Liên hoan Quốc tế Sân khấu Thử nghiệm lần thứ III-2016 vắng bóng nghệ thuật truyền thống

07/11/2016 - 11:54

PNO - Liên hoan Quốc tế Sân khấu Thử nghiệm lần thứ III-2016 từng được kỳ vọng sẽ mang lại một làn gió mới cho sân khấu Việt Nam. Nhưng đến phút cuối, thông tin về liên hoan khiến không ít người hụt hẫng.

Theo thông báo trước đây, liên hoan đã có 22 quốc gia đăng ký tham gia với 39 vở diễn. Riêng nước chủ nhà có 19 vở của 16 đơn vị. Ngoài ra, sẽ có một buổi hội thảo về nghệ thuật sân khấu (SK) hậu hiện đại. Tuy nhiên, trong thông báo cuối cùng của Ban tổ chức, chỉ có 18 vở diễn tham gia (trong đó có tám vở của Việt Nam). Buổi hội thảo cũng không thể thực hiện.

Được biết, tất cả các tác phẩm dự thi đều phải qua vòng tuyển chọn và nhiều tác phẩm đã “rớt đài”, theo ban tổ chức là do tính thử nghiệm chưa nhiều. Một số vở diễn của các nước tuy tính thử nghiệm tốt, có yếu tố mới lạ, nhưng không phù hợp với văn hóa Việt Nam. Ngoài ra, trong số 14 nước nhận được lời mời tham gia liên hoan, năm nước đã gửi thư báo không thể có mặt vì lý do tài chính gồm Ý, Macedonia, Đức, Hàn Quốc và Hungary.

Lien hoan Quoc te San khau Thu nghiem lan thu III-2016 vang bong nghe thuat truyen thong
Dưới cát là nước - một vở diễn thử nghiệm được đánh giá cao của Nhà hát kịch Quân đội.

Điều đáng tiếc nhất trong liên hoan lần này là sự vắng bóng của các đơn vị nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Nghệ thuật tuồng, chèo đều đứng ngoài “cuộc chơi”. SK cải lương có hai vở diễn đăng ký dự thi là Ngạ quỷ (Nhà hát cải lương Việt Nam) và Cạm bẫy và trừng phạt (Nhà hát cải lương Hà Nội) nhưng cả hai đều không vượt qua được vòng loại.

Trại sáng tác kịch bản SK thử nghiệm - đợt sáng tác được xem là bước đệm quan trọng cho kế hoạch tổ chức “Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ III năm 2016” của Hội Nghệ sĩ SK Việt Nam cũng thất bại. Không một kịch bản nào trong số 14 kịch bản của trại sáng tác được các đơn vị chọn dàn dựng để tham gia liên hoan.

Háo hức với Liên hoan, nhưng nhiều người trong ngành chung tâm trạng: xem để học hỏi các nước bạn là chính chứ không đặt quá nhiều kỳ vọng vào các đơn vị nghệ thuật trong nước. Điều này không khó hiểu, bởi thực tế hoạt động SK nhiều năm nay cho thấy: không nhiều vở diễn có những thử nghiệm mang tính đột phá.

Một số đạo diễn chông chênh giữa thử nghiệm và “làm khó” người xem. Với quan niệm thử nghiệm là phải làm những gì lớn lao, buộc khán giả phải suy nghĩ, chiêm nghiệm… Có những vở được gọi là thử nghiệm nhưng mang tính “đánh đố” và do vậy không thể chạm vào cảm xúc của người xem. Khi một vở diễn không khiến khán giả rung động, không mang lại cảm xúc thì việc thử nghiệm sẽ trở thành vô nghĩa.

Liên hoan do Hội Nghệ sĩ SK Việt Nam, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 12-19/11 tại Hà Nội.

Mười đoàn nghệ thuật tham dự liên hoan tới từ các nước Hy Lạp, Trung Quốc, Singapore, Panama, Đức, Nhật, Pháp, Ấn Độ. Các đơn vị của Việt Nam gồm Nhà hát kịch Việt Nam, Nhà hát kịch Quân đội, Nhà hát múa rối Thăng Long, Nhà hát Star Galaxy, Nhà hát Tuổi Trẻ, Đoàn kịch nói CAND, Nhà hát kịch sân khấu nhỏ TP.HCM và Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM.

Thảo Vân
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI