Bất ổn trong chọn ngành đại học

17/04/2018 - 08:37

PNO - Suy nghĩ mãi mình cũng chỉ là một thầy giáo làng, chuyện lớn lao như thế này thôi thì đành trông chờ vào một cuộc thay đổi.

Những ngày này, nhìn các em học sinh (HS) lớp tôi chủ nhiệm hồ hởi ôm bộ hồ sơ đăng ký nguyện vọng đại học (ĐH), tôi không khỏi ngậm ngùi. Số lượng nguyện vọng không hạn định, nên thông thường các em sẽ chọn từ 3 đến 5 nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên, thậm chí có em chọn đến 10 nguyện vọng cho chắc.

Nhưng nhìn qua những nguyện vọng mà các em đăng ký, tôi giật mình vì các em chủ yếu chọn nhóm ngành kinh tế, dịch vụ: kinh tế, tài chính - ngân hàng, du lịch, quản trị kinh doanh, marketing… 

Bat on trong chon nganh dai hoc

Thiết nghĩ, một đất nước muốn được “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” buộc phải phát triển ba lĩnh vực cơ bản - tựa như kiềng ba chân để quốc gia tựa vào - là khoa học cơ bản, y tế và giáo dục.

Công bằng mà nói, cho đến thời điểm này, cánh cửa ĐH y khoa chỉ mở ra với những HS có điểm đầu vào rất cao, có năm điểm trúng tuyển lên đến 29 điểm. Và ngành y luôn là giấc mơ của nhiều người. Thế nhưng, các ngành khoa học cơ bản hay giáo dục sao vẫn không phải là lựa chọn của nhiều em?  

Thực tế những năm qua là gì? Chúng ta không có, không đủ những lao động có trình độ chuyên môn để phát triển nền nông nghiệp - vốn là thế mạnh của đất nước. Có lần, coi bộ phim tài liệu về cuộc sống của người nông dân Nhật Bản, tôi bàng hoàng tự hỏi, bao nhiêu năm nữa, 100 hay 200 năm, nông dân mình mới được trang bị đầy đủ máy móc và có cuộc sống cao như họ?

Hằng năm, con số HS chọn thi những ngành nông - lâm nghiệp và khoa học cơ bản là bao nhiêu? Chừng nào thì nông nghiệp - thế mạnh của nước mình - mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa như các nước? 

Ai cũng biết giáo dục cực kỳ quan trọng. Giáo dục là nền móng của ngôi nhà. Nhà muốn vững thì nền móng phải cứng. Nơi ấy, cần biết bao những con người thông tuệ, có kiến thức, khả năng truyền đạt cũng như tình yêu trẻ để bồi đắp cho rường cột của quốc gia.

Nơi ấy phải đãi ngộ cho nhà giáo những “quyền lợi” cùng với các “nghĩa vụ” tương xứng, rõ ràng, chứ không phải là mớ lý thuyết suông kiểu như: “Không nên xem nghề giáo là một nghề để mưu sinh” hay “cần cái tâm của mỗi nhà giáo”, “Tổ quốc ghi công các thầy cô”...

Bức tranh đầy những vết nhơ đến không tưởng của ngành giáo dục trong thời gian qua là do đâu? Chúng ta có đãi ngộ xứng đáng với người thầy chưa? Chúng ta có xử lý sai phạm trong ngành nghiêm khắc chưa? 

Cả lớp 41 HS của tôi, chỉ một em muốn thi sư phạm thì lại mếu máo: “Thầy gọi điện cho mẹ con giùm, mẹ cấm không cho con thi sư phạm”. HS giỏi, HS khá và thậm chí trung bình cũng không thiết tha vào ngành sư phạm.

Sóng sau không nối tiếp sóng trước, liệu có còn là đại dương? Con người không tốt, không biết sống sao cho trọn vẹn chữ người, thì khát vọng tiền bạc vật chất để làm gì? Không ai sơn son thiếp vàng lên một bức tường mục rữa và sắp đổ nát cả. Thật nặng lòng!

Suy nghĩ mãi mình cũng chỉ là một thầy giáo làng, chuyện lớn lao như thế này thôi thì đành trông chờ vào một cuộc thay đổi. Hy vọng như thế. 

Lâm Khả Minh 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI