Thi giáo viên giỏi ở Việt Nam: Những bất cập và vô bổ!?

04/10/2016 - 11:45

PNO - Dưới đây là chia sẻ của ông Nguyễn Quốc Vương, nghiên cứu sinh ngành Giáo dục Lịch sử thuộc Đại học Kanazwa (Nhật Bản) về những cuộc thi giáo viên giỏi ở Việt Nam.

Thi giáo viên giỏi ở Việt Nam: 'Chúng tôi quá mệt mỏi!'

Thi giáo viên giỏi vẫn diễn ra rầm rộ giống như hàng loạt "phong trào", "thi đua" khác trong trường học.

Lâu lâu lại có bạn hỏi tôi về kinh nghiệm thi giáo viên giỏi hay ý tưởng cho các bài giảng của bạn ấy. Thực ra, nói một cách thành thật thì các bạn ấy hỏi... nhầm người vì tôi chưa bao giờ đi thi giáo viên giỏi và cũng không tán thành chuyện thi giáo viên giỏi.

Tôi nghĩ trên thế giới hiện nay có rất ít nước tổ chức thi giáo viên giỏi. Ở Nhật, nước tôi đang học không có thi giáo viên giỏi. Hàng năm các giáo viên có các giờ học công khai để người ngoài bao gồm phụ huynh và các giáo viên khác tới dự giờ, quan sát và thảo luận về các giờ học đó. Thay vì thi giáo viên giỏi họ tập trung cho việc nghiên cứu và trao đổi chuyên môn thông qua các diễn đàn, tạp chí và các hội nghề nghiệp.

Thi giao vien gioi o Viet Nam: Nhung bat cap va vo bo!?
Ông Nguyễn Quốc Vương, nghiên cứu sinh ngành Giáo dục Lịch sử thuộc Đại học Kanazwa (Nhật Bản).

Thi giáo viên giỏi ở Việt Nam trên thực tế có rất nhiều bất cập và vô bổ.

1. Đã là thi thì sẽ có luyện thi. Nó dẫn tới tình trạng diễn xuất của thầy và trò. Hơn nữa người ngồi chấm thi chưa chắc đã "giỏi" hơn người dạy vì trong giáo dục chỉ cần thay đổi quan điểm giáo dục, cái vốn được ca ngợi là giỏi sẽ trở thành thứ tồi tệ trong nháy mắt.

2. Là thi đua, thành tích nên dẫn tới chạy đua thành tích và xuất hiện các tiêu cực đi kèm.

3. Là sự cạnh tranh gắn liền với danh hiệu và thăng tiến (lương thưởng) nên dẫn tới sự cạnh tranh, đố kị giữa các giáo viên giỏi và không giỏi trong khi giữa họ cần tồn tại mối quan hệ hợp tác. Hoặc ít nhất nó cũng gây nên tâm lý mặc cảm tự ti ở nhiều giáo viên không thuộc đội "giỏi".

4. Xét ở góc độ khoa học giáo dục, việc muốn biết giáo viên nào ưu tú hay không phải phải đánh giá các sản phẩm học trò tạo ra và bản thân học trò. Điều này là bất khả khi việc dự thi giáo viên giỏi chỉ diễn ra trong 45 phút. Kết cục cho dù giáo viên có tổ chức học sinh làm gì đi nữa hay sáng tạo thế nào thì với một nội dung kiến thức được quy định sẵn và các định kiến giá trị cho trước, kết cục bài giảng cũng chỉ là sự minh họa các kiến thức áp đặt từ trên xuống và tư duy chi phối chủ đạo là truyền đạt tri thức. Khá hơn một chút thì là sự liên hệ với thực tiễn một cách gượng ép theo lô-gic hình thức.

Sự tiến bộ trong nhận thức của học sinh luôn cần đến thời gian. Một chủ đề học tập ít nhất cần đến 3 giờ trong khoảng thời gian một tháng. Trong khoảng thời gian đó học sinh phải được tìm kiếm, đọc hiểu tài liệu, điều tra thực tế, thu thập chỉnh lý dữ liệu, phát biểu các kết quả thu được, thảo luận, tái cấu trúc thông tin và trình bày chúng dưới dạng sản phẩm của riêng mình. Những điều này là bất khả trong thi giáo viên giỏi.

Cuối cùng, trong "cuộc chơi" thi giáo viên giỏi của người lớn, chỉ học sinh là người thiệt khi cứ phải làm diễn viên quần chúng bất đắc dĩ.

Vì thế, tôi rất mong, thi giáo viên giỏi và học sinh giỏi sẽ không còn nữa. Thay vào đó, giáo viên có không gian và thời gian để nghiên cứu nội dung, kế hoạch giáo dục, học sinh có không gian và thời gian để trải nghiệm đa dạng đời sống trường học để trưởng thành.

Số lượng giáo viên giỏi, cũng như học sinh giỏi của Việt Nam rất lớn. Như thế thì đúng ra giáo dục của ta phải ghê gớm lắm chứ đâu có phải ở trong tình trạng cải cách liên tục mà khắp nơi như hiện tại?

Nếu không thì đích thị việc thi để giỏi hay giỏi thi này không có tác dụng gì trong thực tế. Bản thân nhiều giáo viên đi thi cũng chán nản ngán ngẩm nhưng sợ nên chẳng dám kêu!

* Tôi viết những dòng này ngay sau khi nói chuyện với một ông cụ người Nhật thân thiết với Việt Nam và cụ buồn buồn bảo: "Bao nhiêu năm Việt Nam có không biết bao nhiêu du học sinh du học ở Nhật về mà không thấy Việt Nam khá gì hơn". Tôi cũng thẳng thắn trả lời cụ luôn là: "Người Việt học chủ yếu để kiếm tiền và làm quan. Nghĩ xa hơn thứ ấy vừa thiệt thân vừa rất khó thực hiện".

Lúc này, báo Nhật cũng đang đưa tin nước Nhật lại giật giải Nobel Y-sinh lần nữa. Nếu thi mà giỏi được thì mình phải hơn họ rồi mới phải chứ!?

Ông Nguyễn Quốc Vương, nghiên cứu sinh ngành Giáo dục Lịch sử thuộc Đại học Kanazwa (Nhật Bản)

Ông Vương là dịch giả của nhiều đầu sách về giáo dục đã phát hành tại Việt Nam: "Cải cách giáo dục Nhật Bản" (tác giả Ozaki Mugen) - NXB Từ điển Bách khoa (2014); "Hướng dẫn học tập môn Xã hội" (Bộ Giáo dục Nhật Bản) - NXB Đại học Sư phạm (2015); "Lịch sử học là gì" (tác giả Odanaka Onaki) - NXB TP.HCM (2016)…

Nguyễn Quốc Vương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI