Các bậc phụ huynh phản đối “mối tình cô - trò” này bằng cách gửi đơn đến các cơ quan chức năng nhằm bảo vệ hình ảnh người giáo viên và sự phát triển tâm sinh lý của học trò. Một lần nữa, tình yêu tuổi mới lớn được nhìn lại từ nhiều góc độ của cộng đồng.
|
Ảnh minh họa |
Nên tôn trọng cảm xúc của con trẻ
Tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy - giảng viên Học viện Hành chính quốc gia - nhấn mạnh việc nên tôn trọng cảm xúc của con trẻ: con trai, con gái ở tuổi mới lớn (tuổi này hiện nay ngày càng sớm, 13-14 tuổi) đã có cảm xúc giới tính khiến các em bắt đầu để ý và thích người khác phái. Rung động đầu đời lại là yếu tố rất cần thiết để xác định giới tính và độ trưởng thành của trẻ.
Với một đứa trẻ, trong môi trường học đường, những rung động này rơi vào đâu, chúng chưa thể sáng suốt lựa chọn được. Có thể là bạn bè cùng lớp, cũng có thể là một cô giáo, thầy giáo mà chúng ngưỡng mộ. Trẻ không có lỗi gì, cha mẹ nên hết sức trân trọng rung động của con, đừng chỉ trích những cảm xúc rất “người” này. Điều cần thiết nhất là cha mẹ phải ngồi lại với con, sát bên con trong hành trình yêu đương đầu đời của chúng.
Khi biết con mình phải lòng thầy, cô, cha mẹ không nên làm lớn chuyện, đừng coi đó là tội lỗi. Nhưng muốn làm được điều đó, cha mẹ phải thật sự là bạn của con, mới được nghe chúng tỉ tê tâm sự, từ đó định hướng cho trẻ. Có người tâm sự với con “hồi đó mẹ cũng thích thầy giáo dạy văn”; “ba cũng mê một cô giáo”… trẻ sẽ tò mò hỏi tiếp câu chuyện, đó là cơ hội để cha mẹ vừa bảo vệ, vừa dẫn dắt cảm xúc của con.
Có những cha mẹ nghe chuyện con mình yêu, thích thầy giáo, từ kênh bạn bè của con, đã lớn tiếng ra lệnh “không được yêu” và lập tức chuyển trường cho con. Vô tình họ đã gây cho trẻ tổn thương quá lớn, và mối quan hệ giữa cha mẹ con cái cũng khó hàn gắn lại được.
Đồng tình với TS Phạm Thị Thúy về trách nhiệm của cha mẹ đối với cảm xúc giới tính của con, nhưng các bậc phụ huynh còn gửi gắm nhiều yêu cầu với thầy cô.
Chị Nguyễn Hồng Sinh (Q.1, TP.HCM), phân tích hai khía cạnh: “Ở góc độ con trẻ, tình cảm, tâm hồn, suy nghĩ của chúng đều còn quá non nớt, dễ bị ngộ nhận, không phân biệt được đâu là sự ngưỡng mộ, quý mến, hay tình cảm lứa đôi. Tôi từng chứng kiến nhiều bạn học của mình quý mến thầy giáo vừa ra trường. Tình cảm đó làm xao lãng không ít thời gian học hành. Và khi lớn lên, nhìn lại, hóa ra đó không phải là tình yêu thật sự.
Về phía thầy cô, cũng đã xảy ra chuyện lợi dụng, xâm hại học trò. Vì vậy, để nhìn nhận vấn đề thầy có tình cảm với trò được trong sáng, có lẽ tuổi tác không nên chênh lệch quá nhiều. Cả thầy lẫn trò đều cần có sự kìm nén, chờ đến khi học sinh ra trường, có độ chín chắn nhất định, thì hẵng nghĩ đến chuyện lâu dài. Tình yêu trong những trường hợp hết sức đặc biệt như thế cần có thời gian và sự suy xét nghiêm cẩn, để môi trường học đườ ng vẫn trang nghiêm và mối quan hệ thầy trò luôn trong sáng, chân thành”.
Chị Phan Nữ Nhật Minh (Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM) cho lệch, có thể tình cảm phát sinh đúng là tình yêu. Cả thầy trò và phụ huynh cần có sự cân nhắc, xác định thời gian phù hợp để công khai và tiến xa hơn trong tình cảm.
Thầy cô cẩn có cách cư xử nhân văn
Trẻ không có lỗi, rung động không có lỗi, và để trẻ vượt qua giai đoạn mới yêu lần đầu một cách an toàn, không chỉ cần sự thấu hiểu, dẫn dắt của cha mẹ, mà trẻ còn rất cần cách ứng xử nhân văn của thầy cô.
Khảo sát với 30 thầy giáo cấp II, III tại TP.HCM, hầu hết các thầy từng chứng kiến tình huống nữ sinh yêu thích thầy giáo, và cho rằng thầy yêu trò theo chiều hướng nào tùy thuộc vào nhân cách của các thầy. 45% các thầy ủng hộ việc thầy giáo trẻ, độc thân khéo léo nuôi dưỡng mối tình đó đến khi các em trưởng thành về mặt thể lý, cảm xúc và họ đã cưới nhau khi cô gái đến tuổi kết hôn. Hầu hết đều lên án việc thầy lợi dụng tình cảm trong sáng của trò để thỏa mãn dục vọng, nhất là những thầy đã có gia đình.
Tình huống nam sinh yêu cô giáo không phổ biến bằng nữ sinh yêu thầy, nhưng cũng không còn cá biệt. Ngày xưa, các cậu học sinh chỉ dám yêu thầm, vì sợ bạn bè cười, cô giáo la, cha mẹ mắng, còn bây giờ, dư luận đã thoáng hơn và có nhiề u phương tiện để bày tỏ hơn: nhắn tin, gọi điện, mạ ng xã hộ i. 30 cô giáo được hỏi đều phản đối hiện tượng cô yêu trò: chênh lệch tuổi tác trong tình yêu không phải là chuyện lớn, nhưng trong nghề giáo thì không thể chấp nhận được, yêu trò thì cô giáo coi như chẳng còn dạy dỗ được ai nữa.
Cô giáo xử lý tình huống này thế nào?
Cô Trương Thị Cúc, Trường tiểu học Lê Quý Đôn (Q.7), cho biết: “Tôi từng “bị” một nam sinh “nhìn đắm đuối”. Em này học lớp 5, lưu ban nhiều năm, nên già dặn hơn các bạn cùng lớp. Vẫn biết đó là rung động rất trẻ con, nhưng nếu cô giáo bật đèn xanh, thì “phản ứng hóa học” ở trẻ sẽ diễn ra nhanh hơn, và cả cô lẫn trò đều có thể bước qua ranh giới ham muốn của nam, nữ. Vì thế, tôi chặn đứng luôn tình hình này bằng cách không tạo cơ hội cho em gặp cô kiểu như lúc tặng quà, lúc đến nhà cô chơi. Một thời gian sau, em không còn quan tâm đặc biệt đến tôi nữa”.
Cô giáo Phan Phương Mai, Trường THCS Nghĩa Hà, Quảng Ngãi: “Trò yêu cô chỉ là thái độ ngưỡng mộ thôi, với cảm xúc đầu đời trong sáng. Các em chưa biết yêu. Nếu là tôi, có lẽ tôi sẽ cảm thông, không xa lánh, và tìm mọi cách cho trò hiểu mình không phải là đối tượng để em có thể yêu.
Có thể nói chuyện với cả lớp về tình yêu, khéo léo gài vô bài học nào đó rồi dần dần lái theo quỹ đạo của mình. Tiếp theo là khuyến khích em ấy học, tế nhị khi cư xử với em. Và cho em biết rõ ranh giới cảm xúc. Thường học trò dù có yêu cô giáo cũng nhút nhát và có khoảng cách, chỉ thầm kín thôi. Quan trọng là cách ứng xử của thầy cô, không thể la mắng các em được.
Thật độc ác khi lợi dụng tình cảm của bọn trẻ, làm vẩn đục tâm hồn chúng. Tình yêu của học trò khi còn ngồi trên ghế nhà trường sẽ theo chúng suốt đời, nên không thể chà đạp lên những tình cảm đó. Không thể biện minh rằng yêu học trò là bình thường, vì xét cho cùng cũng là hai người khác phái, vì quan hệ xã hội và đạo đức nghề nghiệp không cho phép. Hồi xưa thầy trò là quan hệ cha mẹ - con cái, nên dù có thầy cô lỡ yêu trò cũng cắn răng mà quên đi”.
Học trò nói gì?
Em Ngô Khánh Linh (HS lớp 9 trường THCS Ngô Sĩ Liên): “Nếu em nói ủng hộ điều này cũng không hẳn, vì nhiệm vụ chính của học sinh là phải tập trung vào việc học. Nhưng em cũng không lên án nếu những người trong cuộc không đi quá giới hạn. Vì điều quan trọng nhất là thầy cô phải để lại ấn tượng tốt đẹp trong mắt học sinh.
Xung quanh em, chưa gặp trường hợp “éo le” này. Nhưng giả sử sau này em lâm vào tình cảnh như thế, em sẽ buộc bản thân chú trọng việc học trước tiên. Đợi sau khi tốt nghiệp, ra trường, nếu vẫn còn tình cảm, em mới thổ lộ cùng người thầy mà mình quý mến”.
Em Nguyễn Đức Tín (HS lớp 12 trường THPT Hùng Vương): “Em nghĩ chuyện thầy cô có tình cảm với học sinh hoặc ngược lại là điều bình thường. Vì đây là chuyện tình cảm, rất khó nói. Nhưng người trong cuộc cần phải biết cách cư xử như thế nào cho đúng mực, đó mới là vấn đề.
Bạn bè em cũng có những trường hợp quý mến thầy cô, nhưng các bạn biết dừng lại ở ranh giới cho phép, không đi quá xa. Theo em, tuổi của chúng em chưa đủ độ chín chắn để xác định tình cảm mình ra sao. Cần phải đợi thêm thời gian, để bản thân hoàn thành tốt nhiệm vụ học hành, đồng thời nhìn kỹ bản chất tình cảm, mới quyết định bộc lộ với người mà mình yêu quý. Thời gian sẽ giúp ta có câu trả lời chính xác”.
Trường Sơn - Khánh Thủy (thực hiện)