Vệ sĩ Sài Gòn: Thái Hòa trở lại làm "vua" phòng vé?

20/12/2016 - 07:44

PNO - Sau Vệ sĩ, tiểu thư và chàng khờ, màn ảnh rộng chào đón thêm một tác phẩm mới mà nhân vật chính cũng liên quan đến nghề vệ sĩ: Vệ sĩ Sài Gòn.

Sau Vệ sĩ, tiểu thư và chàng khờ, màn ảnh rộng chào đón thêm một tác phẩm mới mà nhân vật chính cũng liên quan đến nghề vệ sĩ: Vệ sĩ Sài Gòn (VSSG, khởi chiếu từ ngày 16/12). Ra rạp sau, khi mà phim trước đã gây thất vọng vì được đầu tư kinh phí cao, đề tài thú vị nhưng kịch bản quá yếu, đạo diễn non tay nên VSSG hẳn nhiên được chú ý đặc biệt.

Thêm vào đó, việc một bộ phim Việt (đúng hơn là hợp tác giữa VN, Canada và Thụy Điển) nhưng do đạo diễn ngoại (đạo diễn Nhật Ken Ochiai) thực hiện cùng sự trở lại sở trường hài của “vua phòng vé” Thái Hòa, sau thất bại với vai diễn quá nghiêm túc trong Fan cuồng, cũng là những yếu tố khiến VSSG gây tò mò.

VSSG xoay quanh hành trình bảo vệ cậu ấm con nhà tập đoàn sữa Lê Milk - Henry - của cặp đôi vệ sĩ Trịnh (Kim Lý đóng) và Viên (Thái Hòa đóng) thuộc công ty Vệ sĩ Sài Gòn. Kịch tính câu chuyện mở ra với việc “thân chủ” Henry đột ngột bị bắt cóc ngay giữa đám tang của cha mình, khi chỉ còn vài ngày nữa đến thời điểm cổ đông Lê Milk bỏ phiếu chọn chủ tịch mới.

Ve si Sai Gon: Thai Hoa tro lai lam
Màn rượt đuổi bằng xe cub 50 phân khối ở đầu phim là một trong những đoạn hành động ấn tượng của VSSG, đánh dấu lần đầu cây cười Thái Hòa (phải) thử sức với vai diễn hành động

Phim kết hợp hai yếu tố hành động và hài hước đã khai thác nhiều trên màn ảnh Việt (Già gân, mỹ nhân và găng tơ; Lật mặt; Lộc phát; Bảo mẫu siêu quậy; Vệ sĩ, tiểu thư và chàng khờ) nhưng ít phim dung hòa được phần đánh đấm với những tình huống gây cười mà đa phần lệch về hướng hài, kiểu chọc léc. VSSG tránh được hạn chế này.

Những ai yêu thích hành động sẽ hài lòng với những màn rượt đuổi, đánh nhau giữa Trịnh-Viên với nhóm người bắt cóc Henry. Các phân đoạn mang chất hành động trong phim diễn ra khá dày, giữ nhịp phim ở tốc độ nhanh, phù hợp với tính chất hối hả, khẩn trương của một cuộc giải cứu. Yêu cầu của đạo diễn Nhật là không sử dụng người đóng thế mà diễn viên phải tự thực hiện hầu hết các cảnh hành động đã phát huy hiệu quả chân thật khi lên phim (tất nhiên còn nhờ sự phối hợp của góc máy, hậu kỳ âm thanh).

Ở các cảnh này, góc máy di chuyển liên tục, thể hiện sự nhanh, mạnh, hiểm hóc của các ngón đòn, thế võ, cộng vào đó là sự phong phú về bối cảnh truy bắt, luân chuyển từ trong xe hơi ra đến du thuyền, từ nhà kho, tòa cao ốc ra đến hẻm nhỏ, đường lớn khiến không khí phim ít khi bị chùng xuống để người xem có thời gian “soi” vài điểm chưa thuyết phục ở phim.

Về khoản hài, VSSG tạo được cảm giác dễ chịu với các tình huống gây cười. Thành công này, ngoài phần kịch bản xây dựng bộ đôi nhân vật chính khá thú vị (cặp đôi vệ sĩ lệch pha nhau về ngoại hình lẫn tính cách; Trịnh bảnh trai, cơ bắp, làm việc nghiêm túc còn Viên thô kệch, bụng “một múi”, hấp tấp, ham vui, mê gái) còn nhờ khả năng diễn hài duyên dáng của Thái Hòa.

Có thể thấy Thái Hòa đã tiết chế cách diễn hài hơn sau khi các phim trước của anh như Long ruồi, Để Mai tính 2 bị phản ứng vì cử chỉ, điệu bộ chọc cười quá phô. Không chỉ ghi điểm ở những đoạn hài, một số phân đoạn thể hiện tâm trạng buồn bã, giận dữ, thất vọng với “một nửa” của mình (Trịnh) Thái Hòa cũng làm khá tốt.

VSSG nhìn chung tuy không có những nút thắt mang tính bất ngờ, câu chuyện còn vài điểm chưa thuyết phục nhưng chắc chắn vẫn thu hút người xem bởi chất hành động và hài hước - hai yếu tố rất được khán giả VN yêu thích và nhất là sự góp mặt của cây cười Thái Hòa. Nhiều khả năng VSSG sẽ giúp anh lấy lại danh hiệu “vua phòng vé” đã mất.

Nguyễn Ngọc 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI