Bất cập từ kỳ thi THPT quốc gia

20/05/2018 - 06:00

PNO - Dễ thấy là chất lượng đầu vào của thí sinh sẽ “thượng vàng hạ cám”, chất lượng đào tạo ĐH, CĐ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, trong khi các trường nghề lại thiếu vắng người học.

Những ngày này, để chuẩn bị cho “tháng Sáu mùa thi”, các thầy cô và học sinh (HS) cuối cấp THPT lại tất bật với việc ôn luyện. Có thể nhìn thấy những tín hiệu gì từ hoạt động này?

Trước hết, phương án thi THPT quốc gia năm nay có một số thuận lợi cho HS. Đó là việc sử dụng kết quả chung của kỳ thi để xét tốt nghiệp và tuyển sinh vào đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ), ngoại trừ một số ngành có tính chất đặc thù, đã giảm bớt thời gian, công sức, áp lực cho HS, tiền bạc cho phụ huynh.

Bat cap tu ky thi THPT quoc gia
 

Ngoài ba môn thi bắt buộc là toán, văn và tiếng Anh, HS phải thi thêm một trong hai tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội mới được xét công nhận tốt nghiệp. Với phương thức thi này, HS sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn tổ hợp để đăng ký xét tuyển vào các trường, các ngành ĐH, CĐ đúng với năng lực và sở thích.

Phương thức thi này cũng đã giúp hạn chế tối đa việc dạy dồn bài, cắt xén chương trình; triệt tiêu việc học lệch, học đối phó đối với những môn không thi tốt nghiệp như trước.

Điểm mới của kỳ thi năm nay là có thêm 20% kiến thức lớp 11, được kỳ vọng sẽ giúp cho việc phân loại kết quả được rõ ràng hơn, giúp các trường ĐH, CĐ thuận lợi trong việc đưa ra mức xét tuyển đáng tin cậy. 

Tuy nhiên, với vai trò người thầy, chúng tôi thấy kỳ thi này còn khá nhiều bất cập. Trước hết, cơ cấu điểm để được công nhận tốt nghiệp sẽ là 50% điểm kỳ thi và 50% điểm học bạ. Đây là lỗ hổng rất lớn để các trường chạy theo thành tích.

Cũng không ngoại trừ việc phụ huynh tìm cách xin thầy cô bộ môn nâng điểm cho con, gây nên tiêu cực. Một khi điểm học bạ đã được “bảo kê”, HS sẽ ỷ lại, khiến việc ôn luyện không mang lại hiệu quả cao, GV thì mệt nhoài.

Điều mà chúng tôi trăn trở nữa là đối với HS nước ta, cứ đến kỳ thi thì các em mới chịu học chủ yếu để đối phó. Trong khi đó, công tác hướng nghiệp ở trường phổ thông chưa thực sự hiệu quả. Thực tế này kết hợp với việc các trường ĐH, CĐ được thoải mái xét tuyển với rất nhiều tổ hợp môn thi, xét tuyển bằng học bạ, tất yếu sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.

Dễ thấy là chất lượng đầu vào của thí sinh sẽ “thượng vàng hạ cám”, chất lượng đào tạo ĐH, CĐ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, trong khi các trường nghề lại thiếu vắng người học. Điều này sẽ còn dẫn đến sự khủng hoảng nguồn nhân lực. Theo thống kê, quý I/2018, số người có trình độ ĐH trở lên thất nghiệp là 237.000 người. Điều này rất đáng phải suy ngẫm. 

Phan Thế Hoài

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI