Bạo lực trong NỮ SINH!

02/11/2016 - 06:56

PNO - Khi ba mẹ, thầy cô còn ngụy biện rằng "Đánh bởi yêu thương" "thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi", "hay chữ hơn dữ đòn", "người dạy bằng roi, voi dạy bằng búa"... thì nữ sinh, nam sinh còn nhiều bạo lực.

Ngu ghê, tối hôm kia, tôi click vào một clip... và không ngủ được, và sống cả ngày Halloween trong sợ hãi mà chẳng cần chút hóa trang nào. Cái clip đánh hội đồng tàn nhẫn, dã man một nữ sinh lớp 8, rồi còn châm thuốc lá đốt tay, rồi còn bắt nạn nhân liếm chân...

Công an huyện Nhà Bè (TP HCM) đã vào cuộc, đã triệu tập 13 thiếu nữ... và chắc chắn những mầm mống tàn ác đó sẽ bị trừng phạt, thậm chí có thể phải vào trong trại giáo dưỡng...

Nhưng có ai tính coi tại sao càng ngày học sinh càng có nhiều bạo lực?

Mới sinh ra các em đã biết bạo lực chưa?

Chưa! Ai nuôi con nhỏ sẽ biết, bé sơ sinh bé nào cũng thánh thiện như thiên thần. Các em học bạo lực từ đâu?

Từ đâu, nếu không phải là từ chính người lớn!

Tôi từng viết về một cô giáo PTTH ở Đà Nẵng xông vào trường tiểu học để đánh giáo viên chủ nhiệm con mình, vì hôm trước cô giáo có đánh bé. Cô giáo mà cũng đòi bạo lực phải trả bằng bạo lực, tát phải trả bằng tát, máu phải trả bằng máu, thì...

Cho dù trường nào cũng có khẩu hiệu: "Tiên học lễ hậu học văn", nhưng thông điệp mà tụi nhỏ nhận được là: "Bạo lực là biện pháp tối thượng, bạo lực sẽ giải quyết được tất cả!".

Bao luc trong NU SINH!

Khi ba mẹ, thầy cô còn ngụy biện rằng "Đánh bởi yêu thương" "thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi", "hay chữ hơn dữ đòn", "người dạy bằng roi, voi dạy bằng búa"... thì nữ sinh, nam sinh còn nhiều bạo lực.

Khi vừa bước chân vào trường học là có cả một đội ngũ săm soi bắt lỗi, ghi sổ: Sao Đỏ, Cờ Đỏ, Cán bộ Lớp trưởng, Tổ trưởng, giám thị…

Khi học sinh học vì sợ, sợ điểm kém, sợ thi trượt, sợ bị phạt, sợ bị cười, sợ bày tỏ chính kiến, sợ tranh luận cùng giáo viên.

Khi quá nặng sức ép từ Điểm số và thi cử, từ chương trình học quá tải, kỳ vọng của cha mẹ, thầy cô.

Khi một lỗi sai nhỏ có thể bị thổi phồng thành chuyện khủng khiếp, bị chì chiết, cảnh cáo, bêu riếu trước tập thể.

Khi trẻ con ra đường, ra chợ thấy đầy nỗi sợ, sợ rau quả ngậm thuốc kích thích, thịt kích siêu nạc. Sợ hóa chất công nghiệp trong thực phẩm. Sợ thiếu tiền, sợ thiệt thòi...

Có những nghiên cứu cho thấy nếu như bạn thường xuyên tiếp xúc với cái ác, đầu tiên bạn thấy nó rất ghê tởm sau đó bạn thấy quen dần và bình thường. Cũng giống như vào phòng tắm hơi, khi nhiệt độ tăng từ từ, bạn có thể chịu đựng được tới 80- 120 độ C.

(Ở nhiều nước văn minh, họ đã cố gắng giảm bớt ảnh hưởng. Ví dụ, nghề cai ngục làm việc theo nghĩa vụ một thời hạn nhất định là phải chuyển sang nghề khác. Giết heo, giết bò, giết cừu, giết gà ở nơi kín đáo không cho trẻ em thấy, tìm phương pháp giảm thấp nhất sự đau đớn của con vật trước khi chết, chích điện chứ không cắt tiết, thậm chí cho tới khi lên bàn ăn, họ còn tránh để thịt động vật ở dạng nguyên con...)

Cơ hội để dạy trẻ con sống tử tế nhân ái thiếu quá!

Ra đường 7h tối, 9h tối, hoặc các thứ 7, chủ nhật, thấy kẹt xe là đoán ra ngay có trung tâm tiếng Anh hoặc trung tâm học thêm!

Tôi nghĩ rằng, không cần học toán, văn cả ngày vậy đâu, không cần dạy đọc chữ, dạy tiếng Anh sớm trước tuổi tới trường đâu, không cần luyện não giữa, không cần tính nhẩm siêu tốc đâu!

Hãy dành thêm thời gian để dạy con kết giao thân thiết với các nhóm bạn tốt. Dạy con đừng giấu giếm nguy hiểm, đừng lùi vào chân tường, đừng để mình rơi vào tình huống đơn độc giữa bầy sói.

Những mâu thuẫn luôn có lộ trình phát triển, cơn bão nào cũng bắt nguồn từ việc tăng nhiệt độ trên mặt nước. Dạy con cách hóa giải những mâu thuẫn trong nhà ngoài ngõ khi mới manh nha, cách uyển chuyển tránh né đụng độ. Có những vụ đánh nhau tàn nhẫn, bắt đầu chỉ từ vô tình giẫm vào chân, hay mở cửa sổ đụng đầu một HS hung hãn mà không xin lỗi thôi đó ạ.

Quan trọng nhất để đối phó với nạn bạo lực là mỗi học sinh tìm cách phòng tránh nó ngay từ khi bão chưa tới!

Thế nhưng khi hỏi nơi dạy Giá trị sống, Kỹ năng sống, thì vẫn ít học sinh và ít ba mẹ quan tâm. Trong khi các trung tâm tiếng Anh và Toán Văn thì ngày càng quá tải!

Tôi nghĩ rằng con mình cần biết tính toán cách bảo vệ mình trước khi tính toán phương trình. Con cần biết cách nói với bạn ngọt ngào trước khi viết bài luận hay.

Con cần biết lắng nghe và hiểu những tiếng nói từ bên trong mình, nghe được tiếng nói cuả lương tâm mình trước khi nghe và hiểu tiếng Anh! Và trên tất cả, Xu Sim ạ, con là vô cùng quý giá đối với mẹ! Con luôn có mẹ đồng hành bên cạnh, cho dù có chuyện gì xảy ra!

Bài viết trên đây là chia sẻ mang quan điểm cá nhân của chị Thu Hà, một nhà báo, bà mẹ có hai con đang sống tại TP HCM.

Thu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI