Nhà văn thần tượng: Đầu tư cho tác phẩm hay... nhan sắc?

07/12/2016 - 06:30

PNO - Chỉ vài năm trở lại đây, khái niệm “nhà văn thần tượng” mới thịnh hành - khi một loạt tác giả trẻ nổi lên và nhanh chóng trở thành hiện tượng. Tác phẩm best-seller với số lượng in đến hàng chục ngàn bản.

Chỉ vài năm trở lại đây, khái niệm “nhà văn thần tượng” mới thịnh hành - khi một loạt tác giả trẻ nổi lên và nhanh chóng trở thành hiện tượng. Tác phẩm best-seller với số lượng in đến hàng chục ngàn bản, khiến không ít nhà văn có tên tuổi cũng phải chạnh lòng. Đi kèm với sự nổi tiếng quá nhanh và lượng độc giả hâm mộ đa phần là giới trẻ, thì nhà văn mang danh “thần tượng” lại phải đứng riêng trong một dòng chảy khác. Họ không được công nhận vào “chiếu văn chương chính thức”, trong khi chính họ cũng là một đội ngũ hùng hậu góp phần làm nên diện mạo của văn chương trẻ hiện nay.

Yêu văn hay yêu người?

“Nhà văn thần tượng là những tác giả ngoài việc viết ra những cuốn sách được người trẻ yêu thích, họ còn là người biết chăm sóc ngoại hình, tạo nên những phong cách riêng, rất cuốn hút. Còn nhà văn thuần túy thì… lầm lì, bê tha” - định nghĩa “gây sốc” của một bạn đọc trẻ yêu mến Anh Khang, Phan Ý Yên… gây sửng sốt cho những người có mặt tại buổi trò chuyện chủ đề "Nhà văn thần tượng" (do Nhã Nam tổ chức vào sáng 4/12).

Không phải là thiếu cơ sở khi bạn đọc nhìn nhận như vậy. Một thực tế rõ ràng, ngoài việc xuất hiện thu hút ở các buổi giao lưu, thì trang cá nhân của các “nhà văn thần tượng” cũng đầy những hình ảnh lung linh, phong cách sống hiện đại cùng những quan điểm sống gần với đại bộ phận người trẻ.

Sự kết nối giữa người viết và bạn đọc thông qua mạng xã hội càng khiến khoảng cách giữa nhà văn- độc giả gần nhau hơn. Văn chương có vẻ như đang ở giai đoạn mà tác phẩm hay cũng phải đi kèm với… nhan sắc của tác giả thì mới có sức cộng hưởng mạnh mẽ - theo góc nhìn của chính những người trẻ.

Trong những cuộc giao lưu, nhiều bạn trẻ nói rằng họ yêu mến tác giả nên thích luôn những cuốn sách tác giả đó viết. Điển hình là Jun Phạm, ngày ra mắt tác phẩm mới Thức dậy anh vẫn là mơ, có bạn đọc lặn lội từ Buôn Mê Thuột xuống TP.HCM chỉ để… nhìn mặt tác giả.

“Các bạn phải công nhận rằng, so với nhiều người viết trẻ khác, Anh Khang có ngoại hình rất sáng, cách nói chuyện thu hút, chữ viết lại rất đẹp và tận tâm. Lúc nào ký tặng sách, Khang cũng hỏi tên từng người, nắn nót từng lời chúc phù hợp, hỏi làm sao không được lòng bạn đọc. Với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ngày trước, chúng tôi đã mang tác phẩm của anh đi giao lưu, giới thiệu với các trường học tại đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh thành khác trong cả nước, cũng mất gần 20 năm truyền thông để xây dựng nên một nhà văn thần tượng của người đọc. Còn bây giờ, các bạn trẻ đã có quá nhiều kênh tương tác để giới thiệu mình. Tôi nghĩ, khái niệm nhà văn thần tượng là dành để nói về những tác giả trẻ được bạn đọc trẻ yêu thích. Có khi họ yêu thích tác phẩm rồi mến mộ nhà văn, nhưng cũng có khi là ngược lại” - TS Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc NXB Trẻ bày tỏ ý kiến.

Nha van than tuong: Dau tu cho tac pham hay... nhan sac?
Nhà văn thần tượng Anh Khang được nhiều độc giả trẻ yêu mến

Nhắc đến “nhà văn thần tượng”, có thể hình dung ngay đến tên của Anh Khang, Hamlet Trương, Jun Phạm, Gào (Vũ Phương Thanh), Iris Cao, Phan Ý Yên… Sách của những tác giả này luôn bestseller, trang cá nhân hàng chục ngàn người theo dõi. Họ luôn xuất hiện với những phong cách ấn tượng không kém người nổi tiếng của showbiz.

Một bạn đọc cho rằng, khi nhà văn đã có tác phẩm hay, thì việc chăm chút ngoại hình không có gì là khó khăn. Vấn đề “ngoại hình nhà văn” lần đầu tiên được mang ra trao đổi vừa gây bất ngờ vừa thú vị. Giá trị tác phẩm bị tạm đặt qua một bên, khi mà văn chương đang tồn tại giữa giai đoạn công nghệ, mạng xã hội và nhu cầu đọc-tiếp cận-kết nối của bạn đọc trẻ cũng đã quá thay đổi so với những thập niên trước.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từng nói: “Nhiệm vụ của nhà văn là viết chứ không phải là xuất hiện trước công chúng hay liên tục phát ngôn trên các phương tiện truyền thông”. Đến thời điểm hiện tại, anh vẫn miệt mài viết và luôn là nhà văn có lượng sách phát hành cao nhất. Nhưng văn chương trẻ thì gần như ngược lại. Tác giả không chỉ viết mà còn phải “biết cách” xuất hiện. Không chỉ viết sách, họ còn có những “khả năng đi kèm”: nhà văn kiêm ca sĩ, diễn viên, nhà thiết kế, MC; hoặc ít nhất là có ngoại hình đẹp, nói chuyện có duyên...

Những “nhà văn thần tượng” luôn được chọn để làm nhân tố thu hút cho các sự kiện của những đơn vị làm sách: giao lưu tại hội sách, khánh thành nhà sách, trao giải văn chương, ra mắt tác phẩm, quảng bá phim… Nói như TS Quách Thu Nguyệt thì: “Nhiều người mới xuất hiện chưa đầy 5 năm đã trở thành nhà văn thần tượng. Họ có lượng độc giả hâm mộ rất lớn, mà nếu so với cách quảng bá truyền thống trước đây thì có khi phải mất đến… 50 năm”.

Đường dài mới biết ngựa hay

Trong một cuộc tọa đàm về văn chương trẻ mới đây, nhà thơ Nguyễn Phong Việt - cũng có thể được xem là thần tượng của độc giả yêu thơ - có một góc nhìn khá xác đáng: “Bạn đọc đủ tỉnh táo và thông minh để lựa chọn đọc hay không đọc tác phẩm. Tác phẩm đầu tiên gây sốt, có thể là cộng hưởng lan tỏa từ số đông, nhưng đến tác phẩm thứ hai, người viết không làm bạn đọc thỏa mãn, thích thú, thì gần như chắc chắn cuốn sách thứ ba sẽ thất bại. Một khi người đọc đã theo được đến cuốn thứ ba một cách tự nguyện và đồng cảm, khi ấy có thể nói rằng người viết đã thành công, định vị được tên tuổi và ghi dấu niềm tin trong lòng bạn đọc”. Sắp tới, anh cũng cho ra mắt tập thơ thứ tư Về đâu những vết thương - theo “lịch” xuất bản định kỳ vào mỗi tháng 12 hàng năm.

Cây bút trẻ Minh Nhật (SN 1987, rất được yêu thích khi phụ trách chuyên mục Sky trên báo Hoa học trò, tác giả của những cuốn sách: Sự lựa chọn của bầu trời, Lạc lối giữa cô đơn, Chúng ta rồi sẽ ổn thôi… được nhiều trang mạng bầu chọn trong danh sách top 10 cây bút trẻ được yêu thích hiện nay) bày tỏ quan điểm: “Tôi không theo đuổi dòng văn chương được gọi là thần tượng, cũng không nghĩ đó là hướng đi tốt. Vì như thế chắc rằng sẽ sinh ra những góc nhìn cực đoan. Tôi công tác ở báo Hoa học trò 10 năm, độc giả không cần biết mặt tôi như thế nào, họ chỉ quan tâm đến những bài viết. Điều này chứng tỏ rằng với nhà văn, cái tên mới là quan trọng”.

“Văn chương thần tượng” ám chỉ những tác phẩm viết về tình yêu, nỗi buồn, cô đơn, những góc tâm tư tủn mủn của người trẻ. Bởi thế, những cuốn sách dạng này không bao giờ được xếp chung chiếu với “văn học thuần túy, văn học tinh hoa” - những khái niệm mỹ miều dùng để phân biệt những dòng chảy của văn chương hiện nay.

“Đầu tư cho một cuốn tiểu thuyết là điều không dễ dàng chút nào, nhưng tôi lại bị cuốn hút bởi những câu chuyện, những dẫn dắt phiêu lưu trong hành trình, tâm tư của các nhân vật để nói về những vấn đề lớn hơn của cuộc sống” - nhà văn trẻ Lê Hữu Nam bộc bạch.

Văn chương tùy thuộc góc nhìn. Anh Khang, cây bút đúng nghĩa “nhà văn thần tượng” hiện nay cũng đã có những phản biện thuyết phục: “Không ai có quyền đánh giá tác phẩm có giá trị hay không ngoài thời gian. Nếu những gì người trẻ viết ra chỉ là những vụn vặt, giản đơn, dễ dãi thì chắc chắn tác phẩm không thể có giá trị lâu bền. Giới trẻ bây giờ đang sống ở thời đại rất khác các thế hệ nhà văn đi trước, những gì họ viết cũng chính là những ghi chép tiệm cận với thời đại sống. Vậy cứ hãy để cho thời gian làm bộ lọc”.

“Người trẻ hiện nay rất dễ trở thành nhà văn, chỉ cần họ có chút năng khiếu và biết cách tiếp cận người đọc. Nhưng tôi vẫn hay nói rằng, đường dài mới biết ngựa hay. Độc giả hiện cũng có điều kiện tiếp cận với rất nhiều thông tin đa chiều, nên tôi nghĩ họ luôn biết cách chọn đọc tác phẩm. Cũng cần những nhà làm sách phải có “con mắt vàng” để khai thác những bản thảo hay, nhìn thấy được tác giả nào có thể đi được đường dài. Quan trọng nhất là chính những cây bút trẻ cũng phải biết tự làm mới mình. Nhà văn thần tượng hay không cũng đừng để văn chương đi vào lối mòn” - TS Quách Thu Nguyệt đúc kết.

Hoàng Hạc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI