Cải cách giáo dục đại học: Học phí thấp thường làm mất công bằng xã hội nhiều hơn

26/02/2018 - 08:03

PNO - Chính sách học phí ĐH công lập thấp thường chỉ làm mất công bằng xã hội nhiều hơn, bởi những người có điều kiện đầu tư cho con cái thường lại là đối tượng thụ hưởng ở trường công nhiều hơn.

Từ năm 2005, Việt Nam (VN) đã đặt ra mục tiêu phải tăng tỷ lệ sinh viên (SV) đại học (ĐH) tư thục lên 40% vào năm 2020. Nhưng từ đó đến nay, tỷ lệ SV ĐH tư thục trong tổng số SV vẫn chỉ quanh quẩn ở mức 13-15%.

Tỷ lệ này là thấp hơn cả Lào (32,4%) và Campuchia (58%) chứ đừng nói đến Hàn Quốc (80,1%), Nhật Bản (77,4%)... Tỷ lệ SV ĐH tư thục thấp đồng nghĩa với tỷ lệ SV công lập cao và ngân sách đầu tư cho giáo dục (GD) ĐH tiếp tục bị dàn trải, chất lượng đào tạo ĐH thấp. 

Về vấn đề này, Báo Phụ Nữ đã có cuộc trao đổi với giáo sư (GS) Phạm Phụ, một chuyên gia về quản trị ĐH. GS Phụ nói: “Cải cách GDĐH phải bắt đầu từ cải cách tài chính và người học cùng chia sẻ chi phí”.

Cai cach giao duc dai hoc: Hoc phi thap thuong lam mat cong bang xa hoi nhieu hon
 

Phóng viên: Thưa GS, vì sao ông cho rằng việc đầu tiên phải làm trong cuộc cải cách GDĐH lần này là cải cách tài chính? 

GS Phạm Phụ: Cũng như rất nhiều lĩnh vực dịch vụ khác, chất lượng GDĐH không thể cao khi chi phí đầu tư thấp. Các trường ĐH công lập khi xin cơ chế tự chủ thì điều đầu tiên họ “đòi” là tự chủ về tài chính. 

Trong GDĐH, suất đầu tư thường gọi là "chi phí đơn vị" - chi phí bình quân cho một SV trong một năm học. Hiện nay, chưa có con số công bố chính thức nào về suất đầu tư từ Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, có thể ước tính gần đúng con số này hiện chỉ vào khoảng 1.000 USD/SV/năm. Trong khi đó, suất đầu tư ở Mỹ năm 2004-2005 là 22.000 USD, ở các nước OECD (Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế) là 12.000 USD, ở Đài Loan là 7.000 USD... Vậy suất đầu tư thỏa đáng cho VN hiện nay nên là bao nhiêu?

Theo một số chuyên gia Ngân hàng Thế giới, suất đầu tư thỏa đáng thực tế thường tương thích so với GDP/đầu người của từng nước. VN hiện có GDP/đầu người khoảng 2.300 USD, nếu tính tỷ lệ khoảng 90%, nghĩa là suất đầu tư nên khoảng 2.100 USD. Nếu con số ước tính này là đúng thì suất đầu tư cho GDĐH của VN hiện nay quá thấp, chỉ khoảng 50%.

Hệ quả trực tiếp dễ thấy là chất lương đào tạo ĐH hiện nay rất thấp và xuất hiện tình trạng du học tự túc ở các ĐH có chất lượng thấp, nhiều ngoại tệ bị “chảy” ra nước ngoài một cách không cần thiết và cũng không hiệu quả. Vì vậy, chúng ta bắt buộc phải cải cách tài chính, nâng suất đầu tư để vực dậy chất lượng GDĐH.

* Nhưng ngân sách cho GD không đơn giản cứ đòi tăng là có thể làm được ngay?

- Vẫn có thể! Ngân sách hiện đang gánh cả nhiệm vụ đầu tư chuyện học cho cả người nghèo lẫn người giàu. Chuyện này trở nên vô lý, nhất là với GDĐH, bởi học ĐH xuất phát và gắn liền với lợi ích cá nhân nhiều hơn lợi ích xã hội như GD phổ thông. Đã đến lúc chúng ta thực hiện nguyên tắc người học và gia đình phải gánh chịu chi phí. 

Có ba nguồn chi phí chính cho GDĐH là từ ngân sách nhà nước; từ đóng góp của người học và gia đình, gọi là học phí; và từ nguồn đóng góp của cộng đồng, kể cả của chính cơ sở GDĐH qua hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và các hoạt động khác. 

Hiện nay, ngân sách Nhà nước dành cho GD đã ở mức 20% và có lẽ không còn “dư địa” để tăng đầu tư cho GDĐH nữa. Muốn suất đầu tư tăng thì phải tăng học phí ĐH công lập lên 2,5 lần, đồng thời phải tăng tỷ lệ SV ngoài công lập.

* Nhưng tăng học phí lại là câu chuyện thường xuyên bị phản đối?

- Theo tôi thì cần phải thay đổi tư duy về học phí ĐH và không thể nói "học phí tùy mức thu nhập của dân chúng". Chính sách học phí ĐH công lập thấp thường chỉ làm mất công bằng xã hội nhiều hơn, bởi những người có điều kiện đầu tư cho con cái thường lại là đối tượng thụ hưởng ở trường công nhiều hơn.  

Khi nền GDĐH được mở rộng, vấn đề mất cân bằng xã hội trở nên hết sức nan giải, nhiều SV phải bỏ học vì lý do tài chính. Do đó cần có sự điều tiết và chính sách hợp lý từ phía Nhà nước. Về vấn đề này, kinh nghiệm của thế giới cho thấy, cách giải quyết tốt nhất là xây dựng nhiều loại quỹ cho SV vay, kèm theo đó là thực hiện chính sách "học phí cao - tài trợ nhiều".

VN đã có quỹ cho SV vay vốn, nhưng quy mô còn rất nhỏ, chưa đủ chi trả học phí thấp hiện nay. Hơn nữa, việc xét duyệt cho SV vay vốn không xuất phát từ bản thân người học mà dựa vào thu nhập của gia đình. Điều này bất hợp lý và cũng không giống ai. 

* Thưa GS, vì sao ngành GD không ít lần hô hào tăng tỷ lệ SV ĐH ngoài công lập nhưng dường như càng hô hào thì tỷ lệ này lại càng giảm?

- Nguyên nhân là vì Nhà nước thiếu những chính sách khuyến khích phát triển các ĐH tư thục như chính sách cấp đất, miễn thuế, tài trợ SV ĐH tư thục, đồng thời do còn buông lỏng quản lý ở ĐH tư thục. Do có nhiều “điểm mù” trong quy định về ĐH tư thục nên trường ĐH tư thục đã trở thành nơi kinh doanh mang về siêu lợi nhuận cho chủ sở hữu.

Học phí cao nhưng người học không được thụ hưởng tương xứng, xã hội mất niềm tin… tạo thành một vòng luẩn quẩn trong quan niệm xã hội rằng, trường tư không đáng tin cậy bằng trường công.

* Tăng tỷ lệ SV ngoài công lập và tăng suất đầu tư, dường như con đường nào cũng rất khó đi?

- Rất khó. Muốn cải cách GDĐH phải thực hiện một loạt các giải pháp và phải vài mươi năm nữa mới thấy được sự thay đổi nếu chúng ta đi đúng hướng.

Tôi cho rằng VN phù hợp với loại hình ĐH công tư phối hợp. Nhà nước với quỹ đất công của mình có thể vận dụng mô hình này để phát triển nhanh chóng loại hình ĐH tư thục có mức lợi nhuận thích hợp để có thể nhanh chóng mở rộng quy mô ĐH tư thục. Bên cạnh đó, tăng học phí công lập cũng là một giải pháp để điều tiết người học.

* Xin cảm ơn giáo sư! 

Tiêu Hà (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI