Mẹ Việt tại Đức chia sẻ cách học để trẻ thông thạo 6 thứ tiếng mà không cần học thêm

09/07/2016 - 06:46

PNO - Những chia sẻ là sự trải nghiệm và quan điểm cá nhân của cô Thanh Phúc (người Việt sống tại Đức) về phương pháp dạy và học ngoại ngữ tại đất nước này.

Thông thạo 5, 6 thứ tiếng... là chuyện bình thường

Cô Thanh Phúc (một người Việt đang sống tại Đức) có 2 người con đều sinh ra và lớn lên tại đất nước này chia sẻ về cách thức dạy và học ngoại ngữ (tiếng Anh) trong những trường học Đức- một trong những điều mà cô luôn tâm đắc với giáo dục đất nước này.

Hiện tại, người con trai đầu của cô Phúc năm nay 25 tuổi, đang làm Master kinh tế, cậu biết 6 thứ tiếng: Đức và Anh thì thông thạo như nhau; tiếp đến là tiếng Pháp đủ trình độ giao tiếp thông thường; tiếng Nhật nhận bằng C1 (đang thực tập ở Bộ Ngoại thương của Đức ở Tokyo) trước khi trở về Đức, thi lấy bằng thạc sĩ tại Đức vào đầu năm tới. Ngoài ra, tiếng Trung Quốc và tiếng Việt Nam, cậu có thể hiểu và nói chuyện được với mọi người.

Con gái thứ 2 (16 tuổi) hiện đang học trường chuyên bên Đức và cũng không thua kém anh trai là mấy khi cô bạn biết 5 thứ tiếng: Đức, Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Việt Nam...

Me Viet tai Duc chia se cach hoc de tre thong thao 6 thu tieng ma khong can hoc them

Trước sự ngỡ ngàng của nhiều người về việc một người trẻ có thể nói và giao tiếp thông thạo nhiều thứ tiếng như vậy, cô Thanh Phúc cho hay, việc 2 người con của mình có thể thông thạo, giao tiếp bằng nhiều thứ tiếng không phải vì chăm chỉ (thậm chí còn lười biếng) hay có một bí quyết nào đặc biệt, cũng không phải do có tài năng xuất chúng mà con cô cũng như bao đứa trẻ bình thường khác, và kết quả đó cũng giống như bao đứa trẻ được học tập trong môi trường giáo dục này.

"Đó chỉ là kết quả bình thường thôi, con tôi không phải hàng Top gì đâu. Rất nhiều các gia đình người Việt mình sống tại Đức có con giỏi giang hơn nhiều", người mẹ gốc Việt chia sẻ.

Trẻ em Đức được dạy và học ngoại ngữ thế nào?

Không cho rằng việc một người trẻ có thể biết và sử dụng nhiều thứ tiếng như vậy là điều đặc biêt, thậm chí với người mẹ này, đó là chuyện bình thường. Và điều mà cô muốn nhấn mạnh đó là vì phương pháp giáo dục, cách thức đào tạo ngoại ngữ nói riêng và các môn học khác trong hệ thống giáo dục của đất nước này nói chung rất được chú trọng, thiết thực, chi tiết từng chút một. Cụ thể:

"Các học sinh sẽ phải theo học theo chương trình dạy học ở Đức. Tức là tất cả các môn học của các cháu đều theo học chính khoá ở trường, và chúng tôi không cần phải cho con cái học thêm ngoài giờ gì cả (ngoài việc học đàn, vẽ hay võ...)

Còn riêng với môn học tiếng Anh thì ngay từ lớp mẫu giáo, người ta đã khuyến khích bố mẹ cho con cái học thêm một giờ một tuần (theo kiểu vừa chơi, vừa học dành cho lứa tuổi mẫu giáo).

Me Viet tai Duc chia se cach hoc de tre thong thao 6 thu tieng ma khong can hoc them

Lên cấp 1, học sinh cũng đã có giờ học tiếng Anh và cứ thế mà học tiếng Anh trong suốt 12 năm phổ thông (nhưng chương trình học sẽ được biên soạn cho phù hợp với từng lứa tuổi, và từng chất lượng của các lớp mà các cháu theo học).

Để vào được đại học bên này thì lúc học phổ thông, tối thiểu các cháu đã được học thêm 3 ngoại ngữ mà trong đó tiếng Anh được đặc biệt quan tâm.

Với cách giáo dục trên của Đức, sau khi tốt nghiệp các trường chuyên để vào thẳng đại học bên này thì hầu như học sinh đã có thể giao tiếp tiếng Anh trôi chảy gần như tiếng mẹ đẻ (tiếng Đức) mà không cần phải đi học thêm một giờ nào, ngoài chương trình chính khoá", cô Phúc chia sẻ.

Theo cô Phúc, khi bước chân vào các trường đại học bên này thì khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh là điều kiện tất yếu, sinh viên có thể dễ dàng nghe các giáo sư lên lớp bằng tiếng Anh ở các giảng đường như là nghe giảng bằng tiếng mẹ đẻ, đó là điều mà cô Phúc cảm thấy rất hài lòng với phương pháp giáo dục ngoại ngữ có tính hệ thống như vậy.

Cô Phúc cho biết, bên Đức, học sinh được giáo dục toàn diện, không có môn nào bị coi trọng hay coi nhẹ cả (đấy là bậc phổ thông cơ sở)... Có lẽ vì vậy, học sinh của đất nước này luôn ý thức được rằng môn học nào cũng quan trọng và có giá trị riêng của nó. Và dĩ nhiên, lên những lớp cao hơn, nếu học sinh được vào học lớp chuyên ngữ hoặc chuyên toán... sẽ có nhiều giờ học ngoại ngữ, toán hay văn... hơn các môn khác.

Trên đây là những chia sẻ bằng sự trải nghiệm và quan điểm cá nhân của cô Thanh Phúc (một người Việt đang sinh sống và làm việc tại Đức) với hy vọng các phụ huynh Việt đang băn khoăn có nên cho bé học Tiếng Anh ngay khi còn học mẫu giáo đến cấp Trung học phổ thông, sẽ có được câu trả lời của mình.

Lam Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI