Những giờ học "made in... thầy Đức"

20/11/2015 - 14:23

PNO - Thay đổi cách dạy giáo điều, lê thê bằng những tiết học mới lạ, buộc học trò phải năng động trong suy nghĩ thông qua những câu chuyện cuộc sống...

Tận tụy với nghề, thương yêu dạy bảo học trò như con; để khi nhắc đến, nhiều học sinh lại à lên thán phục, đó là chuyện về thầy Vương Sĩ Đức (Khối trường lớp 5 Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai - Q. Gò Vấp, TP. HCM).

Văn: Vẽ sơ đồ; sử: Đứng lớp

Miêu tả về mẹ, cấm học sinh (HS) không được tham khảo bất kỳ bài văn mẫu nào, không cho gợi ý và yêu cầu HS về nhà quan sát mẹ từ dáng đi, nước da, ánh mắt…

Ngày hôm sau, khi HS vào học, thầy vẽ một sơ đồ bắt đầu bằng viết lên bảng từ khóa “gương mặt” mẹ em như thế nào? Duy nhất một HS xung phong trả lời: “Bầu bĩnh”. Cả lớp cười rần. Thầy liền giải thích: “Bạn nói đúng rồi, mẹ bạn có khuôn mặt bầu bĩnh. Thế mẹ các em có khuôn mặt như thế nào?”.

Lác đác vài em rụt rè cho ý kiến: trái xoan, tròn, dài... Đến từ khóa thứ hai là “mái tóc”, các em đã hiểu cách nên bắt đầu tranh nhau nêu ý kiến: dài, xoăn, đen tuyền… Cả lớp hào hứng lần lượt cho đến là những từ liên quan đến đề bài.

Đó là mở đầu cho giờ học văn bằng sơ đồ tư duy toán học “made in thầy Đức”. Thầy và trò cùng nhau xây dựng dàn ý theo kiểu sơ đồ, không có câu văn, chỉ có những từ khóa đơn giản, ngắn gọn mang tính gợi ý. Đây sẽ là những từ khóa để học trò dựa vào viết thành câu văn, ghép thành bài văn hoàn chỉnh của riêng mình mà không bắt chước câu văn của giáo viên hay văn mẫu.

“Ban đầu khi áp dụng cách này, học trò không còn được cầm tay chỉ việc nên rất bỡ ngỡ, lúng túng, kết quả không khả quan, nhưng mình quyết không quay lại cách đọc - chép cũ. Có tập dần như vậy các em mới quen với cách học văn có tư duy, động não, gặp chủ đề nào cũng có thể làm được mà không phụ thuộc vào văn mẫu”, thầy Đức chia sẻ.

Nhung gio hoc
Thầy Vương Sĩ Đức luôn dành thời gian trò chuyện với học trò

Biết nhiều em bị thói ích kỷ, không thích chia sẻ, câu chuyện dạy về cách sống được thầy lồng vào ngay trong cách dạy: “Thay vì mỗi em phải tự ngồi viết ra dàn ý cho bài văn của mình, ở đây, mình yêu cầu các em cùng nhau xây dựng sơ đồ. Kết quả sơ đồ chung sẽ đa dạng, phong phú hơn cá nhân làm rất nhiều. Mỗi em chọn ý nào ưng nhất để thể hiện vào bài làm. Mình hay nói với học trò rằng: các con không được ghét bạn, phải thấy vui khi bạn phát biểu đúng, bạn được thầy tặng “mặt cười” mỗi khi làm bài hay (cách đánh giá ở bậc tiểu học). Có như vậy thì các con mới cùng nhau xây dựng được một sơ đồ với nhiều ý hay”.

Có nhiều trăn trở rất “già đời”, nhưng thầy Vương Sĩ Đức là giáo viên trẻ nhất được dạy khối 5 của trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai và nắm giữ vị trí khối trưởng khối lớp bản lề này. Sinh năm 1981, từng là một chàng trai yêu thích khoa học công nghệ nhưng cuối cùng lại rẽ hướng sang nghề “gõ đầu trẻ”.

Nhắc đến kỷ niệm này, thầy giáo trẻ tủm tỉm cười: “Nghề chọn mình chứ mình không chọn nghề, đến với nghề giáo cũng là một chữ duyên mà cũng là kỷ niệm sâu sắc. Năm đó, mình không đậu vào trường ĐH Bách khoa yêu thích, vậy là giấy báo trúng tuyển vào trường CĐ Sư phạm TP.HCM kéo chân mình bước vào nghề giáo”.

Nhưng rồi, một nghề từ ngoài dự định đã trở nên “thuận tay” với thầy lúc nào không hay. Những tiết học thú vị, lôi cuốn được hình thành từ nỗ lực không ngừng của thầy. Phương pháp dạy văn bằng sơ đồ tư duy toán học đã được nhân rộng. Như Quỳnh, HS lớp 5 của trường nói: “Con thích học văn với thầy vì con được viết những gì con nghĩ. Không bị gò ép nên rất thoải mái, con không thấy sợ viết văn như trước”.

Cách dạy sử của thầy cũng không kém phần lạ: thầy yêu cầu HS phải… đứng lớp. Các em phải làm việc nhóm, tự thân vận động để hiểu kiến thức sâu nhất có thể. Trước mỗi bài học, thầy giao việc liên quan để HS về tự nghiên cứu, tra tìm trên mạng, xem clip. Mỗi nhóm phải trao đổi, chuẩn bị nội dung để trình bày trước lớp.

Như vậy, ít nhất trước khi vào bài học các em đã nắm sơ một số kiến thức. “Cho các em trình bày trước lớp cũng giống như yêu cầu các em “dạy học”, điều này buộc HS phải tìm hiểu sâu vấn đề. Tôi chỉ có nhiệm vụ chốt lại kiến thức, thậm chí nhiều em có thể chốt kiến thức của bài học luôn”, thầy Đức hồ hởi chia sẻ.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI