vào 10.000 đồng. Trong ngày 7/10, Hội chữ thập đỏ của huyện Như Thanh đã hỗ trợ 5 triệu đồng, quỹ bảo trợ xã hội huyện hỗ trợ gạo quy ra tiền là 3,2 triệu đồng (trong đó mua cho gia đình em Trúc 1 tạ gạo, còn lại gửi tiền mặt), Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện hỗ trợ sách vở, đồ dùng học tập cho em Trúc.

Don xin nghi hoc cua hoc tro ngheo gay xuc dong manh: Dieu gia dinh can nhat
Trúc bật khóc khi nghĩ về gia đình (Ảnh VNE).

Tuy nhiên, ông Hồng cũng cho rằng, việc hỗ trợ bằng tiền và hiện vật với em Trúc chỉ là giải pháp tạm thời nhằm giải quyết vấn đề trước mắt. Còn về lâu dài thì cần phải tạo được việc làm cho bố mẹ em Trúc.

Ông Hồng nói: "Bố mẹ em Trúc có sức khỏe yếu, thường xuyên bệnh tật nên không thể lao động nặng nhọc. Cả năm chỉ sống bằng nghề làm thuê, không đủ tiền thuốc cho họ uống thì làm sao có điều kiện để đong gạo, may áo, mua sách... cho con tới trường".

Trong các chương trình khuyến học của huyện Như Thanh cũng có rất nhiều hỗ trợ khen thưởng cho các em đạt thành tích cao trong học tập. Tuy nhiên lại chưa có chương trình mang tính chất thường xuyên nào hỗ trợ cho các em học sinh nghèo hiếu học tới trường.

Ông Hồng cho rằng, để các em được đi học thì vấn đề chính không nằm ở việc hỗ trợ trong từng trường hợp cụ thể mà cần có những chính sách cụ thể, lâu dài, đòi hỏi tất cả các ban ngành đều vào cuộc. "Ngay như các chương trình hỗ trợ trong các dự án 135, người dân miền núi, hay học sinh trước khi đi học Đại học dạng cử tuyển đều được cam kết việc làm khi trở về địa phương. Tuy nhiên, đến khi các em đi học về thì lại chẳng ai nhận vì rất nhiều lý khác nhau.... Như thế thì các em có muốn đi học cũng chẳng dám" - ông Hồng chia sẻ.

Ông Phùng Đức Hạnh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Như Thanh cũng cho rằng, điều mà gia đình em Trúc cần nhất bây giờ không phải là tiền bạc và vật chất mà chính là việc làm có nguồn thu nhập ổn định, lâu dài. "Có việc làm thu nhập ổn định thì chất lượng cuộc sống mới nâng cao, em Trúc có tâm lý ổn định tới trường và học lên cấp cao hơn" - ông Hạnh khẳng định.

Nhưng ông Hạnh cũng khẳng định, trên địa bàn huyện Như Xuân hiện nay chưa phát triển ngành nghề nào phù hợp cho những người có sức khỏe yếu. Nếu có chỉ là của người khuyết tật, nhưng đằng này bố mẹ em Trúc đều không phải là khuyết tật mà chỉ là bệnh tật và không thuộc thành viên của liên đoàn lao động huyện (chỉ là lao động tự do) nên cũng khó hỗ trợ.

Don xin nghi hoc cua hoc tro ngheo gay xuc dong manh: Dieu gia dinh can nhat
Lá đơn xin nghỉ học của Trúc khiến nhiều người xúc động.

Sau giờ học là chăn bò, bắt ốc

Trong ngày 7/10, nhiều phóng viên báo chí cũng đã tìm đến căn nhà của em Quách Văn Trúc ở sườn núi thôn Xuân Hòa, xã Xuân Khang. Bên trong căn nhà ấy chẳng có gì đáng giá. Bố Trúc ốm thập tử nhất sinh, mẹ em cũng thường xuyên đau yếu.

Để có thể duy trì cuộc sống, sau giờ lên lớp, Trúc phải đi chăn bò, mò bắt ốc để cải thiện bữa ăn. Vì không có thời gian học tập, nên sức học của Trúc chỉ ở mức trung bình khá. Nhưng theo cô giáo chủ nhiệm, Trúc rất ngoan và hiếu học.

Khó khăn, mệt nhọc là vậy nhưng Trúc chẳng bỏ học buổi nào. Chỉ đến đầu năm học 2016 - 2017, Trúc nhìn thấy trong nhà chẳng còn hạt gạo, bố mẹ đối diện với cái chết mà không có thuốc uống nên mới chủ động viết đơn xin nghỉ học ở nhà chăn dê thuê với giá 1,2 triệu đồng/ tháng.

"Bố Trúc bị bệnh phổi, gần đây lại phát hiện thêm ông bị suy thận giai đoạn cuối, bệnh viện trả về. Gia đình Trúc phải thường xuyên ăn cháo qua ngày. Bố mẹ Trúc vẫn động viên con tới trường, nhưng họ biết nhà không còn đủ khả năng thế nên khi Trúc viết đơn xin nghỉ, họ đành ngầm ngùi nuốt nước mắt vào trong" - một vị cán bộ xã Xuân Khang cho biết.

Khi nhận được hỗ trợ từ chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm, hiện Trúc đã quay trở lại trường học. Ước mơ của Trúc sau này được trở thành bác sĩ chữa bệnh cho bố và những người có hoàn cảnh nghèo.

Ông Nguyễn Xuân Hoàng - Hiệu trưởng Trường THCS Xuân Khang nói: "Lòng hiếu học và có hiếu với cha mẹ của Trúc khiến nhiều người phải cảm động. Nhà trường đã hỗ trợ Trúc nhưng cũng chỉ được 1 phần nào, rất mong Trúc và gia đình sớm vượt qua khó khăn này".

Đông Tẩu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI