Yamamoto và sức mê hoặc của jazz Nhật Bản

27/11/2016 - 12:04

PNO - Sự phiêu lãng, nổi loạn bay lên từ nền tảng hàn lâm, mực thước, đó là một trong những đặc điểm trong tinh thần nhạc jazz của Tsuyoshi Yamamoto - nghệ sĩ Nhật Bản đã có hơn bốn thập kỷ chơi dương cầm.

Vào 10/12 tới, huyền thoại piano Yamamoto sẽ cùng các thành viên trong nhóm tam tấu của mình tới Việt Nam để trình diễn trong đêm nhạc Yamamoto Live in Concert. Đây là sự kiện được giới audiophile trong nước chờ đợi, bởi với nhiều người chơi âm thanh, trong bộ sưu tập của họ khó có thể thiếu những chiếc đĩa than của tam tấu Tsuyoshi Yamamoto Trio.

Các album như Midnight sugar, Misty không chỉ là “di sản” của nhạc jazz Nhật Bản mà còn là “kinh thánh” của giới sành nhạc. Ngoài ra, một album khác là Autumn in Seatle phát hành năm 2001 cũng được coi như một trong những album smooth jazz hay nhất gắn liền với tên tuổi của huyền thoại Tsuyoshi Yamamoto.

Yamamoto va suc me hoac cua jazz Nhat Ban
Huyền thoại dương cầm Yamamoto có công đưa tinh thần Nhật vào nền tảng nhạc jazz Âu - Mỹ

Lần này đến Việt Nam trong đêm nhạc duy nhất tổ chức tại Nhà hát lớn (Hà Nội), Yamamoto cùng hai thành viên trong nhóm tam tấu là nghệ sĩ Hiroshi Kagawa (chơi bass) và Toshio Osumi (chơi trống) mang đến những bản solo cùng hòa tấu bất hủ trích từ các album kể trên. Công chúng có dịp nghe “tận tai” giai điệu jazz tuyệt đẹp của những bản nhạc như The Way We Are, Autumn in Seattle, Misty, Romeo and Juliet, Sound of Music Medley…

Về phong cách âm nhạc của huyền thoại dương cầm Nhật Bản, khi ra mắt album What a wonderful trio!, năm 2008, tạp chí Audiophile Audition viết: “Yamamoto dường như đạt đến mức độ cao nhất của quãng cao với sự cuốn hút mê hoặc”. Nhận xét này thể hiện sự hoàn thiện kỹ thuật chơi nhạc đến mức thượng thừa.

Trong thực tế, đối với Yamamoto, dù là biểu diễn trong những khán phòng hay khi chơi nhạc để thu âm, trình độ kỹ thuật cao luôn được gắn với tính biểu cảm. Đó là cách ông cùng nhóm nhạc truyền cảm xúc và tinh thần hứng khởi đến người tiếp nhận, thuyết phục những đôi tai khó tính.

Để đạt đến đẳng cấp ở mức độ cao như thế, Yamamoto đã trải qua nửa thế kỷ gắn cuộc đời mình với phím đàn và những nốt nhạc. Sinh năm 1948, ngay từ nhỏ Yamamoto đã làm quen với piano.

Điều đặc biệt ở người nghệ sĩ này là tinh thần tự học. Tuy đã làm quen với piano từ những năm tháng ở trường tiểu học, nhưng cả quãng đường dài phía sau Yamamoto tự mày mò trên phím đàn, khám phá niềm đam mê và dần định hình lựa chọn cho cuộc đời mình.

Đến khi là sinh viên tại ĐH Nihon, nơi đào Yamamoto và sức mê hoặc của jazz Nhật Bản đạo nghệ thuật danh tiếng của Tokyo, Yamamoto đã trở thành một nghệ sĩ dương cầm chuyên nghiệp. Dấu mốc hé lộ tài năng của Yamamoto là khi chàng sinh viên 19 tuổi được chọn đệm đàn cho ca sĩ nhạc pop nổi tiếng Micky Curtis, tham gia tour diễn vòng quanh châu Âu vào năm 1967.

Đến năm 1974, Yamamoto trở thành nghệ sĩ chính của CLB nhạc jazz Misty ở Tokyo. Chính nơi đây giúp nghệ sĩ dương cầm này rèn giũa chuyên môn, tìm thấy những nghệ sĩ đồng hành, từ đó viết lên những bản nhạc cho album Misty. Cũng trong năm 1974 đánh dấu sự hợp tác của Tsuyoshi Yamamoto Trio với Three blind mice - thương hiệu ghi âm được giới audiophile tại Việt Nam quen gọi là “Chuột mù”, nơi góp phần đưa tên tuổi Yamamoto trở thành kinh điển.

Khi đã thành danh tại Nhật, Yamamoto bắt đầu bước ra thế giới, với sự góp mặt tại nhiều lễ hội âm nhạc quốc tế và ông chuyển đến sống tại New York, cộng tác với nhiều nghệ sĩ hàng đầu thế giới.

Đến nay, Yamamoto cùng nhóm tam tấu của mình đã trở về Nhật Bản sinh sống và hoạt động âm nhạc trong môi trường mà nhạc jazz luôn có vị trí đặc biệt, phát triển không kém những nền âm nhạc Âu, Mỹ. Nếu đi tìm bí quyết lý giải sự thành công của biểu tượng jazz Nhật Yamamoto thì đó là tinh thần jazz giàu cảm xúc và cảm xúc ấy được thể hiện một cách tự nhiên, khiến người nghe đắm say ngay khi những phím đàn đầu tiên mời gọi.

Bùi Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI