Con mắt của dân thường, kinh phí ít vẫn khiến người xem xúc động đến gai người

15/11/2016 - 13:07

PNO - Một tác phẩm điện ảnh dẫu có kinh phí thực hiện rất thấp, với bối cảnh đơn giản, đời thường vẫn đủ khiến người xem xúc động đến gai người.

Tại LHP quốc tế Hà Nội 2016, tác phẩm của điện ảnh Philippines Ordinary People (tựa tiếng Việt là Gia đình) giành giải thưởng Đạo diễn xuất sắc nhất và Nữ diễn viên xuất sắc nhất.

Trước đó, phim giành giải Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Nữ diễn viên xuất sắc nhất, Dựng phim xuất sắc nhất và Giải Netpac tại LHP Độc lập Philippines 2016. Đạo diễn sinh năm 1980 Eduardo Roy Jr đặt vào tác phẩm dấu ấn cá nhân của mình, đồng thời đưa ra góc nhìn thẳng thắn về một lát cắt trong đời sống xã hội Philippines.

Ordinary People có nghĩa là “dân thường”. Đạo diễn Eduardo cũng như nhiều nhà làm phim độc lập khác của Philippines thường hướng góc nhìn của mình đến những người dân thấp cổ bé họng trong xã hội - thành tố quan trọng phản ánh về đất nước Philippines hôm nay.

Con mat cua dan thuong, kinh phi it van khien nguoi xem xuc dong den gai nguoi
Hai nhân vật chính đều hóa thân xuất sắc trong Ordinary People.

Phim kể về một gia đình nhỏ bé sống trên hè phố, cô gái Jane sinh con khi mới 15 tuổi, còn người chồng không hôn thú tên Aries cũng chỉ mới 17. Họ không có chỗ dựa nào, ngoài việc dựa vào nhau. Thế nhưng, ở độ tuổi chưa trưởng thành, lại có cuộc sống hoang dại, nên dù có tình yêu với nhau, họ vẫn thường xuyên đối mặt với những cuộc cãi vã và những thách thức sinh tồn.

“Công việc” móc túi, giật đồ của “người chồng trẻ con” không đủ để khoác lên vai gánh nặng nuôi nấng một cô vợ nhỏ tuổi và một đứa con mới sinh. Cuộc sống bấp bênh càng trở nên đảo lộn khi một ngày, vì sự nhẹ dạ cả tin và vì những cơn đói, đứa con của họ bị đánh cắp. Họ lao vào cuộc kiếm tìm vật vã, với đủ những khoảnh khắc khóc - cười.

Một góc của cuộc sống ồn ã, xô bồ của thủ đô Manila được tái hiện dưới những thước phim có ánh sáng vàng vọt. Từng phút một, bộ phim đưa khán giả “nhập cuộc” với câu chuyện đời sống được tái hiện trong phim tài liệu, với hiện thực diễn ra ngay trước mắt người xem, chứ không phải sự tái hiện của phim truyện.

Diễn biến trong phim đến một cách tự nhiên, từ chuyện người vợ nhỏ tuổi cho con bú, cảnh cặp đôi làm tình, nhìn nhau ăn, hờn giận, rồi những va chạm của họ với đời sống trần trụi, con người chật vật mưu sinh… được khắc họa từ tốn, điềm nhiên, cho thấy bản lĩnh và sự chắc tay của nhà làm phim trẻ.

Sự hỗn mang, nhập nhoạng của đời sống đương đại, sự chênh lệch giàu - nghèo được phác thảo rõ nét trong phim. Điểm nổi bật được thể hiện là sự vô cảm của con người trong đời sống hiện tại. Ở đó, đồng tiền vượt lên những giá trị đạo đức, con người thiếu kết dính với nhau, những mối quan hệ tưởng chừng rất gắn kết như gia đình, mẹ - con, chồng - vợ… đều đối mặt với sự thờ ơ, hời hợt.

Gam màu lạnh lẽo nhất trong bức tranh đó là mối quan hệ của con người ở những cơ quan công quyền với người dân thường. Ngoài cách để hình ảnh, kể chuyện làm bật lên những điều đó một cách tự nhiên, đạo diễn còn đem đến một sáng tạo về ngôn ngữ điện ảnh khi liên tục khai thác những hình ảnh được ghi từ hệ thống camera an ninh gắn ở khắp các ngõ ngách của Manila.

Gần như trong mỗi chi tiết, tình huống quan trọng của vụ mất con và hành trình tìm con của hai vợ chồng Jane và Aries đều được những “con mắt” kỹ thuật số gắn ở siêu thị, ngã tư, đồn công an, bến tàu… ghi lại.

Vậy mà hệ thống camera ấy chỉ như “làm cảnh”, chúng không giúp gì cho việc đưa những thứ từ bóng tối ra ánh sáng. Những hình ảnh hầu hết là trung cảnh từ máy quay cầm tay, hình ảnh uốn cong từ hệ thống camera công vụ có thể khiến người xem giật mình khi nhận ra rằng: khi chính con người nhắm mắt làm ngơ, bàng quan trước những gì không mang đến cho mình mối lợi nào đó thì máy móc, hệ thống camera dẫu có được gắn chằng chịt khắp nơi liệu thấy được gì và để làm gì?

Bùi Dũng 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI