Dạo phố ngắm cảnh để học văn!

09/11/2017 - 08:47

PNO - Ngay sau phần khai mạc cuộc thi, 144 thí sinh lên xe buýt, bắt đầu chuyến dạo phố để cảm nhận và ghi chép.

Thí sinh (TS) nhận đề ngay trên xe buýt và có 2 giờ đồng hồ dạo phố, ngắm cảnh, sau đó có thể ngồi trong phòng thi hoặc trên ghế đá sân trường để làm bài, miễn là thấy thoải mái… Đó là những “phá cách” của cuộc thi năm nay, đã mang đến cho các TS những thú vị mới.

Dao pho ngam canh de hoc van!

Các em học sinh chuẩn bị di chuyển lên xe buýt để làm bài

Dõi theo cuộc thi này, do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP.HCM và báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức mới thấy, khi người thầy có sự dụng tâm thì chuyện học văn của học sinh (HS) đã không còn quá khó.

Cuộc thi năm nay là một trải nghiệm thực sự lạ, từ hình thức đến nội dung đề thi. TS tham gia được yêu cầu phải… đi tham quan, ngắm nhìn thành phố để lấy chất liệu làm bài. Ngay sau phần khai mạc cuộc thi, 144 TS lên xe buýt, bắt đầu chuyến dạo phố để cảm nhận và ghi chép.

Giám thị coi thi có nhiệm vụ làm “hướng dẫn viên du lịch”: thuyết minh về những địa điểm TS đi qua và giải đáp mọi thắc mắc cho TS. Đề thi cũng được phát ngay trên xe buýt.

Chuyến tham qua bắt đầu từ trung tâm Q.3, qua nhiều tuyến đường lớn, các bảo tàng, phố đi bộ Nguyễn Huệ, những trung tâm thương mại, điểm cuối là khu đô thị mới Thủ Thiêm. Nhiều TS ở các vùng ven, chưa một lần được vào trung tâm thành phố nên rất phấn khích, giơ tay đặt câu hỏi liên tục.

Đi thi như… đi chơi nên các em gần như không phải chịu áp lực nào. Khi làm bài, các em được thoải mái sử dụng tài liệu hoặc tra cứu thông tin trên internet, kết hợp với những gì đã ghi nhận được trong hành trình tham quan.

Dao pho ngam canh de hoc van!

Học sinh trường Trần Đại Nghĩa đang làm bài thi

Ở khối 6 và 7, TS được yêu cầu: “Quan sát, lắng nghe cuộc sống suốt hành trình trải nghiệm để viết bài văn với một trong hai nhan đề: Cuộc sống qua ô cửa xe buýt hoặc Sắc màu thành phố tôi yêu”. Cũng với hành trình này, TS khối lớp 8 và 9 sẽ quan sát, kết nối thông tin và cảm xúc để viết bài Cảm nhận cuộc sống qua “góc nhìn trẻ, tư duy trẻ”. 

Đáng ghi nhận là không riêng kỳ thi Văn hay chữ tốt này, mà cả trong các kỳ kiểm tra định kỳ, ngành GD-ĐT TP.HCM cũng không ngừng đổi mới cách ra đề, cách thức tổ chức để tạo cảm hứng học văn, viết văn cho HS.

Về hình thức, các em được trải nghiệm, được nhìn ngắm thiên nhiên, cuộc sống để có tư liệu và cảm hứng làm bài; được tự do viết theo cách riêng của mình trong một không gian cũng rất tự do (có thể di chuyển quan sát mọi thứ và thoải mái trao đổi); không bó mình trong phòng thi như trước.

Đề bài cũng đơn giản, sinh động, bằng cả hình vẽ và những câu từ ngắn gọn, hoàn toàn mở, gắn với cuộc sống, đề cao tính sáng tạo, hướng đến việc kết nối thông tin với cảm xúc. Với cách thức này, cuộc thi như trở thành một hành trình từ trải nghiệm đến sáng tạo văn chương.

Tất nhiên, để được điều này, những người tổ chức phải làm việc rất kỳ công. “Cả 144 em đều có nét chữ đẹp, hành văn trong sáng, có cảm nhận cuộc sống sâu sắc, có năng lực quan sát thực tế và chuyển hoá thành cảm xúc văn chương” - ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, đánh giá.

Giữa lúc thực tế dạy và học môn văn đang có nhiều bất cập, việc tạo ra một sân chơi thú vị và đầy sức hút như thế đã góp phần không nhỏ giúp HS yêu lại môn văn - một nỗ lực giáo dục rất ý nghĩa. 

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI